Những khó khăn tồn tại trong quá trình kinh doanh sản phẩm dệt may của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế có rất nhiều, trước hết phải kể đến:
Một là, những khó khăn trong việc nghiên cứu và dự báo tính phù hợp hóa sản phẩm với văn hóa nước sở tại.
Hai là, việc xác định rõ sự khác biệt giữa văn hóa các nước trên thế giới chưa được quan tâm theo đúng nghĩa của nó. Chúng ta chưa thực sự chú ý tìm hiểu sự khác biệt, những nét đặc thù của mỗi quốc gia nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam. Dẫu cho các nước này cùng nằm trong một khu vực đi chăng nữa thì mỗi đất nước vẫn có những sự khác biệt rất lớn về lịch sử, đia lý, tự nhiên, ngôn ngữ, quan điểm sống, thói quen, tập quán...Toàn cầu hóa là một xu thế tất yếu hiện nay. Do
vậy vấn đề văn hóa ngày càng được quan tâm hơn, những quan điểm bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa ngày càng được tôn vinh hơn bao giờ hết. Tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trong nền kinh tế thế giới nhưng thật khó có thể toàn cầu hóa những nền văn hóa của các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiện, các nền văn hóa ngày nay bị ảnh hưởng một phần nào đó, tạo ra những tầng văn hóa, nhánh văn hóa mới có sự chuyển biến, thay đổi rất nhanh và liên tục. Điều này gây không ít khó khăn cho những nhà kinh doanh khi nghiên cứu vai trò của văn hóa trong hành vi tiêu dùng của mọi người dân.
Ba là, chúng ta chưa có sự chuyên biệt hóa về mảng thị trường dưới ảnh hưởng của môi trường văn hóa. Sản phẩm được xuất đi chủ yếu là nguyên nhiên liệu thô, giá trị thấp. Những đặc tính văn hóa bao hàm trong số đó rất ít. Như vậy rất lãng phí nguồn nhân lực. Trong khi đó, chúng ta có thể sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm tốt hơn dựa trên hiểu biết sâu sắc về văn hóa trong quá trình, giao dịch lâu năm về mặt hàng này trên các thị trường quen thuộc.
Bốn là, chúng ta vẫn còn vướng mắc khá nhiều công đoạn trong quá trình đa dạng hóa sản phẩm, trong khi thị trường dệt may thế giới lại rất phát triển. Tình hình đó dẫn đến việc chuẩn hóa, xu hướng lên ngôi ở từng mặt hàng và việc bắt
kịp về yếu tố văn hóa của rất nhiều nước phát triển trong thực tiễn kinh doanh hàng dệt may xuất khẩu. Thực vậy, Trung Quốc là đối thủ đáng gờm với tiềm lực lớn và phạm vi bao phủ thị trường rộng, khả năng thích ứng các yếu tố văn hóa cũng rất cao.
Năm là, mỗi một đất nước khác nhau lại có phong cách làm việc, văn hóa kinh doanh khác nhau. Các quan niệm về thời gian, cách thức làm việc, giải quyết tình huống rất khác nhau. Cho nên để thích nghi với thị trường tốt, chúng ta cần phải có những nghiên cứu sâu hơn về quản lý tại địa phương. Dù muốn hay không, khi xuất khẩu có nghĩa là chúng ta đang kinh doanh trong môi trường văn hóa đó. Nếu chúng ta nắm bắt được các điều kiện để sử dụng công nhân sở tại thì đó là một thuận lợi rất lớn.