VEN BỜ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CÁT HẢI
4.3.1. Quan điểm
Quản lý KTHS ven bờ trên cơ sở phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của huyện và thành phố; phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển của ngành và cả nước.
Quản lý KTHS ven bờ phải đặt trong mối quan hệ hài hòa lợi ích với các ngành kinh tế khác. Quản lý khai thác phải đi đôi với công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi hải sản, bảo vệ môi trường sinh thái nhằm duy trì sản xuất bền vững.
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu tàu cá và lao động nghề cá; giảm sức ép và khôi phục lại NLHS ven bờ; phát triển khai thác xa bờ hợp lý nhưng hiệu quả trên cơ sở giảm số lượng tàu khai thác ven bờ. Phát triển KTHS ven bờ đặc biệt chú trọng hiệu quả kinh tế, không chạy theo sản lượng, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác.
Xóa bỏ nghề khai thác mang tính hủy diệt, kém hiệu quả. Có lộ trình chuyển đổi nghề đối với một bộ phận ngư dân KTHS ven bờ sang nghề khác thích hợp.
Tổ chức và sắp xếp lại nghề KTHS ven bờ trên cơ sở vận động ngư dân khai thác hợp lý NLHS, phân cấp quản lý chặt chẽ gắn với phát triển kinh tế tập thể trong cộng đồng ngư dân.
4.3.2. Định hướng
Giảm sản lượng KTHS ven bờ trên cơ sở giảm nhanh số lượng tàu thuyền, cường lực và tỷ trọng sản lượng khai thác tại vùng biển ven bờ. Tiến hành chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng bãi ngang sang NTTS, dịch vụ, chế biến thủy sản hoặc chăn nuôi, trồng trọt và một số ngành nghề thích hợp.
Tăng cường công tác chỉ đạo KTHS theo ngư trường, mùa vụ và tập trung sản xuất theo tổ, đội, hợp tác xã. Nâng cao ý thức bảo vệ NLHS ven bờ cho ngư dân bằng việc thường xuyên tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật.
Phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong KTHS nói chung và KTHS ven bờ nói riêng.
Nghiên cứu, xây dựng, ban hành các chính sách đồng bộ về đầu tư, đào tạo nghề, điều tra nguồn lợi, dịch vụ hậu cần, tổ chức các hình thức sản xuất phù hợp để khuyến khích việc KTHS theo hướng bền vững.
4.3.3. Một số giải pháp chủ yếu
Một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý KTHS ven bờ trên địa bàn huyện Cát Hải được xem xét trên cơ sở phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức (SWOT) theo nội dung kết quả nghiên cứu ở phần trên cùng với nhận định của tác giả, cụ thể như sau:
4.3.3.1. Giải pháp về quy hoạch
Rà soát, điều chỉnh và bổ sung các quy hoạch liên quan đến lĩnh vực KTHS, đặc biệt là KTHS ở vùng biển ven bờ nhằm cụ thể hóa quy hoạch kinh tế
– xã hội của huyện, thành phố và làm cơ sở tăng cường vai trò quản lý, chỉ đảo sản xuất của Nhà nước.
Xây dựng quy hoạch tổng hợp không gian ven bờ huyện Cát Hải giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030.
Xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển KTHS huyện Cát Hải giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030.
Điều chỉnh quy hoạch và sắp xếp lại hoạt động KTHS theo hướng ổn định và có lộ trình chuyển đổi.
Điều chỉnh và bổ sung các quy hoạch phát triển và tái tạo NLHS trên cơ sở đánh giá các nguồn lợi ven bờ, tiến hành xây dựng các dự án và lộ trình để tiến hành bảo vệ và tái tạo nguồn lợi cho từng khu vực.
