quyền nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng
Phòng chống tham nhũng góp phần nâng cao sức chiến đấu, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, củng cố sức mạnh, sự đoàn kết của tổ chức, đẩy lùi biểu hiện của tự diễn biến, tự chuyển hóa, loại bỏ chủ nghĩa cá nhân. Sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng đối với Nhà nước, xã hội phải xuất phát từ niềm tin, lòng tin của nhân dân, sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp trên muốn hiệu quả phải có được sự tin tưởng, đồng thuận từ cấp dưới. Phòng chống tham nhũng củng cố lòng tin của nhân dân, của tập thể vào sức mạnh của tổ chức, thể hiện quyết tâm chính trị của lãnh đạo, là sự thanh lọc, đào thải nghiêm khắc những cá nhân không đủ tài năng, đạo đức ra khỏi tổ chức, phòng chống tham nhũng hiệu quả không cho kẻ thù có cơ hội bôi nhọ, chống phá ta từ bên trong, đem lại uy tín cho địa phương, cho quốc gia đối với bạn bè quốc tế.
1.5. Các yếu tố ảnh hƣởng đến công tác phòng chống tham nhũng trong quản lý nhà nƣớc, quản lý tài nguyên, khoáng sản
1.5.1. Yếu tố chính trị
Thứ nhất đó là quyết tâm chính trị của bộ máy lãnh đạo. Phòng chống tham nhũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được thực hiện một cách xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng được quyết định đầu tiên đó là ở ý chí, quyết tâm của bộ máy lãnh đạo. Sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thông qua việc làm gương, lấy bản thân là tấm gương về sự trong sạch, liêm khiết, thái độ kiên quyết, xử lý nghiêm minh, rõ ràng với những hành vi dù là nhỏ nhất của tham nhũng chính là động lực, là cơ sở để thực hiện phòng chống tham nhũng đến từng cơ quan, đơn vị. Kinh nghiệm phòng chống tham nhũng ở Việt Nam và trên thế giới đã cho thấy, ở đâu và khi nào nhà cầm quyền, người lãnh đạo cao nhất thực sự quyết tâm, thực sự quyết liệt trong công tác phòng chống tham nhũng thì ở đó phòng chống tham nhũng có hiệu quả. Quyết tâm chính trị không chỉ thể hiện ở lời nói mà chủ yếu là ở hành động, quyết tâm chính trị không phải là khẩu hiệu mà phải là lẽ sống, lẽ sinh tồn để mỗi cá nhân tự soi mình định hướng hành động cho bản thân mình.
Thứ hai là sự ủng hộ, đồng thuận từ nhân dân. Bất kỳ xã hội nào, quốc gia nào thì tham nhũng luôn là nỗi bức xúc rất lớn của người dân và tự bản thân hoạt động phòng chống tham nhũng cũng đã có được sự ủng hộ rất lớn từ nhân dân. Tuy nhiên sự ủng hộ của người dân còn cần được cụ thể hóa bằng việc người dân trực tiếp tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị mà thiếu sự tham gia tích cực của người dân thì công tác phòng chống tham nhũng cũng không thể đạt được hiệu quả thực sự. Hiện nay trong công tác phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng, phòng chống tội phạm tham nhũng trong nhân dân vẫn tồn tại tâm lý né tránh, ngại va chạm, thậm chí chính người dân lại là đối tượng tiếp tay cho hành vi tham nhũng, thực tế đó đã gây rất nhiều khó khăn cho việc phòng chống tham nhũng.
Thứ ba đó là về bản chất của hành vi tham nhũng có liên hệ chặt chẽ với yếu tố quyền lực chính trị. Để thực hiện hành vi tham nhũng điều kiện cần đó là quyền lực và quyền lực đó có thể ở mọi cấp độ, phạm vi, để xử lý ngăn chặn hành vi tham nhũng khi mà các đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng có
trong tay công cụ quyền lực thực sự là công việc không hề dễ dàng. Quyền lực chính trị xét về bản chất nó là công cụ để phục vụ số đông, phục vụ cái chung, nếu để quyền lực này biến tướng, tha hóa thì thực sự sẽ tạo nên sự đe dọa rất lớn đến tồn vong của xã hội và cộng đồng. Kiểm soát quyền lực, tạo cơ chế để cán cân quyền lực được cân bằng giữa các cơ quan để tránh sự lạm quyền, độc quyền đó là nền tảng cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng.
