6. Kết cấu của luận án
3.1.1. Quy định về di chuyển thể nhân theo AFAS, ATISA và MNP
Tự do di chuyển lao động trong ASEAN được điều chỉnh bởi các quy định về phương thức hiện diện thể nhân trong khuôn khổ AFAS và Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân (MNP). Trước khi MNP được ký kết, các cam kết đối với phương thức hiện diện thể nhân được đàm phán trong khuôn khổ AFAS. Các quốc gia thành viên phải xóa bỏ đáng kể các biện pháp phân biệt đối xử, các hạn chế tiếp cận thị trường và không được đặt ra các biện pháp mới trong tương lai.125 Trên cơ sở đó, các quốc gia sẽ đàm phán về các biện pháp gây ảnh hưởng tới thương mại trong những lĩnh vực cụ thể thông qua các vòng đàm phán. Tới ATISA năm 2019, các cam kết về mở cửa thị trường được tiếp cận theo phương thức “chọn - bỏ”, tức ngoại trừ những lĩnh vực được bảo lưu các lĩnh vực còn lại sẽ mở cửa hoàn toàn. Các cam kết mở cửa thị trường của các quốc gia thành viên sẽ được xác định cụ thể tại Phụ lục I và II của nước đó và các cam kết có hiệu lực kể từ thời điểm quốc gia hoàn thành việc xây dựng và đệ trình Phụ lục lên Ban thư ký ASEAN.
Năm 2012, MNP được ký kết đã tạo nên khuôn khổ pháp lý về xóa bỏ đáng kể tất cả các rào cản liên quan tới việc di chuyển tạm thời qua biên giới của các thể nhân tham gia hoạt động thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư giữa các nước thành viên. Bên cạnh đó, MNP cũng hướng tới thiết lập cơ chế tự do hóa và thuận lợi hóa hơn đối với dòng di chuyển tự do của lao động có kỹ năng thông qua hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan của ASEAN trong các lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, di cư và lao động.126
Về phạm vi điều chỉnh, hiệp định áp dụng đối với các quy định về các biện pháp ảnh hưởng tới việc tạm thời nhập cảnh và cư trú của thể nhân thuộc các nhóm lao động có kỹ năng bao gồm: khách kinh doanh (business visitor), người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (intra - corporate transferees), người cung cấp dịch vụ theo hợp đồng (contractual service suppliers), một số trường hợp khác theo quy định cụ thể trong biểu lộ trình cam kết cụ thể. Mặc dù không quy định cụ thể về khoảng thời gian “tạm thời” cung cấp dịch vụ của thể nhân nhưng thông qua các gói cam kết cụ thể của các quốc gia thành viên có thể thấy cách hiểu về thời gian “tạm thời” của ASEAN tương tự như cách mà các quốc gia thành viên cam kết trong khuôn khổ GATS. Theo đó, khoảng thời gian được xác định là tạm thời sẽ có thể kéo dài từ vài tháng cho đến vài năm. Ví dụ, khách kinh doanh thường di chuyển trong thời gian không quá 03 tháng hoặc người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thường di chuyển từ 02 - 05 năm.127 Hiệp định không áp dụng đối với các quy định của một nước ASEAN liên quan tới áp dụng các biện pháp ảnh hưởng tới việc tìm kiếm tiếp cận thị trường việc làm của các nước ASEAN khác, quyền công dân, quá trình cư trú hoặc việc làm trên cơ sở cư trú lâu dài.
Về cấp phép nhập cảnh hoặc lưu trú tạm thời: trên cơ sở quy định của Hiệp định MNP và pháp luật quốc gia thành viên, các quốc gia sẽ đưa ra biểu cam kết cụ thể về cấp phép nhập cảnh tạm thời hoặc lưu trú tạm thời đối với thể nhân. Theo đó các quốc gia cam kết theo nguyên tắc “chọn - cho” đối với các rào cản tiếp cận thị trường và rào cản đối xử quốc gia trong biểu cam kết như hạn chế số lượng nhà cung cấp dịch vụ, yêu cầu chuyển giao công nghệ, yêu cầu trình độ giáo dục, yêu cầu về giấy phép... Các quốc gia có thể lựa chọn cam kết toàn bộ (không áp dụng các hạn chế đối với mở cửa tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia), cam kết kèm theo những hạn chế (đặt ra một số điều kiện đối với mở cửa tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia) và không cam kết (áp dụng bất kỳ điều kiện nào đối với mở cửa tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia). Ngoài ra, Hiệp định quy định về nghĩa vụ minh bạch hóa của quốc gia thành viên liên quan tới các quy định trong nước về nhập cảnh hoặc lưu trú tạm thời của thể nhân, công nhận lẫn nhau, những trường hợp ngoại lệ, giải quyết tranh chấp liên quan đến việc thực hiện Hiệp định.