Viện trợ cho ngành y tế nói chung, các dự án do Bộ Y tế quản lý nói riêng đã góp phần to lớn trong việc cải thiện hệ thống y tế.
Một là, góp phần xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế công bằng, hiệu quả cho công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức tài trợ như Chương trình Hợp tác Y tế Việt Nam-WHO, Bộ Y tế đã làm tốt công tác xây dựng các chính sách về y tế, một số chính sách, chiến lược cơ bản đã được Chính phủ phê duyệt, đó là: Nghị quyết 47-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.
Hai là, xây dựng các cơ sở y tế, cung cấp trang thiết bị đảm bảo chất
lượng dịch vụ y tế. Trong khuôn khổ 2 dự án do WB tài trợ, 131 trung tâm y tế tuyến huyện đã được xây dựng mới, với đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đã thúc đẩy công tác khám chữa bệnh cho nhân dân ở khu vực này tốt hơn nhiều so với trước, nhiều trường hợp bệnh nặng có thể được cứu chữa ngay tại tuyến huyện, làm giảm chi phí cho người dân. Hơn 2.000 trạm y tế được xây dựng mới và có đầy đủ thuốc thiết yếu, trang bị cơ bản đã thúc đẩy được công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu ở tuyến cơ sở.
Ba là, góp phần làm tăng cường năng lực cho cán bộ ngành y tế. Hầu
hết các dự án đều dành một khoản kinh phí đáng kể cho hoạt động “Phát triển năng lực”. Các khoá đào tạo với nội dung như nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; Nâng cao kỹ năng quản lý, kỹ năng điều hành, nâng cao trình độ ngoại ngữ..., kết hợp với việc đào tạo thông qua công việc hàng ngày đã giúp cán bộ có thêm kinh nghiệm trong công việc. Nhiều bác sỹ, dược sỹ đã được đào tạo để có trình độ trên đại học cũng từ nguồn tài trợ này. Các tổ chức tài trợ đặc biệt rất quan tâm đến y tế cơ sở, hàng trăm lớp tập huấn lại cho các cán bộ y tế tuyến huyện, xã giúp họ có thể cập nhật được các kiến thức để đáp ứng được công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại cơ sở. Cũng thông qua các lớp đào tạo dưới nhiều hình thức, hàng nghìn nhân viên y tế thôn bản được
đào tạo và có khả năng thực hiện tốt được 5 nhiệm vụ của mình, góp phần mở rộng thêm mạng lưới y tế cho ngành.
Bốn là, góp phần cải thiện các chỉ số về sức khoẻ cho người dân.
Ngành y tế trong những năm gần đây đã nỗ lực rất nhiều trong việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Những thành tựu đạt được trong những năm qua trong đó có phần đóng góp của cộng đồng các nhà tài trợ, nhờ vậy một số chỉ số về sức khoẻ của Việt Nam được đánh giá ngang tầm với các nước có chi phí y tế cho đầu dân khoảng trên 1.000 USD như chỉ số tuổi thọ trung bình. Một số bệnh đã được thanh toán như bại liệt, đã loại trừ được uốn ván sơ sinh, cũng như bệnh phong đã dần được thanh toán. Một số bệnh mang tính xã hội như lao, sốt rét, bướu cổ cũng đã được kiểm soát chặt chẽ. Số trường hợp mắc sốt rét ác tính đã giảm rõ rệt, số trường hợp lao cấp tính, lao trẻ em cũng đã giảm trong những năm gần đây.
2.2. Thực trạng quản lý nhà nước về tài chính đối với các dự án viện trợ không hoàn lại trực thuộc Bộ Y tế quản lý
2.2.1. Thực trạng hệ thống các văn bản pháp luật hướng dẫn công tác quản lý viện trợ, tài chính viện trợ đối với các dự án viện trợ không hoàn lại
Để thống nhất công tác quản lý chung, Chính phủ đã có Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 quy định việc quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước
ngoài. Nội dung của bản quy chế ban hành theo Nghị định này đã nêu rõ một
số quy định chung như phạm vi điều chỉnh, các nguyên tắc cơ bản quản lý và sử dụng ODA, một số lĩnh vực được ưu tiên sử dụng nguồn vốn này. Đồng thời Nghị định cũng quy định những nguyên tắc trong việc vận động, đàm phán và ký kết điều ước quốc tế khung và cụ thể về nguồn hỗ trợ phát triển chính thức. Quá trình chuẩn bị chương trình, dự án để thẩm định, phê duyệt và tổ chức quản lý triển khai thực hiện kể cả công tác theo dõi đánh giá dự án
cũng được quy định trong bản quy chế này. Đặc biệt bản quy chế ban hành theo Nghị định đã phân định trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc quản lý về ODA. Đối với nguồn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài, Thủ tướng đã có Nghị định số 93/2009/NĐ-CP về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài. Nghị định đã điều chỉnh mọi hoạt động thu hút, vận động, đàm phán, thẩm quyền phê duyệt và ký kết các khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài. Quyết định này cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý các dự án viện trợ phi Chính phủ nước ngoài.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 12/2016/TT-BKHĐT ngày 08/08/2016 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 07/2010/TT-BKH ngày 30/3/2010 về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài. Nội dung của hai thông tư này đã hướng dẫn chi tiết quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài từ quá trình vận động, đàm phán, ký kết điều ước Quốc tế khung, thẩm định, phê duyệt dự án, ký điều ước Quốc tế cụ thể đến việc quản lý, thực hiện, theo dõi và đánh giá dự án.
