Hái lộc, đi lễ chùa đầu năm, xin chữ đầu năm

Một phần của tài liệu Phong tục văn hóa của lễ tết tại việt nam (Trang 36 - 41)

 Hái lộc đầu năm:

- Tục hái lộc đầu năm bắt nguồn từ thời vua Hùng. Chuyện kể rằng, nhân ngày đầu xuân, khi các con đã khôn lớn thì vua Hùng cho mời các Lạc Hầu, Lạc Tướng, thần dân và các con đến truyền dạy rằng: “Nay các con đã khôn lớn, ta muốn các con đi

dạy dân làm ăn và trấn cứ các nơi”. Thế nhưng, khi nghe cha phán truyền thì các con đều không muốn chia tay mà muốn ở lại cùng với cha mẹ. Thấy thế, Hoàng hậu liền thưa “Các con đều luyến mẹ, thương cha không muốn đi xa, tôi nghĩ rằng Nhà Vua nên làm lễ tế trời đất rồi dùng cách hái lộc chia cho các con… các con ai nhận được cành lộc đi phương nào thì phương ấy mà đi”. Nghe phải lý, Vua bèn chọn ngày lành tháng tốt để làm Lễ tế Trời - Đất trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh cầu trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, muôn dân ấm no. Chờ đến lúc sang canh, Vua cùng Hoàng hậu vào rừng hái lộc đầu xuân. Sáng sớm, khi mặt trời xuất hiện đằng Đông, Vua chia cho mỗi người con một cành lộc và nhắn nhủ "Non ở nhà, già đi ấp. Chẵn lên non, còn xuống biển". Các con hãy mang cành lộc này để đi trấn giữ các phương rặn dạy dân làm ăn trên đường đi nếu gặp điều gì không may các con hãy mang cành lộc còn đượm sương sớm này mà vẩy lên trời thì thú dữ, ma tà sẽ bỏ chạy không hại được các con. Y lệnh Vua, các con quỳ lạy cha mẹ nhận cành lộc chia nhau đi trấn giữ các miền, Vua cả mừng truyền cho dân làng mở hội để tiễn các con lên đường. Trải qua nhiều năm, tục xin lộc đầu năm đã trở nên quen thuộc và trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người Việt trong những ngày đầu năm mới.

- Hái lộc đầu năm là phong tục bẻ cành cây (cành lộc) mang về nhà để lấy may mắn. Những cành lộc thường là những loại cây quanh năm tươi tốt và nảy lộc như cành si, cành đề,...Cành lộc sau khi mang về sẽ được treo trước hiên nhà, cắm vào bình hoa, treo ở gian giữa, cửa ra vào hoặc để ở trên bàn thờ nhằm trừ ma quỷ và cho thấy gia đình mình đã rước được lộc đã về nhà. Trong ngày Tết, người ta thường hay đi chùa hoặc đền thờ để hái lộc, vì họ cho rằng, đền chùa là nơi linh thiêng mang ngụ ý xin được hưởng chút tài lộc, may mắn của Thần, Phật ban cho để cả năm được thuận

lợi.

- Việc hái lộc quan trọng ở tâm người hái. Người hái lộc phải có cái tâm hướng thiện thì dù là cành lộc bé nhỏ cũng đã đủ mang phúc về nhà. Tuy nhiên, ngày nay phong tục hái lộc bị hiểu sai, họ có quan niệm sai lệch rằng hái được cành lộc càng to thì tài lộc đến càng nhiều. Điều này dẫn đến nhiều người có hành động thi nhau hái theo kiểu “vặt trụi” hay cố trèo lên cây để hái những cành lộc thật to khiến cho việc hái lộc biến tướng thành hành vi phá hoại cây xanh, cảnh quan trong ngày Tết.

Đi lễ chùa đầu năm:

- Sau thời khắc đón giao thừa, các gia đình thường hay tổ chức đến chùa thắp hương đầu năm mới để cầu bình an, tài lộc cho năm mới. Người Việt cho rằng, đi lễ chùa đầu năm không chỉ để ước nguyện, mà còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại hết phiền muộn trong cuộc sống ở bên ngoài.

- Thông thường, mỗi người khi đi lễ chùa đầu năm thường có những mục đích khác nhau, có người thì cầu tài lộc, tình duyên; có người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình; có người thì chỉ đơn giản là tìm những giây phút bình yên, thanh thản trong tâm hồn để xua tan đi những phiền muộn trong cuộc sống.

- Đi lễ chùa đầu năm phải có cái tâm thật trong sáng thì mọi điều mong ước mới có thể đạt được. Ngoài ra, khi đi lễ chùa đầu năm còn có những điều cấm kỵ mà mọi người nên lưu ý:

+ Không nên đi cửa chính giữa: khi vào chùa, mọi người nên đi cửa bên và tránh đi cửa chính giữa, không dẫm lên bâu cửa khi bước vào để tránh tội bất kính.

+ Không nên ăn mặc xuề xòa khi đi chùa: khi đi chùa nên ăn mặc giản dị, sạch sẽ, tránh mặc váy ngắn, quần ngắn hoặc đồ hở da thịt.

+ Không mang nhiều đồ đạc vào Tam bảo bái Phật: khi vào Tam bảo lễ Phật thì không nên mang theo tư trang cá nhân như túi xách, bao tay,...bởi vì, nếu lỡ có đặt những đồ vật này lên bàn, lên chiếu hoặc trong góc tam bảo để bái Phật thì mọi công quả tu dưỡng bấy lâu đều đổ sông đổ bể.

