Các yếu tố ảnh hưởng tới tình hình thực hiện tiêu chí môi trường trong

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại huyện lâm thao, tỉnh phú thọ (Trang 32 - 35)

Phần 2 Cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn

2.1. Cơ sở lý luận

2.1.3. Các yếu tố ảnh hưởng tới tình hình thực hiện tiêu chí môi trường trong

2.1.3.1. Ý thức và sự tham gia của người dân

- Ý thức của người dân

Ý thức của người dân, ý thức của các cơ sở sản xuất kinh doanh; các làng nghề sản xuất… đây là các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thực hiện tiêu chí môi trường. Việc bảo vệ môi trường hiện nay đang phải đối mặt với suy nghĩ, thái độ, hành vi về môi trường khác nhau trong xã hội, giữa người với người; hộ kinh doanh này với hộ kinh doanh khác. Để quản lý môi trường tốt thực hiện có hiệu quả, trước hết ý thức của mỗi người dân cần phải được nâng cao, bên cạnh đó các cơ sở sản xuất cũng cần phải nâng cao trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường.

- Sự tham gia của người dân và các tổ chức đoàn thể xã hội

Để có môi trường tốt, an toàn cần có sự thống nhất, hài hoà, có sự tham gia của tất cả các cá nhân, các tổ chức cùng chung tay xây dựng, chăm sóc cải tạo bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường ở cơ sở, xã, thị trấn là một vấn đề rất mới, nhưng lại là vấn đề nam giải cần có sự gắn kết với lợi ích của cộng đồng. Sự tham gia của người dân vào bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp quan trọng của công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại huyện Lâm Thao. Vì qua các cấp quản lý hành chính (từ trung ương đến cơ sở) càng xuống cấp dưới (cấp xã, khu dân cư) vai trò của người dân càng trở nên quan trọng. Sự tham gia của người dân và các tổ chức đoàn thể xã hội vào bảo vệ môi trường không chỉ tạo thêm nguồn lực tại chỗ cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, mà còn là lực lượng giám sát môi trường nhanh và hiệu quả, giúp cho các cơ quan quản lý môi trường giải quyết kịp thời ô nhiễm môi trường ngay khi xuất hiện. Hiện nay xuất hiện tình trạng “doanh nghiệp thì cố tình vi phạm, chính quyền thì vô cảm và đoàn thể thì thờ ơ” trước tình trạng bức xúc của người dân về vấn đề môi trường. Nếu chỉ sử dụng những công cụ pháp lý hiện hành thì người dân, cộng đồng dân cư khó có thể được quyền được sống trong môi trường trong lành. Bởi vậy việc giải quyết những vấn đề môi

trường tốt hơn khi chúng ta huy động được sức mạnh của toàn dân và các tổ chức đoàn thể xã hội trong việc thực hiện bảo vệ môi trường.

2.1.3.2. Năng lực đội ngũ cán bộ

Cán bộ là gốc của mọi việc, đây là khâu quan trọng đóng vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác thực hiện tiêu chí môi trường. Do đó trình độ, năng lực quản lý, điều hành thực hiện tiêu chí môi trường cũng như năng lực chuyên môn của từng cán bộ quản lý ảnh hưởng tới mức độ hoàn thiện của tiêu chí môi trường. Một số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân có nhận thức chưa đầy đủ về chương trình xây dựng nông thôn mới. Họ cho rằng xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của Nhà nước phải làm cho dân nên nảy sinh tâm lý trông chờ, thụ động, ỷ lại vì vậy cán bộ có năng lực tốt, chuyên môn giỏi cùng với kinh nghiệm thực hiện chương trình XD NTM sẽ giải thích, tuyên truyền tới người dân đưa ra được các mục tiêu, nội dung thực hiện phù hợp, tạo động lực phấn đấu hoàn thiện tiêu chí môi trường cũng như các tiêu chí khác trong chương trình.

Trong những nhân tố tạo nên sức mạnh để đưa đất nước đi lên, nhân tố con người là quan trọng nhất. Trong đề tài này nhân tố con người nhắc tới các đối tượng: cán bộ địa phương, người dân, các cá nhân tổ chức có liên quan tới chương trình xây dựng nông thôn mới các nhà hảo tâm, con em xa quê… Đây là nhân tố quan trọng, có đóng góp to lớn và có vai trò quyết định tới sự thành bại của chương trình. Nắm được vai trò to lớn đó, cần phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, chính sách, cơ chế hỗ trợ, đào tạo cán bộ và hướng dẫn thực hiện, các hoạt động người dân ở huyện, xã, thôn bàn bạc dân chủ để quyết định và tổ chức thực hiện. Các cán bộ nắm rõ đường lối, chủ trương, chính sách, có nhiệm vụ tổ chức thực hiện, tuyên truyền vận động, thuyết phục, làm cho dân hiểu và khuyến khích người dân tham gia. Đối với nhân dân, có các kế hoạch tuyên truyền để huy động đóng góp từ người dân địa phương, phát huy được vai trò chủ đạo của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra cán bộ cần có năng lực để đa dạng hóa các nguồn lực cho XD NTM như kêu gọi các nhà hảo tâm, con em sống xa quê hương về xây dựng quê hương. Cán bộ cũng phải đi đầu làm gương trong các chương trình dự án kêu gọi đóng góp XD NTM. Cán bộ vừa là người chỉ đạo, vừa là người làm cùng, vừa là người giám sát, đánh giá. Hơn thế nữa, cán bộ địa phương đóng vai trò không

nhỏ trong phát triển kinh tế của xã, vừa phải tiếp thu khoa học kỹ thuật, sáng tạo những phương thức mới mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân…