1.5.2. Yếu tố pháp lý
Hệ thống các văn bản pháp quy là công cụ, là cơ sở quan trọng để thực hiện công tác phòng chống tham nhũng. Quy định của luật và các văn bản dưới luật là căn cứ trực tiếp trong xử lý, ngăn chặn, phòng ngừa hành vi tham nhũng, các quy định càng chặt chẽ, cụ thể, đối tượng càng rõ ràng thì xử lý càng công bằng và nghiêm minh. Tham nhũng, tội phạm tham nhũng xuất hiện một phần lớn là do lợi dụng các kẽ hở của pháp luật, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta hiện nay vẫn bộc lộ nhiều sơ hở, đặc biệt là các chế tài xử phạt cũng như quy định về một số tội danh tham nhũng còn chưa cụ thể, dễ gây hiểu nhầm, hiểu sai và áp dụng không đúng trong xử lý tội phạm tham nhũng.
Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội, hành vi tham nhũng nói chung và hành vi cấu thành tội phạm tham nhũng nói riêng ngày càng trở nên tinh vi, hiện đại và nguy hiểm. Tham nhũng hiện nay được thực hiện dưới rất nhiều hình thức, không còn ở dạng truyền thống và có cả yếu tố công nghệ cao, yếu tố nước ngoài. Tội phạm tham nhũng ngày càng trở nên nguy hiểm vì đối tượng này xuất hiện ở cả cán bộ cấp cao trong bộ máy lãnh đạo Đảng, nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng trên quy mô quốc gia. Những thực tế đó đòi hỏi pháp luật phòng chống tham nhũng phải không ngừng được cải thiện, nâng cao, đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng trong tình hình mới.
1.5.3. Yếu tố kinh tế
Yếu tố kinh tế tác động đến công tác phòng chống tham nhũng thể hiện trên các phương diện sau:
Thứ nhất đó là việc đảm bảo đời sống kinh tế, nhu cầu vật chất cho đối tượng là cán bộ, công chức viên chức, người giữ chức vụ trong các cơ quan nhà nước. Tham nhũng xuất phát từ lòng tham của con người, trong điều kiện có quyền hạn, chức vụ, đảm bảo điều kiện về vật chất mà trước hết là mức lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chính là giúp họ tránh xa các cám dỗ vật chất tầm thường. Hiện nay, mức lương và đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta còn ở mức trung bình thấp, gánh nặng kinh tế cùng với sự buông lỏng trong quản lý, kiểm tra rất dễ đẩy họ đến với hành vi tham nhũng. Kinh nghiệm ở một số quốc gia trên thế giới cho thấy rằng, việc đảm bảo đời sống kinh tế cho công chức là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng, thậm chí với một số nước có trình độ phát triển kinh tế cao thu nhập của công chức được xếp vào thu nhập cao của xã hội.
Thứ hai đó là sự phát triển của kinh tế xã hội, sau đổi mới năm 1986 nước ta bước vào thời kỳ hội nhập nhanh với nền kinh tế khu vực và thế giới, điều đó đã tạo ra bước phát triển thần kỳ của nền kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên mọi vấn đề đều có tính hai mặt, cùng với sự phát triển về kinh tế thì những cám dỗ về vật chất cũng không ngừng tăng lên, các quan hệ kinh tế mới hình thành luôn đòi hỏi hành lang pháp lý và cơ chế quản lý phù hợp, nhiều cá nhân, tổ chức sẵn sàng sử dụng quân bài vật chất, tiền bạc để nhằm tạo cơ chế thuận lợi riêng cho cá nhân, tổ chức của mình. Một đất nước phát triển về kinh tế thì cũng luôn đi kèm với những vấn đề mới phức tạp hơn, với tư cách là một tổ chức quyền lực đặc biệt nhà nước vừa tác động vào các vấn đề này, vừa bị các vấn đề kinh tế xã hội tác động, nếu sự quản lý không đủ mạnh tất yếu nhà nước sẽ đánh mất vai trò của mình và khi đó tham nhũng chỉ là một biểu hiện trong số rất nhiều các dấu hiệu đi xuống của nhà nước.
