nhũng trong quản lý tài nguyên, khoáng sản
Thứ nhất, tình trạng tham nhũng nói chung và tham nhũng trong quản lý tài nguyên, khoáng sản nói riêng đang diễn biến ngày càng phức tạp, tính chất vi phạm ngày càng nghiêm trọng, các đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng có thủ đoạn ngày càng tinh vi, hiện đại gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn. Như đã chỉ rõ ở các phần trên, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản đem lại lợi ích kinh tế rất lớn do đó các đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng không từ thủ đoạn nào để có thể kiếm chác, phân chia lợi ích bất hợp pháp. Hoạt động khai thác, thăm dò tài nguyên khoáng sản lại luôn diễn ra trên thực địa với phạm vi khai thác rộng lớn, công tác kiểm tra, kiểm soát rất khó khăn. Các đối tượng tham nhũng luôn có sự móc nối chặt chẽ với nhau ở mọi khâu, mọi bằng chứng chứng cứ về hành vi tham nhũng đều được cất giấu cẩn mật, hoặc nhanh chóng tiêu hủy.
Thứ hai, trong công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản của tỉnh Quảng Ninh còn nhiều bất cập, để lộ nhiều kẽ hở cho tội phạm tham nhũng hoành hành. Trong quản lý khoáng sản, chính quyền các cấp ở một số nơi còn buông lỏng quản lý, thiếu sâu sát với thực tiễn, khi xảy ra sai phạm thì chậm khắc phục, xử lý, không tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý nhà nước. Công tác quy hoạch, lập quy hoạch, kế hoạch khai thác sử dụng tài nguyên, khoáng sản còn chưa hiệu quả, khai thác, sử dụng chưa đồng thời với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội. Quản lý tài nguyên khoáng sản chưa chú trọng công tác thành tra, kiểm tra, các hành vi sai phạm đa số do báo chí hoặc các cơ quan chức năng của cấp trên phát hiện. Vấn đề công khai, minh bạch trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản chưa được thực hiện hiệu quả.
Thứ ba, công tác phòng chống tham nhũng trên lĩnh vực quản lý tài nguyên, khoáng sản chưa nhận được sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân và các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn. Về phía người dân, vẫn tồn tại tâm lý né tránh, ngại va chạm, sợ bị các đối tượng tham nhũng trả
thù, không muốn đấu tranh vì lo sợ lợi ích cá nhân bị ảnh hưởng. Các tổ chức xã hội với vai trò làm công tác phản biện nhưng thiếu công cụ giám sát, kiểm tra bởi lẽ khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản là hoạt động kinh tế có chuyên môn rất đặc thù. Các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm ăn chân chính sợ đối đầu, tránh va chạm đặc biệt khi có yếu tố pháp lý, dù bị cạnh tranh không lành mạnh song ít doanh nghiệp dám nói lên tiếng nói của mình do chịu sức ép từ nhiều phía. Bên cạnh đó khi vấp phải sự tố giác, phản đối của quần chúng nhân dân, các cá nhân tổ chức trong xã hội các đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng, tiếp tay cho hành vi tham nhũng sẵn sàng dùng nhiều thủ đoạn đe dọa, trả thù nhằm che dấu cho hành vi phạm pháp của mình. Các cơ quan phòng chống tham nhũng chưa có biện pháp hiệu quả bảo bệ người tố giác hành vi tham nhũng, chưa có cơ chế tiếp nhận thông tin tố giác đảm bảo tính bảo mật, cập nhật và chính xác.
Thứ tư, lực lượng tham gia công tác phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phòng chống tham nhũng. Quảng Ninh là một tỉnh có địa hình trải dài, hầu hết các địa phương trên toàn tỉnh đều có mỏ khai thác khoáng sản với quy mô khác nhau và dù ở bất kỳ đâu tham nhũng cũng có thể phát sinh trong khi đó lực lượng phòng chống tham nhũng của tỉnh còn mỏng. Hiện nay dù nhiệm vụ phòng chống tham nhũng được giao cho nhiều cơ quan của tỉnh Quảng Ninh cùng phối hợp hoạt động, nhưng vẫn chưa có cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, phòng chống tham nhũng chỉ là một trong số các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này do đó không tránh khỏi việc chưa tập trung mọi nguồn lực để thực hiện. Việc phát hiện các hành vi, dấu hiệu hành vi tham nhũng chủ yếu vẫn thông qua báo chí, các phương tiện truyền thông, công tác thanh tra, kiểm tra còn nhiều bất cập.
Thứ năm, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp trong quản lý khai thác và sử dụng khoáng sản, trong phòng chống tham nhũng còn chưa đồng bộ và hiệu quả. Việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan
chức năng làm nhiệm vụ phòng chống tham nhũng là một bài toán khó không chỉ ở tỉnh Quảng Ninh mà còn ở nhiều địa phương khác trên cả nước, xây dựng cơ chế phối hợp nhưng vẫn đảm bảo sự hoạt động độc lập, hiệu quả của từng cơ quan, xây dựng cơ chế phối hợp nhưng các cơ quan không bị chồng chéo về chức năng nhiệm vụ. Bên cạnh đó sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, ủy ban nhân dân các cấp như thế nào đối với từng cơ quan cũng là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm, bởi lẽ mỗi một cơ quan lại có phạm vi hoạt động, đối tượng tác động và tính chất công việc khác nhau. Sự phối hợp giữa các cơ quan chỉ cần yếu ở một khâu, một mắt xích sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động phòng chống tham nhũng nói chung, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác của cơ quan đó nói riêng.
Thứ sáu, một bộ phận cán bộ, đảng viên làm việc trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản có biểu hiện tha hóa về đạo đức, lối sống, yếu kém về năng lực chuyên môn và thiếu bản lĩnh chính trị, từ đó đã sa vào những cám dỗ vật chất, bất chấp quy định của pháp luật, bất chấp hậu quả gây ra cho tổ chức và xã hội, bỏ qua lỷ luật công tác của tổ chức tiếp tay cho những hành vi trái phép trong khai thác và sử dụng tài nguyên, khoáng sản. Những vụ việc vi phạm nghiêm trọng gần đây về khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản của tỉnh Quảng Ninh cho thấy phải có bàn tay quyền lực đúng sau thao tùng chỉ đạo thì các hoạt động khai thác trái phép mới diễn ra trên phạm vi rộng trong suốt thời gian dài như vậy. Thực trạng trên là hồi chuông báo động về công tác quản lý cán bộ, đào tạo, sử dụng cán bộ, là nguy cơ nghiêm trọng đối với hệ thống chính trị trên toàn tỉnh Quảng Ninh.