ĐẠO LÀM NGƯỜI ĐƯỢC THỂ HIỆN QUA MỐI QUAN HỆ CỦA CON NGƯỜI VỚI BẢN THÂN

Một phần của tài liệu Toàn văn LA - Trần Thị Thơm (Trang 71 - 72)

NGƯỜI VỚI BẢN THÂN

Nếu triết học phương Tây thường nghiên cứu vấn đề bản thể luận, thế giới quan thì triết học phương Đông trong đó có triết học Việt Nam thường đề cập đến vấn đề nhân sinh quan, nghiên cứu về con người, cuộc đời con người, mối quan hệ giữa con người với con người. Các học thuyết triết học phương Đông chủ yếu là các học thuyết về đạo đức, chính trị xã hội. Các nền văn hóa gốc du mục mang tính “trọng động”, con người có khuynh hướng hướng ngoại, hướng ra bên ngoài để chinh phục, khám phá tự nhiên. Các nền văn hóa gốc nông nghiệp nói chung, văn hóa Việt Nam nói riêng mang tính “trọng tĩnh”, con người ưa tạo dựng cuộc sống ổn định và ít xáo trộn nên có khuynh hướng hướng nội, hướng vào việc tìm hiểu chính bản thân mình, tìm hiểu mối quan hệ giữa mình với những người xung quanh. Điều đó giải thích tại sao trong tư tưởng triết học Việt Nam nói chung, trong quan niệm đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam nói riêng thì mối quan hệ của con người với bản thân được đề cập một cách rõ nét như vậy. Nó trở thành vấn đề tiên quyết cho sự tồn tại và phát triển của con người và xã hội.

Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam mặc dù chịu ảnh hưởng của Nho giáo nhưng vẫn thể hiện được nét riêng trong nếp nghĩ, nếp ứng xử của người Việt Nam. Đạo làm người trong quan niệm của Nho giáo đề cập đến mối quan hệ của con người với chính bản thân mình. Trong đó, Nho giáo lấy tu thân là gốc, xem đó là điều cốt yếu, quan trọng hàng đầu đối với tất cả mọi người “Tư thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản”[7, tr.7] (Từ thiên tử đến người dân thường, ai ai cũng lấy tu thân làm

gốc). Mối quan hệ giữa con người với chính bản thân mình là mối quan hệ cơ bản, đầu tiên, là cơ sở cho những mối quan hệ khác vì thế, theo quan điểm Nho giáo, đạo làm người trước hết là phải tu thân, phải làm tốt mối quan hệ với chính mình mới có thể làm tốt mối quan hệ với gia đình và xã hội. Tu thân có nghĩa là sửa mình, là tu dưỡng đạo đức cá nhân; xem đạo đức là trên hết, bao trùm cả năng lực con người, là tiêu chí hàng đầu để xem xét con người. Khác với Nho giáo, tu thân trong quan niệm về đạo làm người được thể hiện qua mối quan hệ của con người với bản thân trong tục ngữ, ca dao Việt Nam mang tinh thần thực tiễn với những tư tưởng tiến bộ, không chỉ dừng lại ở việc tu dưỡng đạo đức cá nhân mà nó bao hàm những yêu cầu để hoàn thiện nhân cách như: Tự lập, biết suy tính; Tự học suốt đời; Cần cù, sáng tạo trong lao động.

Một phần của tài liệu Toàn văn LA - Trần Thị Thơm (Trang 71 - 72)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(158 trang)
w