Phương hướng của việc nâng cao vai trò của nhân tố chủ quan

Một phần của tài liệu vai trò của nhân tố chủ quan trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc dao ở phú thọ hiện nay (Trang 80 - 85)

quan trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao tỉnh Phú Thọ hiện nay

2.3.2.1. Đối với các chủ thể lãnh đạo: Cần nâng cao vai trò của các cấp

ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao ở Phú Thọ hiện nay

Văn hóa là một lĩnh vực nhạy cảm, nó liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội. Các vấn đề của văn hóa bao giờ cũng chỉ giải quyết được một cách có hiệu quả thông qua vai trò hoạt động năng động chủ quan của con người. Để các hoạt động văn hóa có thể hiệu quả, đồng thời gìn giữ và phát

huy được bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình thì cần sự phối hợp của cả một hệ thống: sự lãnh đạo của Đảng, sự phối kết hợp của các cấp ủy và chính quyền phù hợp với những điều kiện khách quan vốn có của địa phương và đặc biệt là thỏa mãn được nhu cầu của các tầng lớp dân cư. Muốn vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân trong tỉnh cần có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa kinh tế - xã hội và văn hóa. Các cá nhân được phân công phụ trách trong các hoạt động văn hóa phải là người có kiến thức, có sự am hiểu nhất định về lĩnh vực này, nhất là phải có tâm huyết với việc gìn giữ và phát huy các bản sắc văn hóa. Không chỉ có vậy, họ phải có thời gian đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng những vấn đề mà mình phụ trách, nắm rõ được đặc điểm của lĩnh vực ấy, từ đó chủ động đề xuất những giải pháp và kế hoạch để xây dựng được một môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện đưa văn hóa phát triển sâu rộng tới mọi lĩnh vực khác của đời sống.

Cũng cần lưu ý, văn hóa dân tộc Dao ở tỉnh Phú Thọ là bản sắc riêng của đồng bào Dao, nhưng việc bảo tồn và giữ gìn thì phải là nhiệm vụ chung của các cấp, ban, ngành trong toàn tỉnh. Nó không thể thành công bằng các biện pháp áp đặt mang nặng tính hành chính, quan liêu. Do vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cần cụ thể hóa nghị quyết thành chương trình hành động, giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho chính đồng bào Dao về văn hóa của họ, về những tinh hoa văn hóa mà bao đời cha ông họ đã tạo dựng nên, nâng cao ý thức bảo vệ những di sản ấy cho chính những người chủ di sản ấy. Bên cạnh đó, cũng cần phải tuyên truyền về vấn đề bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao tới mọi tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh.

Trong điều kiện kinh tế của cư dân vùng sâu, vùng xa nơi đồng bào Dao sinh sống còn gặp nhiều khó khăn, dân trí thấp, giao thông đi lại không thuận tiện thì vấn đề phát huy nguồn lực sẵn có của địa phương, tận dụng sức

dân kết hợp với các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn vốn văn hóa truyền thống, đẩy mạnh xã hội hóa việc giữ gìn văn hóa là vô cùng cần thiết.

Bản sắc văn hóa của người Dao ở Phú Thọ thể hiện ở cách sinh hoạt, cách nghĩ, nếp sống, tư duy, trang phục, phong tục, tập quán, qua các lễ hội mang tính dân gian. Nó là một tổng thể đa dạng nhưng thống nhất, được thể hiện ở mọi mặt của đời sống xã hội của người Dao. Vì vậy, việc giữ gìn những cái gì, xóa bỏ những cái gì trong cả một kho tàng đồ sộ ấy của văn hóa dân gian là điều không dễ dàng gì. Việc chọn lọc những giá trị văn hóa hợp lí, tiến bộ để bảo tồn và loại bỏ những yếu tố lạc hậu trong văn hóa truyền thống rất cần sự cố gắng nỗ lực, nó thể hiện trong tính tích cực và chủ động của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, đoàn thể nhân dân và nhất là sự cố gắng của ngành văn hóa thông tin, hội văn học nghệ thuật dân gian và bảo tàng tỉnh Phú Thọ. Để tránh hiện tượng pha tạp hoặc chọn lọc không chính xác các giá trị văn hóa, tránh sự nhầm lẫn trong việc khôi phục các loại hình văn hóa cổ truyền thì các chủ thể lãnh đạo thuộc mỗi lĩnh vực phụ trách phải cần có quá trình thâm nhập thực tế, học hỏi kinh nghiệm từ chính người dân trong vùng. Quá trình nghiên cứu, sưu tầm những giá trị văn hóa truyền thống qua phong tục, tập quán, qua văn nghệ dân gian phải cần có sự kết hợp cả trình độ kiến thức, kinh nghiệm của bản thân và sự tâm huyết nữa.

Trong điều kiện kinh tế của vùng đồng bào dân tộc Dao hiện nay còn nghèo thì việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao cần dưới nhiều hình thức cụ thể, thiết thực và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của đồng bào và điều kiện khách quan của địa phương.

