Kết cấu vừa liên tục, vừa phân mảnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảm thức văn hóa việt trong tùy bút đỗ chu (Trang 72 - 74)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.1.1. Kết cấu vừa liên tục, vừa phân mảnh

Kết cấu vừa liên tục vừa phân mảnh là một trong những kiểu kết cấu đặc trưng của tùy bút Đỗ Chu. Kết cấu liên tục là sự nối tiếp theo tuyến tính của các chi tiết tạo nên mạch thẳng của câu chuyện để phản ánh về số phận con người hoặc một vấn đề nào đó trong đời sống xã hội. Còn kết cấu phân mảnh là kiểu kết cấu thay vì là một đường nối thì có sự cắt khúc ra để nổi lên một vấn đề nào đó. Tuy có cách xa các vấn đề khác nhưng vẫn có sợi chỉ mỏng manh ứng chiếu với nhau, có thể là sự kế tiếp, có thể là sự đối lập để tỏa ra ánh sáng riêng. Sự liên tục trong cảm xúc về một vấn đề, một con người nào đó nhưng lại phân mảnh ở các chi tiết. Nhìn bề ngoài, tùy bút Đỗ Chu có vẻ rời rạc nhưng thực ra lại có mạch ngầm liên kết bên dưới tầng ngôn ngữ nhằm thể hiện một tư tưởng nghệ thuật nhất định.

Đọc tùy bút Đỗ Chu, ta nhận ra kiểu kết cấu vừa liên tục vừa phân mảnh được sử dụng thường xuyên và trở thành dấu ấn đậm nét. Đến với Thăm thẳm bóng người, bạn đọc ban đầu có lẽ thấy nhà văn nhắc đến quá nhiều bóng dáng, khi thì là một cô bé Hưng Yên chẳng hề có tên tuổi, khi tạt sang nói về anh Vũ Hoàng Địch - một nhà nghiên cứu triết học, lúc lại ngược thời gian về

với cụ Nguyễn Thượng Hiền, lúc lại sang tận Hunggari bàn về họa sĩ Isvan, lúc chuyển sang giới thiệu về nhạc sĩ Hoàng Tạo, họa sĩ Linh Chi… Đó chính là sự phân mảnh nhưng là sự phân mảnh bắt nguồn từ sự liên tục của cảm xúc. Mạch ngầm liên kết những mảnh ghép kia chính là ấn tượng của nhà văn về những con người tưởng chừng như không có gì liên quan đến nhau ấy. Nhà văn ấn tượng với họ ở tầm vóc con người. Đỗ Chu khẳng định: “Tầm vóc một con người, nhân cách một con người có thể tìm thấy từ trong thành tựu sáng tạo, từ sự nghiệp của chính người ấy, nhưng rất có thể cũng chỉ cẩn nhìn vào cách sống, nhìn vào những hành vi ứng xử của người ấy. Cách sống giữa nhân gian, cách ứng xử trước thời cuộc, trước mỗi bước đi trên đường đời là sự bày tỏ nhân cách hết sức thành thật” [17, tr.237].

Kết cấu phân mảnh là kiểu kết cấu đối lập với kết cấu liền mạch truyền thống. Nếu trong kết cấu liền mạch, các sự kiện móc xích chặt chẽ với nhau, thì trong kiểu kết cấu này, các sự kiện không liền mạch mà rời rạc như những mảnh ghép đặt lên nhau một cách lộn xộn. Đây là kiểu kết cấu nhiều truyện, nhiều mảnh nhỏ trong mỗi tùy bút, mỗi mảnh nhỏ ấy là một kết cấu, tất cả hợp lại tạo thành kết cấu chung của tùy bút. Nhà văn cố ý tạo ra sự đứt gãy các mạch tự sự để thể hiện khái niệm mảnh đoạn về hình tượng. Trong Chén rượu gạn đáy vò, khi đang kể lại cuộc gặp gỡ giữa mình và họa sĩ Trần Lưu Hậu, Đỗ Chu bất ngờ phân mảnh bằng cách kể lại cuộc đời của họa sĩ Hậu , thậm chí kể một cách chi tiết về con đường đến với cách mạng, nhất là thời gian Hậu được học tập nâng cao nghệ thuật hội họa. Rõ ràng, Đỗ Chu cố tình tạo ra sự đứt gãy để người đọc ấn tượng sâu sắc với hình tượng nhân vật mà mình đang đề cập đến. Người ta có thể không nhớ hết về Trần Lưu Hậu, nhưng người ta sẽ không quên được rằng Trần Lưu Hậy là một họa sĩ dám đổi mới và đã đổi mới nghệ thuật. Phải chăng, sự kết hợp giữa kết cấu liên tục và kết cấu phân mảnh đã góp phần làm nên phong cách tùy bút Đỗ Chu.

Bất cứ tác phẩm văn học nào cũng có một có một kết cấu nhất định. Nếu những yếu tố kĩ thuật, thủ pháp là có giới hạn thì kết cấu là vô hạn nên kết cấu tác phẩm là một kiến trúc, một tổ chức cụ thể, phù hợp với nội dung của tác phẩm. Kết cấu bộc lộ nhận thức, tài năng và phong cách của nhà văn. Bởi vậy, một nhà văn giỏi phải biết xây dựng kết cấu “vừa vặn” nhất cho tác phẩm của mình. Trong tùy bút Đỗ Chu, với kết cấu vừa liên tục vừa phân mảnh, Đỗ Chu đã làm được điều đó và góp phần làm nên những tác phẩm tùy bút đậm chất văn hóa.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảm thức văn hóa việt trong tùy bút đỗ chu (Trang 72 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)