Các nghiên cứu về đánh giá đất đai trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ứng dụng GIS xây dựng bản đồ đơn vị đất đai phục vụ đánh giá đất nông nghiệp huyện tân sơn, tỉnh phú thọ (Trang 31 - 34)

2.4.1.1.Tình hình đánh giá đất đai ở Liên Xô (cũ)

Phương pháp đánh giá được hình thành từ đầu những năm 50, sau đó đã được phát triển và hoàn thiện vào năm 1986 nhằm tiến hành đánh giá và thống kê chất lượng tài nguyên đất đai để phục vụ cho mục đích xây dựng chiến lược quản lý và sử dụng đất cho các đơn vị hành chính và sản xuất trên lãnh thổ Liên bang Xô Viết. Phương pháp đánh giá đất ở Liên Xô cũ được ứng dụng theo hai hướng là đánh giá đất chung và riêng (theo hiệu suất cây trồng là ngũ cốc và cây họ đậu). Đơn vị đánh giá đất là các chủng, loại đất. Quy định đánh giá đất cho cây có tưới, đất được tiêu úng, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cỏ thâm canh và đồng cỏ chăn thả. Chỉ tiêu đánh giá đất là năng suất, giá thành sản phẩm (rúp/ha), mức hoàn vốn, địa tô cấp sai (phần có lãi thuần tuý) (Đào Châu Thu và Nguyễn Khang, 1998).

Phương pháp đánh giá đất của Liên Xô cũ chủ yếu tập trung nghiên cứu các yếu tố về điều kiện tự nhiên của đất đai mà chưa xem xét một cách đầy đủ đến các khía cạnh kinh tế và xã hội trong việc sử dụng đất đai. Do đó, việc xác định nhu cầu sử dụng của con người và xây dựng các kế hoạch sử dụng đất đai là rất khó khăn và phức tạp.

Việc đánh giá đất đai theo Liên Xô cũ được thực hiện theo các bước chính: + Đánh giá lớp phủ thổ nhưỡng (so sánh các loại thổ nhưỡng theo tính chất tự nhiên; + Đánh giá khả năng sản xuất của đất đai (yếu tố được xem xét kết hợp với khí hậu, độ ẩm, địa hình...);

+ Đánh giá kinh tế đất (chủ yếu đánh giá khả năng sản xuất hiện tại của đất đai).

2.4.1.2. Tình hình đánh giá đất đai ở Bungari

Bungari tiến hành ĐGĐĐ theo từng loại cây trồng (lúa mỳ, khoai tây...). Đối với mỗi loại cây trồng, các tính chất có ảnh hưởng đến năng suất cây trồng được xác định. (Thành phần cơ giới đất, mức độ mùn và độ dày tầng mùn, độ tầng đất, tính chất lý, hóa học của đất...), trên cơ sở đó xác định các yếu cầu hợp cho từng loại cây trồng thông qua các thang điểm đánh giá (tối đa là 100 điểm) thuộc 5 nhóm: Rất tốt, tốt, trung bình, xấu và không sử dụng được.

2.4.1.3. Tình hình đánh giá đất đai ở Anh

Ở Anh có 2 phương pháp đánh giá đất đai đó là dựa vào sức sản xuất tiềm năng của đất hoặc dựa vào sức sản xuất thực tế của đất.

Theo phương pháp đánh giá đất đai dựa vào thống kê sức sản xuất tiềm năng của đất thì việc xác định khả năng trồng cây nông nghiệp của đất phụ thuộc vào 3 nhóm yếu tố chính là: nhóm các yếu tố tự nhiên của đất; nhóm các yếu tố đòi hỏi các biện pháp đầu tư lớn mới khắc phục được (các công trình tưới, tiêu và rửa mặn...); nhóm các yếu tố đòi hỏi người sử dụng đất thực hiện các biện pháp thông thường hàng năm như cải tạo độ chua, cung cấp chất dinh dưỡng cho đất để khắc phục đất.