Giám sát thực hiện quy hoạch và có sự điều chỉnh kịp thời. 4.3.3.2. Giải pháp điều chỉnh năng lực khai thác
a) Điều chỉnh năng lực khai thác
Giảm dần số lượng tàu cá có công suất dưới 20 CV bằng cách rà soát, kiểm tra, loại bỏ những tàu không đăng ký, đăng kiểm theo quy định; thông báo tới ngư dân các địa phương việc không đóng mới, mua mới các loại tàu này từ các địa phương khác. Chuyển đổi sang các nghề khác nhưng phải đảm bảo sinh kế lâu dài cho ngư dân.
Khuyến khích đầu tư, đóng mới, cải hoán tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên tham gia KTHS tại vùng khơi và vùng biển xa bờ, đặc biệt là tại những địa phương có truyền thống KTHS lâu đời như thị trấn Cát Hải, thị trấn Cát Bà, xã Phù Long và xã Hoàng Châu.
b) Điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác
Điều chỉnh số lượng tàu thuyền, sắp xếp cơ cấu nghề nghiệp khai thác một cách hợp lý trên cơ sở giảm dần những nghề khai thác ven bờ kém hiệu quả, nghề khai thác hủy diệt, ảnh hưởng tới nguồn lợi như lưới kéo, lồng bẫy, đáy xăm…; tăng những nghề có tính chọn lọc, thân thiện với môi trường như lưới rê, chụp mực, câu... Đồng thời, từng bước chuyển đổi nghề nghiệp KTHS theo hướng vươn khơi, phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá/thu mua, sơ chế trên biển.
4.3.3.3. Giải pháp tổ chức sản xuất và quản lý khai thác
Cơ cấu lại hoạt động KTHS ven bờ, bao gồm các công tác quản lý tàu cá, quản lý cường lực khai thác, nghề khai thác, mùa vụ khai thác, ngư trường khai thác phù hợp với khả năng cho phép khai thác của NLHS đối với tuyến ven bờ.
Tiếp tục thực hiện việc phân cấp quản lý các tàu cá KTHS vùng biển ven bờ cho địa phương. Trên cơ sở đó, các địa phương giao cho cộng đồng tự cụ thể hóa cơ chế khai thác và quản lý dựa trên văn bản hiện hành của Nhà nước. Việc làm này nhằm tăng hiệu quả, hiệu lực quản lý sát với thực tế, giảm cường lực khai thác, bảo đảm duy trì, tái tạo và phát triển NLHS ven bờ.
Tổ chức và phát triển mô hình tổ chức cộng đồng quản lý nghề cá cho từng vùng biển ven bờ hoặc cho từng đối tượng khai thác. Đây là mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng địa phương và các bên liên quan nhằm thống nhất chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm trong sử dụng tài nguyên một cách bền vững.
Đào tạo nghề cho lao động KTHS chuyển đổi từ ven bờ sang xa bờ; xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế thay thế các nghề KTHS ven bờ, giảm áp lực lên nguồn lợi và môi trường sinh thái ven bờ, tạo việc làm với nghề mới ổn định, nâng cao mức sống ngư dân và nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái vùng biển ven bờ.
Xây dựng các tổ công tác liên ngành để tăng cường công tác kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm về bảo vệ NLHS, đặc biệt là đối với hoạt động khai thác mang tính hủy diệt (sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc và các ngư cụ bị cấm); khai thác đối tượng bị cấm; khai thác gây hủy hoại môi trường sống của các loài hải sản.
Phục hồi một số hệ sinh thái điển hình như san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn tại các vùng biển có điều kiện và có vị trí quan trọng trong bảo vệ và sinh trưởng của các loài hải sản.
4.3.3.4. Giải pháp về cơ chế, chính sách
Tiếp tục rà soát, sửa đổi Luật Thủy sản và các cơ chế chính sách quản lý KTHS ven bờ. Xây dựng thể chế quản lý ngành thủy sản, tạo cơ sở pháp lý xây dựng, triển khai các chính sách đặc thù phát triển lĩnh vực KTHS ven bờ đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển bền vững như: chính sách đồng quản lý; chính sách giao quyền sử dụng mặt nước ven biển cho cộng đồng quản lý, phát triển sản xuất, bảo vệ NLHS...
