Liên văn bản

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảm thức văn hóa việt trong tùy bút đỗ chu (Trang 76 - 79)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.1.3. Liên văn bản

Liên văn bản (intertextuality) là một khái niệm lí luận xuất hiện đầu tiên tại phương Tây. Lịch sử khái niệm liên văn bản cho thấy bản thân khái niệm này đã có sức hút rất lớn với nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ và lí luận văn học lớn, từ F.de Saussure, M.Bakhtin, đến J. Kristeva, R. Barthes, Gennette.... Nhìn chung mỗi người có những trường nhìn khác nhau, cách giải thích khác nhau nhưng tựu trung lại có hai trường phái chính: một bên coi liên văn bản như thủ pháp tổ chức văn bản, một bên liên văn bản được hiểu như là thuộc tính bản thể của mọi văn bản. Ở đây khái niện liên văn bản trong tùy bút của Đỗ Chu được chúng tôi xem xét như một thủ pháp tổ chức văn bản. Nghĩa là đọc tùy bút Đỗ Chu ta thường có một cảm nhận chung là đọc cái này sẽ gợi nhớ đến cái khác, chi tiết trước lại được nối lại đến hôm nay. Có thể nói đó là sự chồng lên, gối lên nhau để vấn đề trở nên hay hơn, phức tạp hơn xuất phát từ bề dày của nhiều lớp nhận thức, cảm nhận, tư tưởng.

Chỉ riêng vùng đất Kinh Bắc quê ông, ông đã trở đi trở lại với nó trên nhiều trang viết. Những cảnh như nối vào nhau, những con người như trò chuyện cùng nhau về cây, về đất. Một giàn trầu không gợi lại những khu vườn, cây đa từng nhắc đến. Những chân dung Nguyễn Tuân, Kim Lân, Trần Lưu Hậu,… đậm nhạt, chồng nối lên nhau, mỗi đoạn văn lại như có mối liên hệ văn bản với nhiều đoạn khác, nhiều cuốn khác. Tùy bút Đỗ Chu bởi vậy, không đơn điệu, đơn thanh. Những hình tượng như những con sóng trùm lên nhau, hô ứng nhau để tạo nên những ấn tượng phong phú và tươi mới.

Khi viết về con người, Đỗ Chu cũng sử dụng liên văn bản để khắc họa đậm nét những vẻ đẹp tâm hồn và tư tưởng của họ. Ta gặp Kim Lân ít nhất ba

lần trong văn Đỗ Chu ở những bài khác nhau. Đọc Thăm thẳm bóng người, ta thấy Kim Lân được Đỗ Chu giới thiệu: “Bằng một bút pháp kể chuyện bậc thầy, những trang văn xuôi thô nháp không cần điểm tô ấy đã đưa ông đứng vào hàng ngũ những nhà văn xuất sắc nhất của nền văn học đương đại nước nhà” [17, tr.70]. Đó là lời giới thiệu thứ hai về Kim Lân và nó gần như là sự tiếp nối, phát triển thêm nhận định của chính ông về Đỗ Chu ở cuốn Tản mạn trước đèn: “Còn với ông Kim Lân, một người làm văn xuôi, thứ văn xuôi thô nháp không tô điểm thì tình thế lại có phần khác hơn” [16, tr.135]. Không dừng lại ở đó, khi đọc Chén rượu gạn đáy vò, ta lại bắt gặp ông một lần nữa:

“Ông là người tuổi cao, chưa bao giờ giàu có, nhưng từ quần áo đến đôi giày, cái mũ, cái tẩu thuốc, cái kính, cái túi đeo… tất cả đều được chăm lo mỗi khi ra đường. Con người ấy cũng là mộc và duyên, và cũng là kỹ lưỡng lắm” [18, tr.166]. Đến đây, Đỗ Chu không chỉ bàn về một nhà văn Kim Lân nữa mà ông đang muốn khẳng định một con người. Kim Lân là một người ít trường lớp nhưng lại học nhiều ở ngoài đời, rất từng trải. Ông sống kỹ lưỡng nên văn ông cũng rất kỹ lưỡng và đặc biệt ông rất coi trọng cái tinh trong cuộc sống này. Ta thấy có sự liên văn bản và là liên văn bản để tăng thêm bội lần những ấn tượng, những cảm xúc về một vấn đề, một con người nào đó. Đấy là cái hay của cái tôi nghệ thuật Đỗ Chu.