Để khắc phục tình trạng tổ chức các hoạt động văn hóa hoặc quá ồ ạt mà không chú ý đến chất lượng, hoặc quá ít ỏi mà trở thành nhạt nhẽo, hơn nữa kết hợp giữa các hoạt động văn hóa và các hoạt động kinh tế - xã hội khác, hơn lúc nào hết cần sự chung tay góp sức của các cấp ủy Đảng, chính

quyền và nhân dân địa phương tổ chức xây dựng mô hình các tụ điểm du lịch văn hóa, tìm hiểu phong tục tập quán của các địa phương nơi có đồng bào Dao sinh sống, xây dựng và tổ chức các làng nghề thủ công nhằm thu hút những lao động nhàn rỗi, tổ chức các buổi hội chợ vừa quảng bá và tìm đầu ra cho các sản phẩm cổ truyền vừa có dịp giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của dân tộc. Các hoạt động này nhằm khắc phục khó khăn về tài chính, đồng thời thu hút được một lực lượng đông đảo dân cư tham gia. Không chỉ thế, còn cần tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các tộc người cùng sống trong một vùng, có chính sách khuyến khích văn hóa lành mạnh trong khu dân cư, thành lập và duy trì các hoạt động của đội văn nghệ quần chúng, duy trì các hội diễn văn nghệ, các hội thi - nhất là phát huy vai trò của đoàn viên thanh niên trong các hoạt động văn hóa.

2.3.2.2. Đối với bản thân những người chủ di sản: Khơi dậy tính chủ

động và tích cực của quần chúng nhân dân trong các hoạt động bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Bản thân những người chủ di sản văn hóa Dao ở Phú Thọ - những đồng bào dân tộc Dao có mặt hạn chế lớn là chữ viết của đồng bào không được phổ biến, chủ yếu việc lưu giữ những giá trị văn hóa dân gian là qua truyền miệng, yếu tố chính xác và cả sự phong phú của nó phụ thuộc nhiều vào trí nhớ và cả năng khiếu của người kể. Hơn nữa, ý thức gìn giữ các giá trị văn hóa này của đồng bào trong cộng đồng, thậm chí trong cùng một gia đình là không giống nhau nên sự mai một và thất thoát văn hóa xảy ra khá nhiều. Bởi vậy, một trong những yêu cầu của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng Dao ở đây là việc nâng cao nhận thức, trình độ, ý thức tự giác bảo vệ di sản truyền thống của chính dân tộc mình, đưa các yếu tố văn hóa thâm nhập vào mọi hoạt động của đời sống và hoạt động xã hội. Những thế hệ người khác nhau thì vai trò của họ trong việc bảo tồn văn hóa cũng khác nhau nên yêu cầu đối với từng đối tượng cũng cần phải cụ thể:

- Với những nhà khoa học, những trí thức người Dao đang sống trên địa bàn: Họ là những người có trình độ, am hiểu về phong tục, tập quán và văn hóa của người Dao thì họ có thế mạnh là chủ động tham mưu, đề xuất với các ngành chức năng những thực trạng và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa một cách có hiệu quả và khoa học nhất. Với những đối tượng này, cần khơi dậy ở họ lòng nhiệt tình, sự tâm huyết và phát huy tính chủ động sáng tạo của họ ở cả hai mặt lưu giữ và phát triển.

- Với những người già có tâm huyết và hiểu biết về vốn văn hóa cổ của người Dao: Đây được coi là nguồn tư liệu quý giá nhất về văn hóa tộc người, nhưng họ không tồn tại mãi mãi, lại bị hạn chế nhiều về trí nhớ và năng lực nên không thể chậm trễ trong việc khai thác lòng nhiệt tình và tâm huyết của họ. Uy tín và vị trí của người già trong xã hội Dao rất được coi trọng, do vậy vai trò của họ trong việc điều chỉnh thái độ, hành vi của con cháu là không nhỏ. Muốn khai thác được tâm huyết và lòng nhiệt tình của đội ngũ này cần tạo điều kiện để họ tiếp cận được với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển văn hóa, tuyên truyền để họ hiểu được tính chất hai mặt của văn hóa truyền thống, khuyến khích để họ cùng với cộng đồng dần dần loại bỏ tính chất bảo thủ, lạc hậu trong các hoạt động văn hóa tín ngưỡng của gia đình và địa phương.

- Tầng lớp đông đảo nhất trong tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội và văn hóa của người Dao hiện nay chính là tầng lớp thanh niên, họ tham gia trong tất cả các ngành nghề, họ có sức khỏe, có tri thức, có lòng nhiệt tình, họ nhạy bén, dễ thích ứng với các hoàn cảnh nảy sinh trong xã hội nhưng họ cũng rất dễ bị lung lay trước những cám dỗ về vật chất. Xu thế hiện nay của tầng lớp thanh niên người Dao chính là muốn thoát khỏi cuộc sống tù túng và bó hẹp của bản làng mình, chủ động giao lưu với những vùng kinh tế khác, ứng dụng mạnh mẽ những hiểu biết của mình vào việc nâng cao đời sống, đảm bảo thu nhập hộ gia đình. Để khơi dậy tính chủ động và tích cực của tầng

lớp này trong việc giữ gìn và phát huy các truyền thống văn hóa cần có sự kết hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, nhất là ngành văn hóa và Đoàn thanh niên. Các hoạt động bề nổi chính là nơi thanh niên dễ được thuyết phục nhất. Thông qua các hoạt động thiết thực và hữu ích, tầng lớp thanh niên người Dao sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Một phần của tài liệu vai trò của nhân tố chủ quan trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc dao ở phú thọ hiện nay (Trang 80 - 85)