Theo phương pháp đánh giá đất đai dựa vào thống kê sức sản xuất thực tế của đất thì việc đánh giá đất đai căn cứ vào năng suất thực tế trên đất, lấy năng suất trung bình nhiều năm ở loại đất tốt nhất hoặc đất trung bình để so sánh với năng suất thực tế trên đất cần xác định. Tuy nhiên, khi đánh giá đất đai theo phương pháp này còn gặp nhiều khó khăn vì năng suất của cây trồng phụ thuộc vào loại cây được chọn, điều kiện đất đai và khả năng đầu tư của người sử dụng đất.

2.4.1.4. Tình hình đánh giá đất đai ở Hoa Kỳ

Khái niệm chủ yếu nêu lên trong hệ thống phân loại tiềm năng đất đai của Mỹ là khái niệm về những hạn chế, đó là những tính chất đất đai gây trở ngại cho việc sử dụng đất. Có những loại hạn chế lâu dài và những loại hạn chế tạm thời. Những hạn chế lâu dài là những hạn chế nếu chỉ tác động bằng những cải tạo nhỏ thì không giải quyết được. Những hạn chế tạm thời là những hạn chế có thể cải tạo bằng những biện pháp kỹ thuật và quản lý. Nghĩa là các yếu tố nào có mức độ hạn chế lớn và khả năng chi phối mạnh đến sử dụng đất là yếu tố quyết định mức độ thích hợp mà không cần tính đến những khả năng thuận lợi của các yếu tố khác có trong đất. Hệ thống đánh giá phân loại đất đai theo tiềm năng của Hoa Kỳ được Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đề xuất vào những năm 1961 và hiện nay có 2 phương pháp đánh giá đất đai được ứng dụng rộng rãi đó là phương pháp tổng hợp và phương pháp yếu tố.

Việc phân hạng thích hợp đất đai theo phương pháp đánh giá đất đai của Hoa Kỳ mới chỉ tập trung vào các loại cây trồng chính mà chưa đưa ra được những yêu cầu của các loại sử dụng đất cụ thể nào đang được ứng dụng trong sản xuất. Tuy nhiên, phương pháp này rất quan tâm đến những yếu tố hạn chế trong quản lý và sử dụng đất có tính đến các vấn đề về môi trường, đây cũng chính là điểm mạnh của phương pháp nhằm mục đích duy trì và sử dụng đất bền vững .

2.4.1.5.Đánh giá đất đai ở Ấn Độ và vùng nhiệt đới ẩm Châu Phi

Ở Ấn Độ và một số nước nhiệt đới ẩm Châu Phi thường áp dụng phương pháp tham biến biểu thị mối quan hệ của các yếu tố dưới dạng phương trình Toán học:

Y=F(A) XF(B) XF(C) XF(X)

Trong đó:

Y: Biểu thị sức sản xuất của đất A: Độ dày và đặc tính tầng đất

B: Thành phần cơ giới lớp mặt đất C: Độ dốc

X: Các yếu tố biến động như tưới, tiêu, độ chua, hàm lượng dinh dưỡng và xói mòn. Kết quả phân hạng đất theo phương pháp này được thể hiện ở dạng % hoặc cho điểm.

Ngoài ra còn một số phương pháp đánh giá cho từng cây trồng cụ thể như đối với cây lúa theo phương pháp đánh giá đất đai ở Trung Quốc.

2.4.1.6. Tình hình đánh giá đất đai ở Ấn Độ và một số nước nhiệt đới ẩm

Thường áp dụng phương pháp tham chiếu, có tính đến sự phụ thuộc của một số đặc tính đối với sức sản xuất, các nhà khoa học đất đi sâu nghiên cứu, phân tích các đặc trưng thổ nhưỡng có ảnh hưởng đến sản xuất như sự phát triển phẫu diện đất (sự phân tầng, cấu trúc đất, dung tích hấp thụ...) màu sắc đất, độ chua, độ no Bazơ (V%) hàm lượng mùn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ứng dụng GIS xây dựng bản đồ đơn vị đất đai phục vụ đánh giá đất nông nghiệp huyện tân sơn, tỉnh phú thọ (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)