4 Kết quả nghiên cứu
4.2.2 Kết quả hồi quy theo phương pháp Mô – men tổng quát GMM
Bảng 4 trình bày kết quả hồi quy theo phương pháp Mô – men tổng quát. Nhóm tác giả
tìm thấy mối quan hệ đồng biến giữa giữa sự thay đổi trong động cơ chuyển giá TPI và sự thay đổi trong giá báo cáo P ở tất cả các nhóm mặt hàng được xem xét ngoại trừ Ô tô nguyên chiếc các loại. Hơn thế nữa, các hệ số hồi quy của biến số TPI theo phương pháp Mô – men tổng quát đều có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1% ở tất cả các nhóm mặt hàng được xem xét. Các hệ số hồi quy của biến số GDP/CAP cũng đều có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1%. Ngoài ra, nhóm tác giả còn tiến hành kiểm định tính đúng đắn của các biến công cụ bằng thống kê Hansen J (Hansen J statistic). Kết quả kiểm định ở tất cả các nhóm mặt hàng và cho từng nhóm mặt hàng đều cho thấy thống kê J có giá trị
p – value lớn hơn mức 10% nên giả thuyết không của kiểm định thống kê J được chấp nhận. Điều này cho thấy các biến công cụ được đưa vào mô hình hoàn toàn là các biến ngoại sinh và thỏa mãn điều kiện của các phương trình trực giao, không có tương quan với phần dư của mô hình hồi quy. Vì vậy, nhóm tác giả kết luận rằng các biến công cụ được đưa vào mô hình hoàn toàn phù hợp.
Mối quan hệ đồng biến giữa TPI và P có ý nghĩa thống kê ở hầu như tất cả các nhóm mặt hàng và mẫu tổng thể xác nhận giả thuyết rằng một sự tăng lên trong động cơ chuyển giá sẽ làm gia tăng mức giá chuyển giao báo cáo trong các nhóm mặt hàng được xem xét tại Việt Nam. Cụ thể hơn, đối với những công ty đa quốc gia có trụ sở tại quốc gia đánh thuế theo nơi tạo ra thu nhập hoặc đánh thuế theo nơi cư trú và có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở nước mẹ thấp hơn so với Việt Nam thì giá chuyển giao báo cáo sẽ tăng lên khi mức độ chênh lệch trong thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (τViệt Nam – τnước mẹ) tăng lên hoặc thuế nhập khẩu của nhóm mặt hàng đang được xem xét tại Việt Nam giảm xuống và ngược lại. Đối với các công ty đa quốc gia đặt trụ sở tại quốc gia đánh thuế theo nơi cư trú và có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại nước mẹ cao hơn so với Việt Nam thì giá chuyển giao báo cáo sẽ tăng lên khi thuế nhập khẩu của nhóm mặt hàng đang được xem xét tại Việt Nam giảm xuống và ngược lại.
Để làm rõ hơn ý nghĩa về mặt kinh tế của hệ số hồi quy của biến số động cơ chuyển giá TPI, nhóm tác giả tiến hành xem xét cụ thể một trường hợp. Với mẫu tổng thể, hệ số hồi quy của biến số TPI là 0.0166142, hàm ý rằng khi động cơ chuyển giá TPI tăng 1% thì giá chuyển giao báo cáo P tăng khoảng 0.0167% trong điều kiện tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người GDP/CAP là không đổi. Nhóm tác giả tiếp tục xem xét kỹ hơn để có cái nhìn cụ thể hơn về sự liên hệ giữa thay đổi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu đến giá chuyển giao báo cáo thông qua TPI. Tiếp tục sử dụng kết quả thu được với mẫu tổng thể, giả sử thuế suất thuế nhập khẩu trung bình của toàn bộ 10 nhóm mặt hàng đang xem xét tại Việt Nam là 5%, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tại Việt Nam và nước mẹ (ký hiệu là A) lần lượt là 25% và 20%, khi đó động cơ chuyển giá TPI của các công ty đa quốc gia đặt trụ sở tại nước mẹ A là TPI0 = (25% - 20%) – 5%(1 – 25%) = 0.0125. Khi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam giảm xuống còn 22%, các yếu tố khác là không đổi thì động cơ chuyển giá mới là TPI1 = (22% - 20%) – 5%(1 – 22%) = - 0.019, giảm 252% so với TPI0, dẫn đến giá chuyển giao báo cáo giảm 4.21% ( = (0.0167% x 252%) / 1%) so với khi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam là 25%. Như vậy, việc thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam giảm 12% trong điều kiện các yếu tố khác không đổi thì giá chuyển giao báo cáo mà các công ty mẹ tại nước A áp dụng cho công ty con tại Việt Nam giảm 4.21%.
