4. Phương pháp nghiên cứu
3.1.1. Tình huống tương phản
Cuộc sống luôn chứa đựng mâu thuẫn, trong đó tương phản là một biểu hiện của mâu thuẫn. Nhiều khi giữa cái bên trong và cái bên ngoài, cái hiện tượng và cái bản chất, cái giả và cái thật luôn bị đảo lộn. Nhiều khi điều mắt ta nhìn thấy lại không đúng với bản chất thật của nó. Nguyễn Minh Châu ý thức rất rõ về điều này khi nhìn nhận, đánh giá cuộc sống và con người. Trong truyện ngắn của mình, Nguyễn Minh Châu thường lật đi lật lại các hiện tượng, vấn đề, phát hiện ra bản chất thật của vấn đề nên tránh được lối cảm, lối nghĩ đơn giản một chiều. Truyện ngắn: Sắm vai, Cỏ lau, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành là những truyện ngắn tiêu biểu, trong đó có cách tạo tình huống tương phản xuất phát từ cái nhìn đa chiều vào cuộc sống, từ lòng tin mạnh mẽ vào con người cùng thái độ quyết liệt chống lại thói vô cảm đang ngày càng làm thui chột tình đồng loại.
Truyện Sắm vai nói đến anh nhà văn sống đạm bạc, giản dị, không cần gì cả ngoài cuốn tiểu thuyết anh đang say sưa viết, đã phải thay đổi theo chiều ngược lại toàn bộ giờ giấc sinh hoạt, áo quần, nụ cười, tiếng nói để chiều theo ý của vợ ở nước ngoài về. Anh phải sắm vai là một con người hoàn toàn khác, bị biến thành con rối để cho người khác giật dây, điều khiển. Và không chỉ người ngoài mà ngay chính anh cũng nhận ra sự đáng thương, lố bịch của mình. Câu chuyện bề ngoài nhuốm vẻ giễu cợt, hài hước nhưng không giấu khỏi sự xót xa cay đắng bên trong. Sự tương phản này như là một hình phạt nặng nề thảm hại, nhưng lại rất nực cười giữa tính cách, bản chất thật của một con người và vai mà người đó phải đóng một cách gượng gạo. Cuối cùng, anh ta đã phải trở về với chính mình, sống thật với bản chất con người mình. Từ tình huống tương phản đó cho ta bài học: Phải sống thật với những gì mình có, nếu sống giả tạo thì chỉ là tự đánh mất mình, tự giết chết chính mình mà thôi. Điều mà nhà văn Nguyễn Minh Châu đặt ra trong truyện ngắn này là: đừng hy sinh cái bản ngã của chính mình để sắm vai người khác mà sống cho đúng với bản ngã của chính mình dẫu có phải chịu thiệt thòi hay khổ sở.
Truyện Đứa ăn cắp nói về tình huống tương phản giữa hiện tượng và bản chất, giữa bên trong và vẻ bên ngoài của nhân vật. Truyện nói về những người đàn bà trong khu tập thể với cái thói la lối, kết tội người khác một cách vô căn cứ, nhìn nhận sự việc một cách phiến diện, suy luận một cách nông cạn. Hậu quả dẫn đến cái chết gián tiếp của cô Thoan. Chính những người đàn bà trong khu tập thể đã bắt chị phải ra đi như đó là cách xử sự vô tư hồn nhiên của họ mà không chút bận tâm. Tình huống này gợi cho người đọc những suy nghĩ về trách nhiệm trước những hậu quả khôn lường của những lời nói và cử chỉ tưởng như vô tình.
Quỳ trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành ngay chính tâm hồn và suy nghĩ, hành động của chị đã chứa đựng nhiều nghịch lý. Đó là sự tương phản giữa tiêu chuẩn về người yêu tương lai với thực tế đang có của
những con người đó. Sự tương phản này giúp ta hiểu thêm về tấn bi kịch của Quỳ: suốt một thời tuổi trẻ Quỳ đã đi tìm cho mình một thánh nhân trong cuộc đời, vô tư chia tay người yêu chỉ vì đôi bàn tay của anh ấy lúc nào cũng dấp dính mồ hôi. Để rồi sau cái chết của người yêu, Quỳ mới nhận ra chị yêu anh đến nhường nào. Chị sống trong đau đớn, dằn vặt. Và chính cái chết của người yêu cũng đã làm thay đổi cách suy nghĩ của chị. Chị hiểu rằng trên đời không có thánh nhân, mỗi người bằng những việc làm của mình sẽ góp phần làm đẹp hơn cuộc sống. Đây là một sự nhận thức đúng đắn của một con người đầy trách nhiệm với đời.
Trong Cỏ lau cũng có tình huống tương phản: Cái thật đối mặt cái giả, nhưng cái giả không phải là cái bên ngoài hay cái giả dối được dựng lên mà là một mặt của sự thật được bộc lộ một cách bi đát nhất, trớ trêu nhất. Lực đã là người chết giả và anh đã phải đóng vai người chết giả đó để trở về quê hương sau chiến tranh và phải chứng kiến cảnh vợ anh thành vợ người khác, người cha già cũng không còn nhận ra anh vì ông tin rằng anh đã chết. Anh là người thật đang sống bằng xương bằng thịt mà phải đau đớn khi đứng trước người thân của mình, đứng như chôn chân trước mộ giả của mình mà người khác tin là mộ thật. Cái thật, cái giả ở đây cứ lẫn lộn vào nhau, song hành với nhau nhưng cũng tương phản nhau đã tạo nên tình huống đầy bi kịch như chính Lực đã nói “Chiến tranh như một nhát dao phạt ngang mà hai nửa cuộc đời tôi bị
chặt lìa thật khó gắn liền lại như cũ. Nhưng đau hơn là hai nửa cuộc đời tôi cũng không bị cắt lìa hẳn. (....) Cuối cùng tôi vẫn chỉ là một khách lạ- của cái cuộc sống luôn luôn biến động nhưng bao giờ cũng như đã được sắp sẵn xong đâu đấy. (...) Tôi đã bị chặt lìa ra khỏi ngay cuộc đời mình” [7, 470].
Tình huống tương phản được tạo nên từ ngòi bút của Nguyễn Minh Châu là sự tương phản giữa nghệ thuật và cuộc sống. Nghệ thuật thì ở ngoài xa còn cuộc đời thì lại thật gần, nghệ thuật thì đẹp nhưng cuộc đời lại đầy rẫy bao phức tạp. Nguyễn Minh Châu cho người đọc thấy được cái nhìn đa diện, nhiều
chiều về cuộc sống: phía sau cuộc sống tươi đẹp còn tồn tại những bất công phi lí, những ngang trái khó giải thích, chỉ có người trong cuộc mới hiểu.