Đặc điểm tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ứng dụng hệ thống định vị toàn cầu xây dựng lưới địa chính cụm 04 xã ven biển, huyện quảng xương, tỉnh thanh hóa (Trang 38 - 40)

4.1.1.1. Vị trí địa lý

Phạm vi khu đo gồm 04 xã: Quảng Hải, Quảng Lưu, Quảng Lộc và Quảng Thái nằm trong khoảng kinh, vĩ độ như sau:

- Từ 19o 39’01” đến 19o 42’54” vĩ độ Bắc. - Từ 105o 47’42” đến 105o 51’00” kinh độ Đông. Vị trí tiếp giáp như sau:

- Phía Bắc giáp xã Quảng Giao, Quảng Đại, huyện Quảng Xương. - Phía Đông giáp Biển Đông.

- Phía Tây Bắc giáp xã Quảng Nhân, Quảng Bình, huyện Quảng Xương. - Phía Tây Nam giáp xã Quảng Lĩnh, huyện Quảng Xương.

- Phía Nam giáp xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương.

Nguồn: UBND huyện Quảng Xương (2015)

4.1.1.2. Địa hình, giao thông, thủy hệ

a. Địa hình

Cụm 04 xã ven biển gồm: Quảng Hải, Quảng Lưu, Quảng Lộc và Quảng Thái, huyện Quảng Xương có địa hình thấp dần từ Tây sang Đông và chia thành hai dạng địa hình chính:

- Dạng địa hình đồng bằng: bên bờ trái hệ thống sông Rào, địa hình khá bằng phẳng; độ cao trùng bình từ 1,3 m đến 4,8 m so với mực nước biển với các thành tạo aluvi - biển. Trong khu vực cũng có nhiều điểm trũng tạo thành các hồ đầm nhỏ.

- Dạng địa hình cồn cát ven biển: Độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 0,9 m đến 6,9 m đối với các thành tạo biển - gió phân bố thành dải dọc bờ biển và song song với bờ biển.

b. Giao thông

Trong phạm vi cụm 04 xã ven biển huyện Quảng Xương có rất nhiều trục đường giao thông quan trọng chạy qua như: đường Quốc phòng, đường tỉnh lộ 511, đường Nhân Hải, …tạo cho khu vực có vị thế hết sức thuận lợi cho việc giao lưu phát triển kinh tế, thương mại.

c. Thủy hệ

Cụm 04 xã ven biển, huyện Quảng Xương có một hệ thống sông, kênh rạch và ao hồ rất phong phú, gồm:

- Sông Rào theo chiều từ Bắc xuống Nam cắt ngang phần lãnh thổ cụm 04 xã và có chức năng thoát nước cho toàn bộ diện tích phần phía Đông.

- Sông Chìm theo chiều từ Tây Bắc xuống phía Nam nối với sông Lý và sông Hồng Bình là nguồn cung cấp nước sản xuất nông nghiệp chính cho toàn vùng.

- Hệ thống kênh lớn gồm: kênh Lĩnh Khê, kênh Nhân Bình, kênh 30, kênh Bắc, kênh B37…có nhiệm vụ cung cấp nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp cho toàn vùng.

Ngoài ra trong vùng còn có nhiều ao, hồ lớn, nhỏ có nhiệm vụ tích trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho dân cư trong vùng.

4.1.1.3. Điều kiện tự nhiên của khu đo

a. Khí tượng

Theo số liệu điều tra theo dõi khí tượng nhiều năm cho thấy, khí hậu của huyện chịu ảnh hưởng chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai mùa rõ rệt;

mùa hè nóng ẩm và mưa nhiều, mùa đông khô lạnh, mưa ít. Mùa nóng từ tháng 4 tới tháng 10 và trùng vào mùa mưa, mùa lạnh từ tháng 11 tới tháng 3 năm sau và trùng vào mùa khô

Nhiệt độ không khí trung bình năm đạt 23 - 240C, về mùa hè đạt 25 - 290C, về mùa đông đạt 18 - 200C.

Lượng mưa trung bình năm trong khoảng 1.600 - 2.300 mm, mỗi năm có khoảng 90 - 130 ngày mưa. Mùa mưa thường kéo dài 6 tháng, bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10. Các tháng mưa nhiều là tháng 8, 9, 10. Mùa mưa tập trung đến 60 - 80 % lượng mưa của cả năm. Độ ẩm tương đối 85 - 87%, số giờ nắng bình quân 1.600 - 1.800 giờ, tổng lượng bức xạ 110 - 120 Kcal/cm2. Về mùa đông, hướng gió thịnh hành là Tây Bắc và Đông Bắc, mùa hè gió Đông và Đông Nam.

Mỗi năm trung bình có 10,6 ngày có sương mù, sương mù xuất hiện vào các tháng mùa đông, tháng 3 là tháng có nhiều ngày sương mù nhất trong năm (từ 3 - 9 ngày). Do ảnh hưởng của sương mù nên tầm nhìn bị hạn chế, trong năm có 2,6 ngày có tầm nhìn xa dưới 1 km; 31,5 ngày có tầm nhìn xa 1 - 10 km và 330,9 ngày có tầm nhìn xa trên 10 km.

Gió thổi theo 2 mùa rõ rệt: Gió đông bắc khô lạnh thổi về mùa đông, gió đông nam thổi về mùa hè kèm theo nóng ẩm và mưa nhiều. Các tháng 4, 5 và tháng 6 thỉnh thoảng có xuất hiện gió khô nóng nhưng ít ảnh hưởng đến sản xuất.

b. Thực phủ

Đặc điểm chung thực phủ của khu vực là cây bụi thấp (rừng phi lao chắn sóng ven biển, bụi dứa, bụi gai), một số cây nông nghiệp xen lẫn trong khu dân cư (dừa, ổi…) và cây nông nghiệp ngắn ngày (lúa, ngô, đậu, lạc, khoai…), ngoài ra còn có một số cây công nghiệp xen lẫn trong khu dân cư.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ứng dụng hệ thống định vị toàn cầu xây dựng lưới địa chính cụm 04 xã ven biển, huyện quảng xương, tỉnh thanh hóa (Trang 38 - 40)