Với nhóm mặt hàng Ô tô nguyên chiếc các loại, mối quan hệ giữa sự thay đổi động cơ chuyển giá TPI và sự thay đổi giá báo cáo P là nghịch biến, hàm ý rằng giá chuyển giao báo cáo trong nhóm mặt hàng này giảm xuống khi động cơ chuyển giá tăng lên và ngược lại. Điều này là trái với mối quan hệ kỳ vọng theo lý thuyết giữa động cơ chuyển giá và giá chuyển giao báo cáo. Nhóm tác giả cho rằng có thể kết quả thực nghiệm này xuất phát từ một số nguyên nhân như sau:
- Giá chuyển giao báo cáo mà nhóm tác giả sử dụng trong nghiên cứu này được đại diện bằng giá nhập khẩu ở quy mô nhóm mặt hàng. Đây là mức giá trung bình, được hình thành từ cả những giao dịch giữa công ty mẹ đặt trụ sở tại nước mẹ và công ty con tại Việt Nam cũng như những giao dịch giữa công ty mẹ với bên thứ ba (không phải công ty
con) tại Việt Nam. Mặt khác, một lượng giá trị lớn của nhóm mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam với mục đích tiêu dùng cho bên thứ ba hoặc được bán cho người tiêu dùng cuối cùng thông qua bên thứ ba chứ không phải là giao dịch giữa công ty mẹ và công ty con hoạt động tại Việt Nam. Điều này dẫn đến giả định cơ bản ngay từ đầu của mô hình lý thuyết của Swenson (2001) bị vi phạm, dẫn đến kết quả thu được từ mô hình thực nghiệm đi ngược lại với kết quả mong đợi theo lý thuyết.
- Ngoài ra, nếu một lượng giá trị lớn ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu là của những loại ô tô sang trọng, đắt tiền thì sự sai lệch thu được từ kết quả của mô hình thực nghiệm càng lớn. Điều này là do ô tô sang trọng, đắt tiền là mặt hàng có cầu kém co giãn theo giá nên thuế nhập khẩu không ảnh hưởng quá nhiều đến cầu tiêu dùng của những người có nhu cầu và khả năng chi trả.
Đề xuất chính sách: Một số biện pháp chống chuyển giá tại Việt Nam 4.3
Những kết quả nói trên cho thấy nhóm tác giả không những tìm ra bằng chứng về sự tồn tại của hoạt động chuyển giá tại Việt Nam mà còn cho thấy những bằng chứng này là có ý nghĩa đáng kể về mặt kinh tế. Do đó, nhóm tác giả kiến nghị một số biện pháp chống chuyển giá tại Việt Nam được trình bày cụ thể ngay sau đây.