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 82/2007/TT-BTC để hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại. Nội dung Thông tư đã khẳng định các khoản viện trợ không hoàn lại nước ngoài là nguồn thu của ngân sách nhà nước, phải được hạch toán đầy đủ, kịp thời vào ngân sách và quản lý, sử dụng theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn dưới Luật.
Trên cơ sở các văn bản nêu trên, Bộ Y tế đã ban hành quy định quản lý và sử dụng thống nhất trong ngành y tế nguồn hỗ trợ phát triển chính thức
kèm theo Quyết định số 11/2008/QĐ-BYT về việc ban hành quy định quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức(ODA) của Bộ Y tế. Ngoài ra, xuất phát từ các vướng mắc trong quản lý tài chính Bộ tài chính đã ban hành một số quy định mới trong Thông tư số 111/2016/TT-BTC quy định về quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Hệ thống văn bản pháp luật nêu trên đã hướng dẫn cụ thể quy trình thẩm định, phê duyệt các dự án; Phân công trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý các dự án viện trợ.
Thứ nhất, quy định thẩm quyền thẩm định và phê duyệt các dự án
Đối với các dự án ODA viện trợ không hoàn lại, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Các chương trình tín dụng, hỗ trợ cán cân thanh toán sử dụng nguồn ODA; Các chương trình, dự án phát triển cấp Quốc gia, cấp ngành hoặc liên vùng lãnh thổ sử dụng vốn ODA; Các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA có mục tiêu liên quan đến thể chế và chính sách nhà nước, pháp luật, cải cách hành chính, văn hoá thông tin, an ninh, quốc phòng (không phụ thuộc quy mô vốn); Các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA có mức vốn đầu tư theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng; Các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA có mức vốn từ 1 triệu USD trở lên.
Bộ trưởng các Bộ quản lý chuyên ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh phê duyệt các chương trình, dự án ODA không quy định tại các điểm nêu trên. Cụ thể đối với các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật, Bộ trưởng các Bộ quản lý chuyên ngành, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ được phê duyệt đối với các chương trình, dự án có mức vốn đầu tư dưới 1 triệu USD.
Đối với các dự án NGO viện trợ không hoàn lại, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Mọi khoản viện trợ có nội dung liên quan đến thể chế, chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, văn hoá thông tin, tôn giáo, quốc phòng, an ninh (không phụ thuộc vào quy mô); Các chương trình, dự án sử dụng viện
trợ phi Chính phủ nước ngoài có mức vốn từ 500.000 USD trở lên; Các chương trình, dự án và các khoản viện trợ phi dự án có những mặt hàng thuộc diện hạn chế nhập khẩu theo quy định của Chính phủ như ô tô, xe máy, hàng hoá, trang thiết bị đã qua sử dụng và một số tân dược theo danh mục được quy định; Các khoản viện trợ phi dự án có giá trị từ 200.000 USD trở lên; Các khoản cứu trợ khẩn cấp không có địa chỉ cụ thể.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt: Các chương trình, dự án có mức vốn dưới 500.000 USD, trừ những khoản viện trợ có nội dung liên quan đến thể chế, chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, văn hoá thông tin, tôn giáo, quốc phòng, an ninh; Các khoản viện trợ phi dự án có giá trị dưới 200.000 USD, trừ những khoản viện trợ có nội dung liên quan đến thể chế, chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, văn hoá thông tin, tôn giáo, quốc phòng, an ninh; Các khoản cứu trợ khẩn cấp đã có địa chỉ cụ thể.
Bảng số 2.4 cho thấy tình hình thẩm định, phê duyệt các dự án viện trợ do Bộ Y tế quản lý. Trong tổng số 31 dự án ODA đang triển khai thực hiện thì phần lớn các dự án này thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Số dự án do Bộ Y tế thẩm định, phê duyệt rất ít và là những dự án có quy mô rất nhỏ.
