Cấu trúc hình xương cá

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảm thức văn hóa việt trong tùy bút đỗ chu (Trang 74 - 76)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.1.2. Cấu trúc hình xương cá

Đọc tùy bút Đỗ Chu, bạn đọc nhận thấy cái tôi tùy bút hiện lên rõ nét. Ở đó có cái nhìn của một nhà văn với những tâm tư, tình cảm, quan điểm rất chân thực. Ông khéo léo kết hợp đan xen, luân phiên các đoạn văn tả cảnh, kể chuyện hay hồi tưởng… để tạo nên một kết cấu vừa tự nhiên vừa đa sắc. Có thể gọi đó là cấu trúc hình xương cá.

Cấu trúc hình xương cá là chữ dùng của Nguyễn Thanh Tú trong bài viết về kết cấu truyện ngắn Đỗ Chu. Trong luận văn này, chúng tôi sử dụng để nói về kết cấu tùy bút Đỗ Chu bởi rõ ràng ranh giới giữa truyện ngắn và tùy bút Đỗ Chu khá mờ nhạt. Ở đây, tôi muốn nói thêm rằng: cấu trúc hình xương cá nói một cách khác là kiểu kết cấu giống như một con đường lớn và mở tiếp những con đường nhỏ và trên mỗi con đường nhỏ ấy chứa một thứ hoa thơm, cỏ lạ. Đây là một nghệ thuật quan trọng, là bản chất của tùy bút mà bậc thầy Nguyễn Tuân đã vận dụng đạt đến cổ điển. Đến với tùy bút Đỗ Chu, ta cũng nhận thấy rõ kiểu kết cấu này. Từ trục chính của một con người, một vấn đề, nhà văn bất ngờ rẽ ngang ra để nói về những con người khác, vấn đề khác. Nhưng tất cả vẫn bắt nguồn từ cái gốc là trục chính ấy với những gửi gắm của nhà văn.

Tùy bút Đỗ Chu thường được xây dựng theo cách trên phông nền của một câu chuyện sẽ có gắn vào đó một vài câu chuyện nhỏ khác để làm cho ý

nghĩa của nó trở nên phong phú hơn. Có thể thấy đây là kiểu kết cấu với mô hình: Một câu chuyện chính kết hợp một hoặc vài câu chuyện phụ. Đây chính là kiểu kết cấu khá quen thuộc và mang tính đặc trưng của thể loại tùy bút. Nhà văn có thể tự do liên tưởng, đang kể chuyện này lại chuyển sang chuyện khác vào những khoảng thời gian và không gian khác nhau. Ở tập tùy bút Tản mạn trước đèn đến Thăm thẳm bóng ngườiChén rượu gạn đáy vò, Đỗ Chu đều sử dụng kiểu kết cấu này.

Kiểu kết cấu này tuân theo quy luật liên tưởng tâm lý, liên tưởng của nhân vật - người kể. Nhân vật - người kể có thể kể lại những ấn tượng sâu sắc của mình về số phận, tính cách nhân vật hoặc các sự kiện tiêu biểu, đáng nhớ. Tất cả đều đươc khúc xạ qua lăng kính chủ quan của nhân vật - người kể. Vì thế, nó thưởng mang màu sắc cá nhân rõ nét, đậm yếu tố đời tư. Điều này đã góp phần đem lại cho tùy bút Đỗ Chu một thế giới đa âm, đa sắc, đa truyện như chính cuộc sống lắm phức tạp, lắm gian nan này. Trước hết là ở cuốn Tản mạn trước đèn, từ những Ghi chép ở Ban Mê, tác giả chuyển sang nói về Ông già ngồi dịch Đăm Săn để bộc bạch những tâm sự về đất và người Tây Nguyên. Sau đó, nhà văn chuyển sang những hồi tưởng về miền Trung Cát nóng, lên đến Trời Điện Biên mây trắng. Thế rồi, nhà văn lại ngược trở về

Quê ngoại Bắc Ninh. Đọc đến Chén rượu gạn đáy vò, ta bắt đầu say sưa với những câu chuyện hồi thơ bé của chính nhà văn Đỗ chu trong Đầy vơi năm tháng. Ở đó, ta hiểu thêm về những thay đổi trong đời sống gia đình nhà văn, hiểu thêm về cái nguyên cớ đến với văn chương và rồi đến đơn vị công tác và tiếp tục sự nghiệp sáng tác. Ngoài ra, ta còn biết tới những người bạn, những đồng nghiệp mà Đỗ Chu vô cùng trân quý, hay cả những quan niệm tâm linh của người Việt trong Sông mịt mù sương.

Đọc tùy bút Đỗ Chu, bày ra trước mắt ta là rất nhiều mảng cuộc sống, nhiều mảng thời gian, không gian. Tuy nhiên, cái Đỗ Chu làm rất tốt là ở chỗ đằng sau cái phức tạp ấy bao giờ cũng là sự gắn bó chặt chẽ, hữu cơ, có trật tự

giữa các chi tiết để làm nổi bật lên những suy ngẫm, triết lý sâu sắc về con người, về cuộc đời theo cấu trúc hình xương cá. Đây chính là một trong những nét tiêu biểu rất riêng làm nên phong cách nghệ thuật tùy bút Đỗ Chu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảm thức văn hóa việt trong tùy bút đỗ chu (Trang 74 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)