Chúng tôi tiến hành theo dõi tỷ lệ viêm tử cung ở lợn nái ngoại theo lứa đẻ (đẻ lứa 1, đẻ từ 2 – 5 lứa và đã đẻ trên 5 lứa). Qua khảo sát trực tiếp 504 con lợn nái ngoại nuôi tại tỉnh Ninh Bình, chúng tôi thấy có sự khác nhau về tỷ lệ viêm tử cung ở các lứa đẻ. Kết quả được thể hiện ở bảng 4.2 và biểu diễn tại hình 4.2
Bảng 4.2. Tỷ lệ mắc bệnh viêm tử cung ở các lứa đẻ (n= 504)
Lứa đẻ Số con theo dõi (con) Số con mắc VTC (con) Tỉ lệ mắc VTC (%) Lứa 1 77 24 31,2a Lứa 2-5 376 39 10,4b Lứa >5 51 19 37,3a
Ghi chú: Theo cột dọc, các giá trị có chữ cái khác nhau thì sự sai khác có ý nghĩa thống kê (P<0,05)
Kết quả ở bảng 4.2 cho thấy: ở các lứa đẻ khác nhau có tỷ lệ mắc bệnh khác nhau. Ở lứa đẻ 1 có 77 con theo dõi, có 24 con mắc bệnh viêm tử cung, chiếm tỷ lệ mắc bệnh viêm tử cung cao (31,2%). Đặc biệt từ lứa thứ 5 6 trở đi, có 51 con theo dõi thì có đến 19 con mắc bệnh viêm tử cung, chiếm tỷ lệ cao nhất (37,3%) và cao hơn hẳn các lứa khác. Tuy nhiên, ở các lứa đẻ 2 -5, với tổng số 376 con theo dõi, có 39 con mắc bệnh viêm tử cung, chiếm tỷ lệ thấp nhất 10,4%. Sự sai khác về tỷ lệ lợn nái mắc viêm tử cung ở lứa đẻ 1 và các lứa đẻ trên 5 lứa là không có ý nghĩa thống kê (P > 0,05), tuy nhiên sự sai khác này giữa các lứa đẻ này so với lứa đẻ 2 – 5 là có ý nghĩa thống kê (P < 0,05).
Hình 4.2. Ảnh hưởng của lứa đẻ đến tỷ lệ mắc bệnh viêm tử cung ở lợn nái ngoại
Theo nhận định của chúng tôi ở những đàn nái đẻ lứa đầu, khớp bán động háng mới mở lần đầu, lợn khó đẻ. Công nhân dùng tay can thiệp dẫn đến sây sát niêm mạc và gây viêm tử cung. Đối với đàn nái đẻ nhiều lứa do trương lực cơ tử cung giảm, dẫn tới co bóp yếu, không đủ cường độ để đẩy các sản phẩm trung gian sau đẻ ra ngoài, do sự hồi phục của tử cung chậm, cổ tử cung đóng muộn tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm. Còn ở các lứa đẻ 2 – 4, lúc này cơ thể lợn mẹ đã phát triển thành thục hoàn toàn, tử cung vẫn có sự đàn hồi tốt nên lệ lợn nái mắc viêm tử cung thấp hơn. Nhận xét của chúng tôi phù hợp với thông báo của tác giả Nguyễn Văn Thanh (2007), Ngô Thi Giang (2013), Phạm Huy Hân (2014). Theo các tác giả này lợn nái ở lứa đầu ở lợn nái đã đẻ nhiều lứa có tỉ lệ mắc viêm tử cung sau đẻ cao hơn ở các lứa khác. Tác giả cho rằng, ở lứa 1 do xoang chậu còn nhỏ nên lợn thường đẻ khó dẫn đến phải can thiệp và xây sát. Khi lợn nái đã đẻ nhiều lứa do trương lực của cơ tử cung đã giảm nên lợn gặp khó khăn trong việc đẩy thai và các sản dịch ra khỏi tử cung sau khi đẻ. Các nguyên nhân trên làm cho tỉ lệ viêm tử cung sau đẻ ở các lứa đầu và nhiều lứa cao hơn ở các lứa khác. Biksi I. et al. (2002) thấy rằng, lứa đẻ không làm ảnh hưởng tới tình trạng viêm tử cung ở lợn, trong khi tình trạng sỏi niệu mới có liên quan chặt chẽ tới bệnh viêm tử cung ở lợn nái. Boma M. H. and Bilkei G. (2006)
cho biết, lợn ở các lứa đẻ 5 và > 5 thì sự biến đổi bệnh lí ở hệ sinh dục tiết niệu nói chung và ở tử cung nói riêng lần lượt tăng dần lên. Glock X. T. P. and Bilkei G. (2005) cũng cho rằng, lợn ở lứa đẻ càng cao thì càng có nhiều nguy cơ mắc các bệnh ở đường sinh dục tiết niệu điều đó làm cho tỷ lệ mắc bệnh viêm tử cung tăng lên. Trong một số nghiên cứu khác như Dial G.D. and MacLachion N.J. (1988); Dee S.A. (1992), lứa đẻ cao được cho là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm tử cung ở lợn nái.