Bảng 2.4- Bảng thống kê dự án và thẩm quyền phê duyệt dự án
Đơn vị tính: USD
Số dự án Nguồn vốn của dự án Cấp phê duyệt dự án
26 221.886.220 Thủ tướng Chính phủ
5 2.256.730 Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt
31 224.142.950
Theo quy định, đối với các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt sau khi
có đầy đủ ý kiến của các Bộ có liên quan và báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các dự án thuộc thẩm quyền thẩm định và phê duyệt ở cấp Bộ thì thời gian thẩm định sẽ nhanh hơn so với các dự án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ hai, phân công trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý các dự án viện trợ
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với nguồn viện trợ nước ngoài từ việc vận động đến đàm phán, ký kết viện trợ với các nhà Tài trợ; Chỉ đạo công tác theo dõi, giám sát quá trình thực hiện và đánh giá kết quả, hiệu quả nguồn viện trợ nước ngoài.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối trong việc thu hút, điều phối, quản lý nguồn viện trợ nước ngoài, có nhiệm vụ chủ trì soạn thảo chiến lược, quy hoạch thu hút và sử dụng nguồn viện trợ nước ngoài, điều phối các nguồn viện trợ phù hợp với chiến lược, quy hoạch thu hút, sử dụng viện trợ; Tổ chức thẩm định các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; Chủ trì việc theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện tại các dự án và chủ trì tổ chức đánh giá hiệu quả của các chương trình, dự án; Báo cáo tổng hợp theo định kỳ và theo yêu cầu đặc biệt của Đảng, Nhà nước về tình hình quản lý, thực hiện các chương trình, dự án viện trợ và hiệu quả thu hút, sử dụng viện trợ nước ngoài.
Bộ Tài chính quản lý nhà nước về tài chính đối với các chương trình, dự án viện trợ như chủ trì với các cơ quan có liên quan xây dựng quy chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án viện trợ; Quản lý nhà nước tầm vĩ mô toàn bộ quá trình tiếp nhận và sử dụng viện trợ nước ngoài. Chủ trì và hướng dẫn các Bộ, Ngành công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động của các chương trình, dự án, công tác quyết toán nguồn viện trợ. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá hiệu quả nguồn viện trợ nước ngoài.
Bộ Ngoại giao, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam là cơ quan đầu mối, tổng hợp báo cáo Thủ tướng theo lĩnh vực được phân công.
Các Bộ quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các dự án, các đơn vị trực thuộc trong việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn viện trợ nước ngoài, tổng hợp báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về tình hình tiếp nhận, sử dụng viện trợ thuộc Bộ, ngành quản lý.
2.2.2. Thực trạng tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tài chính đối với các dự án viện trợ không hoàn lại
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với nguồn viện trợ, quản lý nhà nước về tài chính đối với nguồn viện trợ không hoàn lại. Cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ đầu mối quản lý nhà nước về tài chính đối với các dự án viện trợ nước ngoài là Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành cơ chế quản lý tài chính đối với dự án, hướng dẫn chế độ giải ngân, theo dõi tình hình tiếp nhận, sử dụng nguồn viện trợ, tổ chức công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình sử dụng viện trợ tại các dự án, quản lý tài sản công tại các dự án, phối với với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá hiệu quả các dự án viện trợ nước ngoài. Trước đây, ban tiếp nhận viện trợ - Bộ Tài chính được thành lập để theo dõi, quản lý toàn bộ nguồn viện trợ nước ngoài trên phạm vi toàn quốc. Từ năm 2003 trở lại đây, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với nguồn viện trợ nước ngoài được chuyển về Vụ Tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính.
Theo quy định hiện nay có 3 cấp đơn vị dự toán, đơn vị dự toán cấp I là các Bộ chủ quản, đơn vị dự toán cấp II là các Sở, Ban làm nhiệm vụ trung gian, đơn vị dự toán cấp III là đơn vị chi tiêu trực tiếp. Hiện nay ở Bộ Y tế, việc quản lý nguồn viện trợ nước ngoài được chia làm 2 cấp, Bộ Y tế là cơ quan quản lý trực tiếp các chương trình, dự án, là đơn vị dự toán cấp I. Các chương trình, dự án, các đơn vị trực thuộc trực tiếp sử dụng nguồn viện trợ là các đơn vị dự toán cấp III; Không có đơn vị dự toán cấp II, là cấp trung gian.
Tại Bộ Y tế: Vụ Kế hoạch - Tài chính là cơ quan tham mưu giúp Bộ