cầu hóa
2.3.1. Giáo dục Việt Nam trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa
Thế kỉ XXI với những bước phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ hiện đại đã tạo ra những thay đổi mạnh mẽ đến toàn thế giới. Quốc tế hóa, toàn cầu hóa trở thành xu thế chung đối với tất cả các nước. Các quốc gia muốn phát triển nền kinh tế - xã hội của mình thì không thể đứng ngoài xu thế hội nhập và toàn cầu hóa. Việt Nam cũng nằm trong xu thế này khi ra nhập AFTA và WTO.
Toàn cầu hóa là khái niệm miêu tả các thay đổi trong xã hội và trong nền kinh tế thế giới tạo ra bởi mối liên kết và trao đổi ngày càng tăng giữa các quốc gia, các tổ chức hay các cá nhân ở góc độ văn hoá, kinh tế... trên quy mô toàn cầu. (Wikipedia.org)
Đối với Việt Nam, toàn cầu hóa không mang tính áp đặt, cưỡng bức mà mang tính tất yếu. Toàn cầu hóa mang đến cho Việt Nam những cơ hội, đồng thời cũng đặt ra những thách thức và tiềm ẩn những nguy cơ. Về những cơ hội, toàn cầu hóa giúp nối kết Việt Nam với nền giáo dục thế giới; mở rộng
tầm nhìn và bậc thang giá trị hướng tới chuẩn mực chung của toàn nhân loại; hình thành tư duy có tính chất toàn cầu; phát huy tinh thần dân chủ; hình thành khả năng hợp tác làm việc trong môi trường quốc tế. Tuy nhiên, các nguy cơ chúng ta phải đối mặt đó là bản sắc dân tộc có thể bị mất đi; các giá trị truyền thống tốt đẹp có thể bị mai một (“Tiên học lễ, hậu học văn”, “Tôn sư trọng đạo”…); giáo dục bị thương mại hóa. Nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đã đi tìm hướng giải quyết cho các vấn đề trên và câu trả lời chính là văn hóa, như nhà văn người Nga đã nói: “Rốt cuộc thì không phải công nghệ sẽ cứu thế giới, mà tình yêu, cái đẹp sẽ cứu thế giới” (Fyodor Mikhaylovich Dostoyevsky). Văn hóa của mỗi dân tộc sẽ hình thành nên màng lọc để giúp học hỏi những giá trị của văn hóa nhân loại, hình thành nên những công dân toàn cầu nhưng vẫn mang bản sắc văn hóa riêng của mỗi quốc gia.
Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, công nghệ thông tin – cụ thể là mạng internet phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống con người. Bên cạnh khái niệm văn hóa truyền thống, khái niệm văn hóa mạng ra đời và được thừa nhận. Văn hóa mạng được hiểu là “văn hoá sử dụng mạng máy tính và internet để giao tiếp, làm việc và giải trí giữa các cá nhân, các cộng đồng online, những người sử dụng email và các nhóm trò chơi” (American Heritage Dictionary). Con người có thể ra nhập văn hóa mạng theo nhiều cách: là thành viên tổ chức mạng (Facebook, Twitter); thể hiện sự sáng tạo qua các ấn phẩm nghệ thuật hay phim ảnh tự tạo trên mạng (Youtube, Myspace); cùng hợp tác giải quyết vấn đề (Forum, chat); trao đổi và phổ biến thông tin (Bulletin Board..). Văn hóa mạng phụ thuộc vào năng lực sử dụng công cụ và hoàn toàn mang tính ảo nhưng những tác động của nó lại rất thực và vô cùng to lớn. Văn hóa mạng cho phép lan truyền rộng rãi, kết nối nhiều người, trên nhiều vùng địa lý với nhau trong một thời gian ngắn. Văn hóa mạng góp phần hình thành nên những công dân toàn cầu. Đó là những công dân có khả năng tham gia các các trò chơi mang tính tập thể ; tìm kiếm, xử lý
thông tin, phát tán thông tin; hợp tác, phát triển trí tuệ tập thể, sáng tạo; thiết lập networking để tổng hợp, trao đổi, truyền bá thông tin; thương thuyết, làm việc trong một cộng đồng đa văn hoá.
Văn hóa mạng có ảnh hưởng rất lớn đến nhà trường. Bên cạnh việc học tập ở NT, người học còn ra nhập vào một nền văn hóa khác có những tác động rất lớn. Họ có thể tìm thấy sự an ủi, sự tin tưởng, niềm vui và học hỏi được khối lượng tri thức khổng lồ từ nền văn hóa ấy. Mặt khác, họ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ những yếu tố không lành mạnh. Không thể cô lập, tách rời con người trong thời đại ngày nay khỏi mạng internet, vì vậy, cách duy nhất giải quyết vấn đề trên cũng giống như toàn cầu hóa là sử dụng văn hóa như một màng lọc để ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực, tiếp thu những ảnh hưởng tích cực.
