Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý khai thác hải sản ven bờ trên địa bàn huyện cát hải, thành phố hải phòng (Trang 87 - 89)

Ngành thủy sản nói chung, lĩnh vực KTHS ven bờ nói riêng được xác định là một trong những mũi nhọn kinh tế của huyện đảo Cát Hải. Thời gian qua, trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, thành phố Hải Phòng cũng như huyện Cát Hải đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm áp lực khai thác quá mức lên NLHS ven bờ. Một số chương trình, đề tài, dự án đã được triển khai nhằm tái tạo, phục hồi NLHS và hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp, điển hình như dự án “Quản lý nguồn lợi thủy sản ven bờ dựa vào cộng đồng, khu bảo tồn nguồn lợi Phù Long”, dự án “Xây dựng mô hình phát triển bền vững ngành thủy sản tại Cát Bà”... Bên cạnh đó, thành phố Hải Phòng và huyện Cát Hải cũng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cần thiết hỗ trợ công tác quản lý KTHS ven bờ; đồng thời cũng có những chính sách thúc đẩy hoạt động KTHS phát triển theo hướng bền vững. Cụ thể:

- Thành phố Hải Phòng đã tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương có liên quan tới quản lý KTHS ven bờ đến toàn thể đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý hoặc phụ trách về KTHS và đến từng địa phương như: Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/03/2010 về việc phân tuyến khai thác để quản lý nghề cá; Quyết định số 289/2008/QĐ-TTg ngày 18/03/2008 và Quyết định số 965/2008/QĐ-TTg ngày 21/07/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân...

- Để thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành phù hợp với quy định của Nhà nước và bảo đảm yêu cầu về phát triển nông nghiệp, thủy sản trong thời kỳ mới, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng đã ra Nghị quyết số

10/2007/NQ-HĐND và Nghị quyết số 14/2010/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, thủy sản, trong đó quy định việc bảo đảm kinh phí “thực hiện phân tuyến khai thác thủy sản” và “hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu nghề, số lượng tàu cá tại các tuyến khai thác trên biển, giảm khai thác tuyền bờ, tăng khai thác xa bờ gắn với bảo vệ nuồn lợi thủy sản và phát triển khai thác bền vững”. Đến ngày 18/07/2011, UBND thành phố Hải Phòng cũng đã ban hành Quyết định số 1076/2011/QĐ-UBND về quy chế thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, thủy sản thành phố giai đoạn 2011-2015, trong đó quy định: “hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn, quản lý” cho công tác khuyến ngư, chuyển giao công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi nghề cho lao động thủy sản; bồi dưỡng, tập huấn cho thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá... Đến năm 2013 đã đào tạo, hỗ trợ đào tạo được 1.200 thuyền trường, máy trưởng, trong đó gần 10% là thuyền trưởng, máy trường tàu KTHS ven bờ (Nguyễn Văn Cường và cộng sự, 2014).

- Bám sát chủ trương, định hướng trong các văn bản của Trung ương và thành phố Hải Phòng, huyện Cát Hải cũng ban hành nhiều văn bản về quản lý KTHS ven bờ. Chẳng hạn việc triển khai Nghị quyết TW 4 (khóa X) của Đảng về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, chính quyền huyện Cát Hải đã cụ thể hóa vào điều kiện của địa phương thông qua nhiều văn bản như các thông báo về việc tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi tham gia hoạt động sản xuất trên biển...

Trên thực tế, những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đã góp phần không nhỏ vào việc định hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý KTHS ven bờ trên địa bàn huyện Cát Hải. Đồng thời, thông qua những chính sách như hỗ trợ ngư dân vay vốn ưu đãi để cải hoán, nâng cấp tàu thuyền; nâng cao trình độ nghề nghiệp; chuyển đổi sinh kế... cũng góp phần thúc đẩy hoạt động KTHS ven bờ ở địa phương phát triển bền vững hơn. Mặc dù vậy, vẫn tồn tại những bất cấp trong quá trình tổ chức thực hiện quản lý KTHS ven bờ ở địa phương do chính sách và cơ chế đưa ra chưa sát với thực tế. Kết quả điều tra cho thấy, có tới 28,57% cán bộ quản lý cho rằng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý KTHS ven bờ không phù hợp với điều kiện thực tế ở huyện Cát Hải; 42,86% cho rằng tương đối phù hợp; và 28,57% cho rằng phù hợp, tính khả thi cao.

Biểu đồ 4.6. Đánh giá của nhóm cán bộ quản lý về sự phù hợp của các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý KTHS ven bờ

Nguồn: Số liệu điều tra (2016)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý khai thác hải sản ven bờ trên địa bàn huyện cát hải, thành phố hải phòng (Trang 87 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)