Tự lập, biết suy tính

Một phần của tài liệu Toàn văn LA - Trần Thị Thơm (Trang 72 - 74)

Tự lập, biết suy tính là một trong những yêu cầu cơ bản của con người trên con đường lập thân, lập nghiệp để làm người và sống ở đời. Nó có cơ sở từ tồn tại xã hội: Một là, do xuất phát từ thực tiễn cuộc sống khó khăn, con người phải lao động vất vả, luôn phải đối diện với những mất mát do thiên tai và địch họa gây ra. Hai là, do chế độ phong kiến tồn tại khá lâu trong lịch sử nước ta. Đó là chế độ người bóc lột người, người nông dân phải chịu nhiều bất công, bị bóc lột sức lao động, bị đối xử phũ phàng. Trừ giai đoạn đầu của mỗi triều đại, còn về cơ bản cuộc sống của người nông dân dưới chế độ phong kiến vô cùng khốn khổ với đầy khó khăn, bế tắc. Họ không thể trông chờ hay bấu víu được vào đâu vì thế để tồn tại thì không có cách nào khác là họ phải có tinh thần tự lập, ý thức vươn lên làm chủ cuộc đời mình, biết suy nghĩ, tính toán, tự lo toan mọi bề, không trông chờ, ỷ lại vào ai.

Tục ngữ, ca dao Việt Nam khẳng định mỗi con người được sinh ra đều phải có trách nhiệm với bản thân, phải sống cuộc sống của mình, làm chủ cuộc đời mình: “Có thân phải lập thân”[67, tr.795]. Mọi hạnh phúc, sướng vui hay

bất hạnh của con người hoàn toàn không do thần thánh tạo ra, không do ai sắp đặt. Cuộc đời con người như thế nào là do con người tự tìm tới, do con người tự tạo nên: “Ai cũng tạo nên số phận mình”[8, tr.85]. Con người tự tạo nên số phận, tương lai, hạnh phúc cho mình thông qua chính hoạt động sống, lao động, học tập của mình. Tuy nhiên, con đường tự khẳng định chính mình của mỗi con người không phải là con đường bằng phẳng, không phải ai cũng giống ai. Đó là con đường với đầy những khó khăn thử thách và mỗi người sẽ có con đường khác nhau, nó đòi hỏi mỗi người tùy thuộc vào hoàn cảnh của mình phải luôn cố gắng vươn lên để cải biến hoàn cảnh, vượt qua khó khăn, thử thách, làm chủ hoàn cảnh, để khẳng định bản lĩnh và vai trò chủ thể của mình, quyết tâm thực hiện mục tiêu đã đề ra: “Có công mài sắt có ngày nên kim”, “Có chí thì nên”[66, tr.48], “Có chí có gan, gian nan vượt tuốt”[67, tr.793], “Thành đá không bằng dạ người”[67, tr.801]. Đây là quan điểm đúng đắn, tiến bộ khẳng định vai trò chủ thể của con người trước bản thân và trước lịch sử.

Đồng thời, để sống ở đời, để làm người, để có thể đứng trên đôi chân của mình, có thể khẳng định được vai trò chủ thể của mình thì con người phải hiểu đạo lý ở đời, biết tính toán, biết nghĩ suy, biết nhìn xa trông rộng, biết đối nhân xử thế: “Làm người phải đắn phải đo, Phải cân nặng nhẹ, phải dò nông sâu”, “Làm người suy chín, xét xa, Cho tường gốc ngọn, cho ra vắn dài”[66, tr.94], “Làm người biết nghĩ biết suy, ngồi trên lưng ngựa biết đi đường dài”, “Làm người trông rộng nghe xa, biết luật biết lí mới là người tinh”[8, tr.127]. Nguyễn Đăng Thục từng khẳng định: “suy nghĩ đối với nhân dân Việt Nam vẫn được coi là khả năng cao quý nhất của con người…. Cho

nên làm người phải có suy nghĩ mới nên Người”[63, tr.265]. Mặc dù không đưa ra lý luận làm người, học thuyết làm người nhưng qua tục ngữ, ca dao Việt Nam, chúng ta thấy được tư tưởng sâu sắc về đạo làm người được thể hiện qua những từ ngữ đầy giản dị. Làm người thì phải: đắn đo, cân, dò, suy, xét, nghe, nhìn. Và phải đắn đo, cân, dò, suy, xét, nghe, nhìn như thế nào, dựa

trên cơ sở nào? Đó là, cân thì phải cân nặng – nhẹ; dò thì phải dò nông – sâu; lo nghĩ, suy xét phải cho tường gốc – ngọn, cho ra ngắn – dài, nhìn thì phải nhìn rộng, nghe phải nghe xa. Những cặp từ: nặng – nhẹ, nông – sâu, gốc – ngọn, ngắn – dài đều mang tính đối lập, thể hiện quan điểm của cha ông ta trong việc nhận thức và xử thể, phải phân biệt cho được đúng – sai, tốt – xấu, thiện – ác, cơ bản – không cơ bản, nên làm – không nên làm… Điều đó thể hiện cách lựa chọn giá trị sống có sự phân cực rõ ràng, đòi hỏi con người phải cân nhắc để xác định đường đi, lẽ sống cho mình. Nếu không có sự suy tính, hành động một cách chủ quan, không dò trước tính sau thì con người sẽ gặp phải những điều không như ý: “Chẳng lo trước ắt lụy sau”[66, tr.38], “Làm người mà chẳng biết suy, đến khi nghĩ lại còn gì là thân”[66, tr.94]. Vì thế, trong mọi việc, con người phải biết tính toán, suy nghĩ, nhìn xa trông rộng, “Biết người biết ta”[33, tr.263] để có hành động đúng đắn.

Đây chính là triết lý sống, là đạo lý làm người của cha ông, định hướng cho con người trong quá trình lập thân, lập nghiệp nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp. Để làm người thì trước hết con người phải có tinh thần tự lập, biết suy nghĩ, tính toán. Chỉ có tự lập, tự chủ trong suy nghĩ và hành động mới giúp con người tự làm chủ cuộc đời mình, tự xây dựng cho mình, tự khẳng định bản chất người của mình, mới giúp con người cố gắng vươn lên, vượt qua mọi khó khăn thử thách để làm người và ở đời.

Một phần của tài liệu Toàn văn LA - Trần Thị Thơm (Trang 72 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(158 trang)
w