Trong bối cảnh như vậy, nhà trường Việt Nam hiện nay cần có sự thay đổi phù hợp. Thay đổi có tính chất căn bản là từ chính người Hiệu trưởng. Người Hiệu trưởng trong thế kỉ XXI không chỉ có IQ cao mà quan trọng hơn là EQ cao, không phải là người hùng biện mà là người lắng nghe, không phải là người độc đoán mà là người trợ giúp, không phải chỉ là người quản lí mà phải là nhà lãnh đạo. [31]
2.3.2. Những thay đổi của văn hóa nhà trường
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội nói trên, nhà trường nói chung và VHNT nói riêng đòi hỏi phải có những sự thay đổi để phù hợp với xu thế chung của thời đại. Toàn cầu hóa và hội nhập đặt ra hai yêu cầu trong việc phát triển VHNT. Một mặt phải giải quyết vấn đề làm thế nào để giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, mặt khác phải làm thể nào để hòa nhập với nền văn hóa chung của nhân loại.
VHNT trong bối cảnh hiện nay phải là văn hóa của một tổ chức học tập, phục vụ mục đích học tập suốt đời cho HS và GV. Tổ chức học tập là một tổ chức khuyến khích và tạo những điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân tự học tập phát triển bản thân, đồng thời các thành viên trong tổ chức học tập lẫn
nhau để cùng phát triển. Quan niệm tổ chức học tập của Peter Senge, (1990) được sử dụng khá rộng rãi khi nói về tổ chức học tập: là tổ chức khi tất cả mọi người liên tục phát triển năng lực của mình để đạt được kết quả cộng việc mà họ mong muốn, nơi mà các tư duy mới được ủng hộ và nuôi dưỡng và các thành viên học tập cùng nhau. Theo ông, một tổ chức học tập đòi hỏi phải có tư duy hệ thống, mối quan hệ chặt chẽ giữa cá nhân; các cá nhân học tập và làm chủ việc học tập của mình; tập thể cùng xây dựng và chia sẻ viễn cảnh; các cá nhân tư duy cùng nhau; có các mô hình tinh thần hỗ trợ việc học tập từ phía lãnh đạo và cộng đồng; khẳng định giá trị của học tập, các thành viên chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với nhau; cung cấp cơ hội học tập suốt đời cho tất cả các cá nhân; kết nối và thống nhất hoạt động của từng cá nhân với hoạt động của tổ chức; đưa ra các quy định giúp các cá nhân dễ dàng chia sẻ tri thức; hỗ trợ và tiếp nhiên liệu cho các ý tưởng sáng tạo, đổi mới; học tập trong nhóm và có sự tương tác liên tục với môi trường (Dẫn theo Nguyễn Thị Mĩ Lộc) [16].
Theo các tác giả Gerald C.Ubben, Larry W.Hugies, Cynthia J.Norris (2004) , tổ chức học tập của nhà trường chỉ có thể phát triển trên nền tảng văn hóa của nhà trường, văn hóa chia sẻ và làm việc nhóm, có sự cộng tác và tinh thần trách nhiệm, tổ chức và thời gian linh hoạt. Tất cả các GV chia sẻ các thông tin, các hiểu biết về chương trình, phương pháp dạy học, tư liệu dạy học và các vấn đề của HS. Môi trường học tập phải bắt đầu từ lớp học và lớp học phải là môi trường tích cực cho việc học tập (hợp tác, khuyến khích, GV và HS tương tác tích cực lẫn nhau) (Dẫn theo Nguyễn Thị Mĩ Lộc) [16].
Để xây dựng nhà trường thành một tổ chức học tập, HT nhà trường là người có vai trò quyết định. HT là người lãnh đạo khởi xướng viễn cảnh và giúp các thành viên hiểu và chia sẻ cùng nhau viễn cảnh của tổ chức, tạo các điều kiện để các cá nhân được học tập: đưa ra các chế độ, chính sách, quy định các nguyên tắc học tập, làm việc, xây dựng các điều kiện học tập mà trước hết là trang bị các cơ sở vật chất, đặc biệt là công nghệ thông tin để tạo
thuận lợi cho việc nâng cao tay nghề của đội ngũ. HT còn là người tư vấn, chỉ đẫn việc học tập, phát triển chuyên môn cho GV. Bản thân người lãnh đạo cũng phải tích cực học tập, thay đổi và cam kết thực hiện sự thay đổi của tổ chức.
Chuyên đề 2: