Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.3. Những thành tựu trong lĩnh vực chọn tạo lúa thơm chất lượng cao
2.3.4. Ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn giống lúa thơm
Để cải tiến những giống lúa thơm, kỹ thuật sinh học phân tử được coi là
một giải pháp hiệu quả. Ahn et al. (1992) đã xác định bằng kỹ thuật RFLP
marker RG28 nằm trên NST số 8 liên kết với tính trạng biểu hiện mùi thơm ở khoảng cách 4,5 cM. Tuy nhiên, phương pháp này khá đắt tiền và phức tạp nên nhiều tác giả đã nghiên cứu đơn giản hóa phương pháp xác định gen thơm. Tại Hội nghị Quốc gia chọn tạo giống lúa năm 2004, Nguyễn Thị Lang và cs. (2004) báo cáo hai mồi RG28F-R và RM223 có thể sử dụng trong chương trình chọn
giống lúa thơm. Đồng thời, Nguyễn Thị Lang và cs. (2004) đã sử dụng 2 mồi trên
để xác định tính thơm trên OM4900 (cặp lai C53/Jasmine 85) và trên OM6161 (cặp lai C51/Jasmine 85) và cho là hai chỉ thị phân tử này sẽ giúp phát hiện ở
quần thể phân ly F2 có chứa gen fgr trong các cá thể. Cũng ứng dụng các mồi
này, Nguyễn Thị Lang (2010) xác định 16 giống lúa địa phương và 49 giống lúa
cải tiến đều chứa gen thơm và có mùi thơm. Yi et al. (2009) đã lai giống lúa
thơm Basmati 370 với giống Manawthukha (giống địa phương của Myanmar) để chuyển alen badh 2.1 vào giống mới. Sau đó sử dụng PCR với mồi aromarker để xác định tính thơm.
Tại Việt Nam, những ứng dụng về chỉ thị phân tử liên kết với gen frg quy định mùi thơm phục vụ công tác chọn tạo giống lúa thơm cũng được tiến hành trong thời gian gần đây. Nguyễn Thị Lang và Bùi Chí Bửu (2007) đã sử dụng chỉ thị phân tử RG28 và RM223 nhận diện gen quy định tính trạng mùi thơm frg trong chọn tạo giống lúa thơm, bước đầu tạo ra một số dòng lúa tẻ thơm triển vọng tại vùng ĐBSCL như OM4900, OM6074, OM5999 và OM 6035 (Nguyễn Hữu Nghĩa và cs., 2006). Tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Dương
Xuân Tú và cs. (2009) đã sử dụng mồi của chỉ thị BADH2 để kiểm tra gen thơm trên 42 mẫu giống lúa thu thập tại địa phương giúp phân biệt chính xác 100% giữa giống không thơm và có mùi thơm. Kết quả có 23 giống có mùi thơm đều nhận diện được gen thơm frg ở trạng thái đồng hợp tử, tương đương trên Basmati và Jasmine. 19 mẫu giống không thơm không thể hiện có gen thơm frg. Ứng dụng chỉ thị phân tử BADH2 sàng lọc gen thơm frg trong chọn tạo giống lúa thơm, kết quả chọn tạo được một số giống lúa thơm, chất lượng cao phát triên sản xuất cho các tỉnh phía Bắc như HDT2, HDT8 (Dương Xuân Tú, 2015). Phan Hữu Tôn và Tống Văn Hải (2010), Học Viện Nông nghiệp Việt Nam đã sử dụng chỉ thị phân tử BADH2 trong giới hạn 2 mồi: EPS (nhân vùng gen không thơm) và IFAP (nhân vùng gen thơm) để sàng lọc các giống lúa chứa gen mùi thơm frg trên 66 mẫu giống lúa tẻ và 18 mẫu giống lúa nếp. Sau khi sang lọc kiểu gen thơm kết hợp chọn lọc kiểu hình, nhóm tác giả giới thiệu được 2 giống lúa tẻ thơm (T33 và T12) và 2 giống lúa nếp (NV1 và NV3) cho phát triển sản xuất.