1.5.4. Yếu tố văn hóa, xã hội
Truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa cộng đồng, phong tục, tập quán, kết cấu xã hội, trình độ dân trí, dư luận xã hội, tất cả những yếu tố đó tác động
trực tiếp đến công tác phòng chống tham nhũng. Một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, một xã hội đề cao sự minh bạch, có trình độ dân trí cao thì tất yếu không có chỗ cho tham nhũng. Văn hóa xã hội tác động trực tiếp đến từng cá nhân, từng con người cụ thể, nó được biểu hiện rõ nét qua lối sống, cách ứng xử, hành vi, văn hóa điều chỉnh thái độ sống, cách thích nghi với hoàn cảnh sống của mỗi người. Tham nhũng cũng là hành vi xuất phát từ đời sống xã hôi, hành vi này cũng chịu sự tác động từ văn hóa, từ đạo đức từ truyền thống và dư luận, sức mạnh của cộng đồng, dư luận góp phần rất lớn đến thành công của công tác phòng chống tham nhũng.
1.5.5. Yếu tố con người
Trong tất cả các yếu tố tác động trực tiếp đến hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng thì yếu tố con người vẫn giữ vai trò quyết định. Từng cá nhân, từng công dân, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên đều là người chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trên mặt trận phòng chống tham nhũng, mỗi chúng ta dù có nghề nghiệp, địa vị xã hội, giới tính, tôn giáo, trình độ khác nhau song đều là những mắt xích quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng. Con người vận hành tổ chức, con người sử dụng quyền lực, con người bằng trí tuệ, năng lực, tinh thần của mình đấu tranh chống lại những biểu hiện tha hóa đạo đức, chống lại hành vi tham ô, tham nhũng, con người chiến đấu với chính bản thân mình để vượt qua cám dỗ vật chất, vượt qua những mưu lợi cá nhân. Nhắc đến yếu tố con người là nhắc đến tầm quan trọng của giáo dục, đào tạo, tự rèn luyện. Trong cuộc sống, mỗi cá nhân dù làm việc ở vị trí nào, thuộc tầng lớp nào cũng phải luôn có ý thức rèn luyện, nghiêm khắc với bản thân, không ngừng học tập lao động, dũng cảm đấu tranh với những tiêu cực, đặc biệt là với hành vi tham nhũng, lãng phí. Lòng tham là một phần tất yếu của con người, đó là yếu tố thuộc về bản chất, song sống trong xã hội con người bị các giá trị xã hội chi phối và bằng cách này hay cách khác con người buộc phải kiểm soát lòng tham của mình, đi ngược lại các giá trị xã hội tất yếu sẽ bị xã hội đào thải.
Tiểu kết chƣơng 1
Thông qua chương 1, tác giả đã khái quát toàn bộ cơ sở lý luận làm nền tảng cho nghiên cứu toàn bộ luận văn, các khái niệm công cụ của đề tài đã được làm rõ, đặc trưng, tính chất của hành vi tham nhũng, vai trò ý nghĩa của công tác phòng chống tham nhũng, những đặc điểm riêng của phòng chống tham nhũng trong quản lý tài nguyên, khoáng sản. Cũng trong chương này, tác giả cũng chỉ rõ những yếu tố tác động trực tiếp đến công tác phòng chống tham nhũng, vai trò của từng yếu tố, đây là những căn cứ quan trọng để phân tích chương 2 và đề xuất giải pháp ở chương 3. Qua quá trình nghiên cứu xây dựng nội dung của chương 1 có thể kết luận rằng phòng chống tham nhũng là công việc vừa quan trọng, vừa khó khăn, phức tạp, có vai trò sống còn đối với chính quyền nhà nước và sự phát triển, ổn định của xã hội.