Ngoài ra, đọc tùy bút Đỗ Chu, ta cũng được trở đi trở lại cùng Nguyễn Tuân. Điều này cũng dễ hiểu bởi có lẽ với Đỗ Chu và nhiều bạn bè trong giới, Nguyễn Tuân là bậc thầy. Trong đó, ở bài này là một Nguyễn Tuân ung dung, ở bài kia là một Nguyễn Tuân tài hoa, ở bài khác lại là một Nguyễn Tuân lặn lội trên Tây Bắc… Để rồi cuối cùng, Đỗ Chu khẳng định một cách rất tự hào về Nguyễn Tuân: “Ở ta ảnh hưởng của Nguyễn Tuân trong đời sống văn học cũng như trong toàn xã hội rất sâu rộng. Từ Bắc qua Trung vào tới miệt vùng Nam Bộ già trẻ đều quý trọng ông. Nhiều năm tháng qua ông đã trở thành bạn khi làm khách lữ hành trên quê hương họ. Ông làm đẹp cho Hà Nội, ông

gửi lại cho Huế và Sài Gòn những kỉ niệm để đời. Nhiều người Việt Nam đang sống phiêu bạt xứ người mỗi khi nhớ tới quê nhà đều không quên nhắc tới tên ông” [17, tr.89]. Như vậy, tên tuổi của Nguyễn Tuân dường như đồng nghĩa với những phẩm giá thuần Việt, đồng nghĩa với sự cao quý của tinh thần Việt. Và có lẽ, “bóng Nguyễn Tuân giờ đây vẫn tỏa sáng theo năm tháng” [17, tr.90].

Đỗ chu còn sử dụng liên văn bản để đưa ta đến với những tác phẩm tiêu biểu của những người nghệ sĩ đa tài. Đó là sự cảm thông, chia sẻ của Đỗ Chu với Lệ Tân, tác giả của bài Thăm lại Phố Đông mùa thu 1986. Hình ảnh của chị ám ảnh nhà văn khi chị ở Oslo nhớ về quê nhà, nhớ về phố Đông Lâm Giang với những bãi dâu, khung cửi dệt vải lụa, mùa nuôi tằm, những đêm đi học xa về khuya hồi bom đạn. Nhớ ngôi nhà ngang nhà dọc nhà thờ của ông bà tổ tiên, nhớ những bè gỗ lim dài cả trăm thước của gia đình nằm ngoài sông, nhớ sân nhớ vườn, và đặc biệt là “nhớ những cây cau vươn mình như đang ngó tìm những người thân ở đâu đó” [18, tr.157]. Có lẽ phải là một con người nhạy cảm lắm Đỗ Chu mới nhận ra được, hiểu được và trân trọng nỗi niềm của một con người sống nơi đất khách quê người ấy. Bản thân Đỗ Chu cũng một lần trở về nơi Lệ Tân nhắc đến và bất chợt nhận ra chiếc sanh đồng nho nhỏ nằm văng vật méo mó trong một bụi hẹ. Khi ấy, nước mắt nhà văn trào ra. Giọt nước mắt xúc động. Đó là sự xúc động của một con người đã tìm thấy một con người: Đỗ Chu - Lệ Tân. Đỗ Chu tiếp tục kể về cuộc đời của chị như để giải tỏa nỗi lòng mình. Ban đầu, khi sang nước ngoài, chị chịu ảnh hưởng nhiều từ chồng- người thầy đầu tiên của chị về nghệ thuật Châu Âu trong kiến trúc cũng như trong sở thích sưu tầm cổ vật. Nhưng rồi, chị ngộ ra là cần phải hướng về nghệ thuật phương Đông nữa mới đủ. Chị bắt đầu biết yêu những đồ cổ phương Đông, đặc biệt là đồ cổ nước nhà. Tình yêu ấy làm lan sang cả người chồng, khiến anh cũng có một cách nhìn khác, phong phú đầy đặn hơn, nhiều trải nghiệm minh triết hơn. Hơn thế, chị còn hi vọng lần

tiếp theo trở về Việt Nam sẽ có thêm một bản thảo mới, Ngã ba đường, viết bằng cả hai thứ tiếng, Việt và Ba Lan. Có lẽ đó sẽ là một cuốn tiểu thuyết hay. Hay ở vẻ đẹp tâm hồn của người viết ra nó. Phải chăng, đó là sự gặp gỡ giữa những con người đồng điệu? Đỗ Chu sử dụng liên văn bản để đưa người đọc đến gần hơn với những hình tượng nhân vật của mình và gợi ra trong ta nhiều suy ngẫm về cuộc đời, về con người.

Như vậy, liên văn bản không đơn thuần chỉ là sự cộng hưởng của những mảnh ghép rời rạc. Những mảnh ghép ấy nối kết, đan xen vào nhau tạo thành bức tranh phân chiếu. Đặc biệt, chung không chỉ nối cộng nhau một cách cơ học mà tạo thành bội số nhân của những cảm xúc, cảm giác. Đọc tùy bút Đỗ Chu, ta thấy nhà văn sử dụng thủ pháp liên văn bản rất thành công. Nó không đơn thuần là sự gợi nhớ văn bản này từ văn bản kia mà là sự liên kết có loogic, có chủ định để tạo ra tư tưởng nghệ thuật, giá trị nghệ thuật cho tác phẩm đồng thời làm nên văn hiệu của tùy bút Đỗ Chu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảm thức văn hóa việt trong tùy bút đỗ chu (Trang 76 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)