Thực hiện xã hội hóa quản lý KTHS ven bờ, chính quyền các cấp cần tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý KTHS ven bờ. Đặc biệt, phải huy động được cộng đồng tham gia chủ động, tích cực trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc quản lý KTHS ven bờ.
Cụ thể hóa cơ cấu tổ chức, hỗ trợ việc xây dựng, vận hành, nhân rộng các mô hình QLDVCĐ/ĐQL và các mô hình hợp tác sản xuất trong KTHS ven bờ. Tuy nhiên, cần xây dựng được khung pháp lý và cơ chế tài chính bền vững để các mô hình hoạt động lâu dài.
Có các cơ chế chính sách phù hợp, kịp thời mang tính đồng bộ về vốn, đào tạo nghề, chuyển đổi sinh kế… cho ngư dân, cụ thể:
- Tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố về hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đóng mới, cải hoán hoặc nâng cấp tàu cá có công suất nhỏ thành tàu xa bờ trên cơ sở khuyến khích nghề tiến bộ, hạn chế nghề có tính hủy diệt; hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho ngư dân KTHS ven bờ, đặc biệt là những người làm nghề gây xâm hại tới NLHS; tiếp tục miễn thuế KTHS cho ngư dân; hỗ trợ giá nhiên liệu cho ngư dân khi thuế cầu đường được tính vào giá xăng dầu.
- Có chính sách khuyến khích ngư dân phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
- Có chính sách khuyến khích, ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành có trình độ cao, đồng thời bố trí đủ nguồn kinh phí hàng năm cho công tác khuyến ngư để tập huấn kỹ thuật cho ngư dân.
- Có chính sách hỗ trợ đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên tàu cá, nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn cho lao động nghề cá. Tập huấn về luật biển, công ước quốc tế về luật biển, cách giải quyết các xung đột trên biển...
4.3.3.5. Giải pháp về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
Đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực quản lý Nhà nước về lĩnh vực KT&BVNLHS. Xây dựng và từng bước kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý KTHS ven bờ có tinh thần trách nhiệm và tính cơ động cao.
cao ở các nước có nghề KTHS phát triển hiện đại. Khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước trong lĩnh vực KTTS đi học thạc sĩ, tiến sĩ để nâng cao trình độ và khả năng nghiên cứu.
Có chính sách ưu đãi đối với sinh viên, học viên là con em ngư dân ở đia phương tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc chuyên ngành KT&BVNLTS để tiếp nhận công tác tại các cơ quan quản lý chuyên ngành cấp xã, huyện, tỉnh.
Tăng cường công tác đào tạo nghề theo đề án đào tạo nghề nông thôn đã được Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt, cần đa dạng các loại hình đào tạo; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên tàu cá tại các địa phương trọng điểm nghề cá; tuyển chọn những lao động đã qua thực tiễn nhiều năm trong nghề KTHS vào học tại các trường đào tạo nghề thủy sản.
Tổ chức tập huấn, đào tạo cho ngư dân những kiến thức về phương pháp tổ chức sản xuất đối với các tổ hợp tác, hợp tác xã trên biển và mô hình QLDVCĐ/ĐQL nghề cá ven bờ. Tổ chức đào tạo nghề và hướng dẫn kỹ thuật, truyền đạt kinh nghiệm cho những hộ ngư dân làm nghề KTHS ven bờ phải chuyển sang nghề khác để họ nhanh chóng nắm bắt kiến thức và phương thức sản xuất mới, qua đó sớm ổn đời sống.
4.3.3.6. Giải pháp về tăng cường nguồn lực tài chính
Tăng cường nguồn lực tài chính, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý KTHS ven bờ cũng như thực hiện công tác dự báo ngư trường, NLHS và các thông tin nghề cá một cách đồng bộ.