2.1.3.3. Yếu tố nguồn lực tài chính

Nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế xã hội rất đa dạng, có thể đến từ nhiều chủ thể, nhiều nguồn với qui mô và phạm vi khác nhau như từ các cá nhân, các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các tổ chức nước ngoài ở Việt Nam,... Tùy mục đích phân tích mà có thể phân loại các nguồn lực tài chính thành các loại khác nhau.

Yếu tố quyết định ảnh hưởng đến sự thành công của tiêu chí môi trường đó là nguồn lực tài chính. Nguồn lực này được đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau. Ngân sách Nhà nước, vốn đóng góp từ nhân dân, vốn doanh nghiệp đầu tư. Để xây dựng thành công mô hình nông thôn mới trong đó việc thực hiện tiêu chí môi trường là điều rất quan trọng. Bởi muốn đạt được huyện nông thôn mới trước tiên cần phải quan tâm đến môi trường, đồng thời biết phát huy nội lực từ nhân dân trong việc tham gia đóng góp nguồn lực xây dựng các công trình công cộng. Người dân tự đóng góp để xây dựng các công trình vì môi trường để quá trình xây dựng tiêu chí môi trường được ổn định, lâu dài và phát triển bền vững. Bên cạnh đó cần biết thúc đẩy sự đầu tư của các doanh nghiệp trong xây dựng tiêu chí môi trường vì đây là nguồn lực rất lớn và hiệu quả trong quá trình xây dựng đồng thời cần có kế hoạch giải ngân và phân bổ hợp lý.

2.1.3.4. Yếu tố cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội

Trong quá trình CNH – HĐH đất nước nói chung và quá trình xây dựng mô hình nông thôn mới nói riêng, đặc biệt là quá trình thực hiện tiêu chí môi trường thì cơ sở hạ tầng là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến kết quả thực hiện, nó thúc đẩy quá trình được thực hiện nhanh và hiệu quả hơn rất nhiều so với sức người, hạ tầng và công nghệ cũ.

2.1.3.5. Yếu tố đô thị hóa

Đô thị hóa là quá trình tất yếu đang diễn ra mạnh mẽ, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó quá trình đô thị hóa cũng đang phát sinh nhiều vấn đề nan giải. Quá trình đô thị hóa tương đối nhanh đã có những ảnh hưởng đáng kể đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên, đến sự mất cân bằng sinh thái, tài nguyên đất bị khai thác triệt để xây dựng đô thị, làm giảm diện tích cây xanh và mặt nước, gây ra úng ngập. Nhiều xí nghiệp,

nhà máy gây ô nhiễm môi trường lớn trước đây nằm ở ngoại thành, nay đã lọt vào giữa các khu dân cư đông đúc. Mở rộng không gian đô thị dẫn đến chiếm dụng đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến vấn đề an toàn lương thực quốc gia sản xuất công nghiệp phát triển mạnh làm phát sinh một lượng lớn chất thải. đặc biệt là chất thải nguy hại ngày càng gia tăng. Đồng thời đô thị hóa làm tăng dòng người di dân từ nông thôn ra thành thị, gây nên áp lực đáng kể về nhà ở và vệ sinh môi trường.

2.1.3.6. Yếu tố cơ chế chính sách

Chính sách môi trường được cụ thể hoá bằng Luật Bảo vệ Môi trường số 55/2014/QH13 và các Công ước quốc tế về môi trường. Mỗi cấp quản lý hành chính đều có những chính sách về môi trường riêng. Được cụ thể hoá luật pháp và những chính sách của các cấp cao hơn, vừa tính tới đặc thù địa phương. Sự đúng đắn và thành công của chính sách cấp địa phương có vai trò quan trọng trong đảm bảo sự thành công của chính sách cấp Trung ương. Cơ chế chính sách có ảnh hưởng đến cả quá trình thực hiện tiêu chí môi trường, nó quyết định đến việc thành lập hệ thống quản lý thực hiện, việc ban hành các văn bản triển khai xuống cơ sở, ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền thực hiện tiêu chí, cơ chế chính sách giúp định hướng và đưa ra giải pháp để huy động mọi nguồn lực thực hiện tiêu chí.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại huyện lâm thao, tỉnh phú thọ (Trang 32 - 35)