Chƣơng 2
THỰC TRẠNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN (THAN)
Ở TỈNH QUẢNG NINH
2.1. Khái quát chung về tỉnh Quảng Ninh
2.1.1. Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên của tỉnh Quảng Ninh
Quảng Ninh là tỉnh ven biển, biên giới thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Quảng Ninh được ví như một Việt Nam thu nhỏ, vì có cả biển, đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi, biên giới. Trong quy hoạch phát triển kinh tế, Quảng Ninh vừa thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía bắc vừa thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ. Đây là tỉnh khai thác than đá chính của Việt Nam và có vịnh Hạ Long là di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Quảng Ninh nằm ở địa đầu phía đông bắc Việt Nam, có dáng một con cá sấu nằm chếch theo hướng đông bắc - tây nam. Tỉnh Quảng Ninh cách thủ đô Hà Nội 153 km về phía Đông Bắc. Phía đông nghiêng xuống nửa phần đầu Vịnh Bắc bộ, phía tây tựa lưng vào núi rừng trùng điệp. Toạ độ địa lý khoảng 106o26' đến 108o31' kinh độ đông và từ 20o40' đến 21o40' vĩ độ bắc. Bề ngang từ đông sang tây, nơi rộng nhất là 102 km. Bề dọc từ bắc xuống nam khoảng 195 km. Phía đông bắc của tỉnh giáp với Trung Quốc, phía nam giáp vịnh Bắc Bộ, phía tây nam giáp tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, đồng thời phía tây bắc giáp các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và Hải Dương [2] [23].
Điểm cực đông trên đất liền là mũi Gót ở đông bắc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, ngoài khơi là mũi Sa Vĩ.
Điểm cực tây là sông Vàng Chua, xã Bình Dương và xã Nguyễn Huệ, thị xã Đông Triều.
Điểm cực nam ở đảo Hạ Mai thuộc xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn. Điểm cực bắc thuộc thôn Mỏ Toòng, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu.
Quảng Ninh là một trong 25 tỉnh, thành phố có biên giới, tuy nhiên lại là tỉnh duy nhất có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, với đường biên giới trên bộ dài 118,825 km và đường phân định Vịnh Bắc Bộ trên biển dài trên 191 km. Mặc khác, Quảng Ninh là một trong 28 tỉnh, thành có biển, với đường bờ biển dài 250 km, trong đó có 40.000 hecta bãi triều và trên 20.000 hecta eo vịnh, có 2/12 huyện đảo của cả nước [23].
Quảng Ninh là tỉnh miền núi, trung du nằm ở vùng duyên hải, với hơn 80% đất đai là đồi núi. Trong đó, có hơn hai nghìn hòn đảo núi đá vôi nổi trên mặt biển, phần lớn chưa được đặt tên. Địa hình của tỉnh đa dạng có thể chia thành 3 vùng gồm có Vùng núi, Vùng trung du và đồng bằng ven biển, và Vùng biển và hải đảo.
Vùng núi chia làm hai miền: Vùng núi miền Đông từ Tiên Yên qua Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà đến Móng Cái. Đây là vùng nối tiếp của vùng núi Thập Vạn Đại Sơn từ Trung Quốc, hướng chủ đạo là đông bắc - tây nam. Có hai dãy núi chính: Dãy Quảng Nam Châu (1.507 m) và Cao Xiêm (1.330 m) chiếm phần lớn diện tích tự nhiên các huyện Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà, dãy Ngàn Chi (1.166 m) ở phía bắc huyện Tiên Yên. Vùng núi miền tây từ Tiên Yên qua Ba Chẽ, Hoành Bồ, phía bắc thành phố Uông Bí và thấp dần xuống ở phía bắc thị xã Đông Triều. Vùng núi này là những dãy nối tiếp hơi uốn cong nên thường được gọi là cánh cung núi Đông Triều với đỉnh Yên Tử (1.068 m) trên đất Uông Bí và đỉnh Am Váp (1.094 m) trên đất Hoành Bồ. Cánh cung Đông Triều chạy theo hướng tây - đông ở phía nam và hướng đông bắc - tây nam ở phía bắc, được coi là xương sống của lãnh thổ Quảng Ninh, có vai trò quan trọng trong việc hình thành các yếu tố tự nhiên ở hai sườn bắc – nam [2] [23].
Vùng trung du và đồng bằng ven biển gồm những dải đồi thấp bị phong hoá và xâm thực tạo nên những cánh đồng từ các chân núi thấp dần xuống các