Vốn ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu để đầu tư theo quy hoạch, tập trung vào các nội dung như: hệ thống thông tin quản lý nghề cá, kiểm ngư; hệ thống cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu (theo Quyết định 1349/QĐ-TTg ngày 09/08/2011)...
Xã hội hóa nguồn vốn đầu tư bảo vệ NLHS, huy động các nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư theo hình thức Nhà nước và người dân cùng làm với sự hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước, cụ thể:
- Sử dụng các công cụ kinh tế như xử phạt vi phạm hành chính – đây là một trong những công cụ quản lý có hiệu quả trong việc quản lý KTHS ven bờ, giúp huy động nguồn lực từ xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách.
- Thu hút sự tham gia của các tổ chức trong nước và quốc tế vào các chương trình bảo vệ NLHS, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ rừng ngập mặn, đất ngập nước, cải thiện điều kiện sống cho người dând ở các vùng nông thôn… 4.3.3.7. Giải pháp về tăng cường kiểm tra, kiểm soát và thực thi pháp luật
Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền quản lý KTHS ven bờ nhằm nâng cao tính tự chủ của chính quyền cấp huyện, cấp xã. Từng bước thực hiện triệt để nguyên tắc “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân” nhằm giảm gánh nặng cho cơ quan quản lý Nhà nước; đồng thời cũng góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ của ngư dân.
Điều chỉnh cơ chế phối hợp và tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong bộ máy quản lý Nhà nước về KTHS ven bờ nhằm tăng cường năng lực thực thi pháp luật, đồng thời kiểm tra, kiểm soát và hướng dẫn ngư dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật về KTHS ven bờ; góp phần bảo vệ, phục hồi và tái tạo các hệ sinh thái, NLHS; nâng cao chất lượng sản phẩm; giúp đỡ ngư dân yên tâm bám biển sản xuất; đảm bảo trật tự an ninh trên biển.
Điều chỉnh và tăng cường công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá, bám sát theo quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và vận động ngư dân không sử dụng ngư cụ, phương pháp khai thác hủy diệt, tận diệt; đồng thời, quản lý chặt chẽ tàu cá trước khi ra khơi (đảm bảo giấy tờ theo quy định, đủ trang thiết bị thông tin liên lạc, an toàn hàng hải, trang bị cứu hộ, cứu nạn cho người và tàu).
Bên cạnh đó, tận dụng sự quan tâm của các cấp, ngành và chính quyền địa phương để thu hút sự tham gia của các tổ chức xã hội và nhân rộng mô hình QLDVCĐ/ĐQL NLHS ven bờ. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của Nhà nước về KTHS ven bờ tới ngư dân (quy định về kích thước mắt lưới, mùa vụ khai thác, vùng nước cấm hoặc hạn chế khai thác, các loài hải đặc sản bị cấm khai thác…).
PHẦN 5. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
5.1. KẾT LUẬN
1) Về cơ sở lý luận và thực tiễn: NLHS ven bờ trong thời gian gần đây được ngư dân và chính phủ các nước nhìn nhận là đã trong tình trạng bị khai thác quá mức. Hậu quả là NLHS tại nhiều vùng biển trên thế giới đang có dấu hiệu suy giảm; nhiều loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Trước thực trạng đó, xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới là tìm mọi biện pháp để bảo vệ đa dạng sinh học, tái tạo và phát triển bền vững NLHS ven bờ. Tuy nhiên, để làm được điều này thì công tác quản lý KTHS ven bờ được xem là có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ với sự phát triển của nghề cá mà còn cả về các mặt kinh tế, xã hội, môi trường, sinh học, sinh thái…
Về cơ bản, quản lý KTHS ven bờ là dạng quản lý xã hội mang tính quyền lực nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sử dụng các phương pháp, công cụ quản lý thích hợp tác động đến hành vi, hoạt động của ngư dân