4.3.1 Thiết lập và dần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển
giá
Tại Việt Nam, Thông tư 74/1997/TT-BTC hướng dẫn về thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài là văn bản pháp lý đầu tiên đề cập đến vấn đề chuyển giá. Thông tư này cho thấy cơ quan thuế tại Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến tình trạng chuyển giá. Tuy nhiên, trên thực tế các quy định vẫn chưa được áp dụng vì thiếu các hướng dẫn cụ thể. Sau đó, Thông tư 89/1999/TT-BTC, Thông tư 13/2001/TT-BTC và Thông tư 117/2005/TT-BTC tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các quy định về chống chuyển giá. Những quy định ban hành dần trở nên sát với các thông lệ về chống chuyển giá của OECD, vừa dựa trên phương pháp định giá chuyển giao của OECD vừa dựa trên nguyên tắc giá thị trường (APL). Về cơ bản, các văn bản nói trên đều cho rằng xử lý vấn đề chuyển giá là xác định lại giá chuyển giao theo nguyên tắc giá thị trường. Tuy nhiên, các văn bản nói trên chỉ dừng lại ở đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp FDI mà chưa áp dụng đối với các doanh nghiệp trong nước, tức là mới chú trọng vấn đề chống chuyển giá quốc tế, chứ chưa có giải pháp chống chuyển giá nội địa.
Năm 2010, Thông tư 66/2010/TT-BTC ra đời đánh dấu việc lần đầu tiên ở Việt Nam một văn bản pháp lý về chống chuyển giá được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, cả doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp khác. Thêm vào đó, những hạn chế, bất cập của Thông tư 117/2005/TT-BTC đã được khắc phục. Thông tư 66/2010/TT-BTC quy định phương pháp xác định giá thị trường cho các giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, chuyển giao hoặc chuyển nhượng hàng hóa, dịch vụ trong quá trình kinh doanh (được gọi chung là giao dịch kinh doanh) giữa các bên có quan hệ liên kết đã phù hợp với
thông lệ quốc tế. Như vậy, thông tư này đã mở rộng phạm vi áp dụng cho các giao dịch có quan hệ liên kết: các giao dịch liên kết không chỉ được thực hiện bởi các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI), mà nó còn được thực hiện bởi các công ty có nhiều công ty con chỉ hoạt động kinh doanh trong nước hoặc thậm chí được thực hiện bởi các công ty là các chủ thể kinh tế độc lập song chủ sở hữu của chúng lại có mối quan hệ thân nhân với nhau. Nhìn chung, Thông tư 66/2010/TT-BTC phù hợp với hướng dẫn của Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD), phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trong dài hạn, các cơ quan chức năng có thẩm quyền tại Việt Nam cần xây dựng Luật Chống chuyển giá, đồng thời sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, nhằm đáp ứng những yêu cầu trong công tác phòng và chống hoạt động chuyển giá tại Việt Nam.
4.3.2 Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động chuyển giá
Cơ quan chức năng có thẩm quyền cần tập trung thanh tra, kiểm tra giá chuyển giao đối với các tập đoàn có nhiều công ty thành viên; các công ty hoạt động trong các lĩnh vực có dấu hiệu rủi ro lớn về thuế do hành vi chuyển giá; các công ty đã và đang tiến hành tái cơ cấu có khả năng lợi dụng chuyển giá để tránh thuế; các công ty liên tục kê khai lỗ kéo dài mà vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Xây dựng quy trình triển khai thực hiện và các kỹ năng dành riêng cho nghiệp vụ thanh tra đối với hoạt động chuyển giá; xây dựng bộ tiêu chí phân tích, đánh giá rủi ro, cách thức lựa chọn những công ty nên được thanh tra giá chuyển giao để áp dụng chung thống nhất trên toàn quốc. Trong một số trường hợp, cần phối hợp với các cơ quan chức năng như công an, tài chính; phối hợp với cơ quan thuế các nước để nắm bắt thông tin về giao dịch kinh tế của các doanh nghiệp nhằm xác định đúng giá trị giao dịch.
Tăng cường các nghiệp vụ thanh tra theo quy định của pháp luật như: khảo sát thực tế; thu thập thông tin (từ các tổ chức cá nhân là đối tác mua hàng, bán hàng; từ nhân viên đã từng làm việc tại các công ty; từ các cơ quan nhà nước có liên quan như Hải quan, Sở Công thương); tổ chức đối thoại với các công ty có dấu hiệu chuyển giá và tiến hành kiểm tra tại trụ sở công ty. Đồng thời, tăng cường rà soát, lập danh sách và theo dõi chặt chẽ những công ty thuộc diện phải kê khai thông tin giao dịch liên kết.