Đào tạo ĐNGV được hiểu là quá trình dạy - học và rèn luyện của những người sẽ và đang làm nghề dạy học, nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho công việc trong tương lai để đảm nhiệm nhiệm vụ cao hơn, phức tạp hơn. Hiện nay, việc đào tạo ĐNGV chủ yếu được thực hiện trong các trường cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm hoặc các cơ sở giáo dục khác do nhà nước quy định.
Đào tạo bao gồm đào tạo và đào tạo lại, thực hiện đối với đối tượng giáo viên chưa đạt chuẩn đào tạo hoặc đào tạo trên chuẩn đối với cấp học.
Bồi dưỡng là việc giáo viên tham gia các khóa huấn luyện, tự nghiên cứu để duy trì, hoàn thiện kiến thức, kỹ năng ở mức độ cao hơn nhằm thực hiện được công việc đang đảm nhiệm tốt hơn.
Như vậy, mục đích của bồi dưỡng là nhằm nâng cao năng lực phẩm chất và năng lực chuyên môn để GVTH; có cơ hội củng cố, mở rộng và nâng cao hệ thống tri thức, kỹ năng, kỹ xảo chuyên môn nghiệp vụ đã có, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy và giáo dục. Có nhiều hình thức và nội dung bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho ĐNGV tiểu học, trong đó có:
- Bồi dưỡng, tự bồi dưỡng về chuyên môn: Để đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa và nâng chuẩn; nâng cao kiến thức liên quan: ngoại ngữ, tin học....
- Bồi dưỡng, tự bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm: Phương pháp giảng dạy, giáo dục học sinh: Phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh; công tác chủ nhiệm lớp, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục truyền thống cho học sinh....
- Bồi dưỡng, tự bồi dưỡng về kỹ năng nghiên cứu khoa học: Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, tổ chức tiến hành nghiên cứu đề tài, sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy....
- Bồi dưỡng về lý luận chính trị và kiến thức quản lý khác.
Việc bồi dưỡng cho ĐNGV tiểu học cũng có thể tiến hành với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ, trong hè; bồi dưỡng theo chuyên đề ngắn hạn; bồi dưỡng tại các nhà trường thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, tự bồi dưỡng của GVTH. Trong nhà trường nói chung, trường tiểu học nói riêng, giáo viên là người trực tiếp thực hiện mục đích, nhiệm vụ giáo dục, người quyết định phương hướng trong giảng dạy.
Trình độ học vấn và sự phát triển tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh không chỉ phụ thuộc vào chương trình sách giáo khoa, cũng không chỉ phụ thuộc vào nhân cách học sinh mà còn phụ thuộc vào nhân cách của người thầy, vào phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ tay nghề của người thầy.
Trong giai đoạn hiện nay, việc bồi dưỡng thường xuyên cho ĐNGV tiểu học là việc cần làm hơn bao giờ hết, đòi hỏi các cấp quản lý đặc biệt quan tâm bởi vì chúng ta đang sống trong kỷ nguyên thông tin, thời đại mà khối lượng tri thức được tăng lên nhanh chóng hàng ngày, hàng giờ, làm cho các kiến thức, phương pháp giảng dạy trong nhà trường luôn luôn phải bổ sung, thay đổi cho phù hợp.
Vì vậy, việc bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực của người GVTH là đòi hỏi tự thân, mang tính bắt buộc của nghề dạy học. Như vậy, hoạt động bồi dưỡng nâng cao chất lượng ĐNGV tiểu học đặt ra yêu cầu cần phải thực hiện tốt các nhiệm vụ sau: (1) Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng được xác định có tính khả thi; (2) Thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức; (3) Tạo điều kiện cho giáo viên đi học Đại học, thạc sỹ...; (4) Sử dụng hợp lý giáo viên sau khi kết thúc khoá đào tạo hoặc bồi dưỡng; (5) Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng nằm trong quy hoạch chưa bổ nhiệm chức danh quản lý.
1.2.5. Tạo điều kiện, môi trường và đảm bảo cơ chế, chính sách đối với đội ngũ giáo viên tiểu học
Thực hiện tốt chế độ chính sách đối với ĐNGV tiểu học là điều kiện cần để động viên, khuyến khích giáo viên gắn bó với nhà trường, cống hiến hết mình trong công tác góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Do vậy, người cán bộ quản lý nhà trường cần phải làm thật tốt việc tạo ra các môi trường pháp lý, xây dựng môi trường sư phạm, tạo điều kiện thuận lợi
về tinh thần và vật chất cho ĐNGV là sự động viên kịp thời đối với giáo viên, giúp họ tái tạo tốt sức lao động và ngược lại. Bên cạnh việc thực hiện tốt các chế độ chính sách, người cán bộ quản lý còn phải nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của từng giáo viên, nắm bắt được hoàn cảnh của từng người. Có như vậy sẽ có cách động viên, khích lệ kịp thời khi họ gặp khó khăn hay khi cần chia sẻ. Phải tạo được môi trường sư phạm thân thiện, để mỗi giáo viên khi đến trường cảm thấy như ở ngôi nhà thân thương của mình. Có được bầu không khí thân thiện sẽ là động lực chính giúp cho mỗi người giáo viên cảm thấy cởi mở hơn, gần gũi hơn, mạnh dạn chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình không chỉ trong công việc mà có khi cả trong lĩnh vực cuộc sống. Được như vậy, sẽ tạo được tâm lý thoải mải cho giáo viên khi đến trường, để họ cảm nhận được thực sự “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, và như vậy người giáo viên không có lý do gì để không yêu nghề, không cống hiến hết khả năng và tâm huyết của mình.
Các hoạt động chính mà nhà trường tiểu học cần thực hiện để tạo điều kiện, môi trường phát triển cho ĐNGV bao gồm:
- UBND huyện, phòng GD&ĐT thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước đối với ĐNGV;
- Xây dựng chính sách riêng về đãi ngộ, khen thưởng của UBND huyện đối với ĐNGV;
- Huy động được nguồn lực vật chất để thực hiện chính sách đãi ngộ đối với giáo viên;
- Thực hiện thường xuyên kịp thời các chính sách đãi ngộ đối với giáo viên;
- Thực hiện, áp dụng các hình thức kỷ luật đối với giáo viên vi phạm.