+ Không nên đứng hoặc quỳ chính giữa Phật đường: theo suy nghĩ thông thường, người ta thường cho rằng phải thắp hương trong gian thờ Phật ở chùa mới thiêng, nhưng điều này là không chính xác. Khi đi lễ chùa thì không nên thắp hương bên trong chùa vì có thể gây ảnh hưởng đến tượng Phật, pháp khí; mọi người nên thắp hương tại đỉnh đặt bên ngoài. Ở nhiều chùa cũng thường có những tấm biển chỉ dẫn về vấn đề này, bạn chỉ cần quan sát và làm theo là được.

+ Không nên sắm sửa nhiều vàng mã, tiền âm phủ: khi vào chùa không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện mà nên bỏ vào hòm công đức.

+ Không nên chụp ảnh: đền chùa vốn là chốn linh thiêng, vì vậy bạn không nên chụp ảnh, quay phim tùy tiện trong chùa, nhất là chụp những bức ảnh tạo dáng không trang nghiêm, lịch sự.

+ Không gây ồn ào quanh khu vực Phật điện, Tam bảo: khi đi chùa, bạn không nên chạy nhảy qua lại, bình phẩm, nói chuyện, ngồi hoặc nằm trong góc Phật đường. Ngoài ra, cũng không nên tùy tiện hắt hơi, khạc nhổ quanh khu vực Phật điện, Tam bảo.

+ Không đi lại bất kính quanh tượng Phật: theo quan niệm từ xưa, đi vòng quanh tượng Phật, khu vực Tam bảo, đi từ phải sang trái, niệm tên Phật " A di đà Phật" sẽ được hưởng 5 điều phúc đức: Hậu sinh đoan chính, đẹp; lời ăn tiếng nói rõ ràng dễ nghe; hóa sinh thăng thiên; có thể được sinh ra trong gia đình quyền quý; siêu sinh đạo Niết Bàn.

+ Không tự ý sử dụng hoặc mang đồ của nhà chùa về nhà: những hành vi như vậy gọi là “đạo dụng thập phương thường trụ”. Nếu phạm phải luật này, khi chết sẽ bị giam vào địa ngục và chịu khổ vô kể.

+ Không tự tiện đặt lễ mặn ở khu vực chính diện: Phật điện là nơi thờ tự chính của ngôi chùa, do đó bạn không nên tùy tiện đặt lễ mặn ở đây. Trên hương án của chính

điện chỉ được dâng lễ chay, tịnh. Việc sắp lễ mặn chỉ được chấp nhận nếu trong khu vực chùa có thờ các vị Đức Ông, Thánh, Mẫu và chỉ dâng tại ban thờ hoặc điện thờ. + Không coi của chùa thì được dùng thoải mái: không nên sử dụng đồ của chùa như ăn uống, thụ lộc nên lưu công đức dù ít hay nhiều vì sẽ phạm tội “luân đạo thực quả báo”, đó sẽ là căn nguyên rơi vào địa ngục.

+ Kiêng quan hệ tình dục trước khi đi chùa: đây là điều tối kỵ khi bước vào cổng chùa vì khi mới quan hệ xong mà đã chuẩn bị đồ lễ đi chùa thì tư tưởng mình chưa dứt ra khỏi buồn vui trong quan hệ chăn gối. Vì thế, nếu có quan hệ thì tốt nhất là từ 3-6 tiếng sau khi đi lễ chùa.

Xin chữ đầu năm

- Thật ra, cũng không ai biết phong tục xin chữ này bắt đầu từ đâu. Nhưng từ xa xưa, chữ viết đã được người Việt coi trọng. Thời xưa, người ta rất coi trọng những người biết chữ, vì họ không chỉ có cơ hội đỗ đạt làm quan mà con là hình mẫu, là niềm tự hào, là tấm gương sáng cho mọi người. Về sau, viết chữ còn được nâng tầm lên thành thư pháp, nhiều người coi chữ viết đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Vì thế, tục xin chữ - cho chữ có lẽ bắt nguồn từ những con người hiếu học, nên nếu xin chữ vào ngày xuân như là xin một thứ phúc lộc may mắn về cho gia đình.

- Phong tục xin chữ này càng về sau lại càng phổ biến. Chữ xin được tương trưng cho lời chúc của người viết hay mong muốn của người xin. Đó thường là sự an lành, may mắn, thành công, mong con cái đầy nhà.

- Ngày xưa, để xin chữ thầy Đồ thì người đến xin phải chuẩn bị kễ mọn và thành tâm đến nhà. Người thầy Đồ cho chữ cũng luôn phải trang nghiêm, không cho phường “thích làm sang”, chỉ cho người trọng chữ. Việc xin chữ - cho chữ rất cẩn trọng như

là một nghi thức không thành văn.

- Ngày nay, việc xin chữ không còn quá đặt nặng nghi lễ như ngày xưa. Tuy nhiên, hình ảnh người viết câu đối, người viết lời chúc, người viết chữ…đủ các kiểu hành, chân, triện, lệ…đủ các chất liệu giấy, gỗ, trúc, tre…; người xếp hàng, ngồi ghế chờ đến lượt, trân trọng cầm tờ giấy còn ướt mực, ngắm nét chữ “phượng múa rồng bay” cũng đủ là một hình ảnh đẹp đẽ, rỡ ràng ngày xuân năm mới.

Một phần của tài liệu Phong tục văn hóa của lễ tết tại việt nam (Trang 36 - 41)