Đội ngũ giảng viên cơ hũu và giảng viên thỉnh giảng Đại học Y Hà Nội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể chế quản lý giảng viên thỉnh giảng trong các trường đại học từ thực tiễn trường đại học y hà nội (Trang 56 - 61)

Sinh thời, cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã từng nói với cán bộ và nhân viên y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/01/1985: “Ít có nghề nghiệp nào mà xã hội đòi hỏi về phẩm chất và tài năng cao như đối với

người làm công tác y tế. Đó là một nghề đặc biệt, đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng, tấm lòng nhân ái, sự từng trải và kinh nghiệm, một nghề mà mọi công việc, dù là nhỏ, đều có liên quan đến tính mạng con người và hạnh phúc gia đình”. Nghề Y là nghề đặc biệt, nghề được cả xã hội biết đến, trân trọng và tôn vinh. Nhưng bên cạnh sự tôn quý mà xã hội dành cho ngành Y thì sức ép, trách nhiệm và áp lực nghề nghiệp nặng nề của người thầy thuốc, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thị trường với sự bùng nổ về công nghệ thông tin đã đặt ra cho nghề y biết bao thách thức không kém phần nghiệt ngã. Trong “muôn sắc cầu vồng” của ngành y, đội ngũ giảng viên Đại học Y Hà Nội luôn có một “diện mạo” tỏa sáng:

Theo số liệu thống kê chính thức của bộ phận chức năng (phòng Tổ chức Cán bộ), trường hiện có 767 giảng viên cơ hữu, với độ tuổi trung bình nam 35 tuổi, nữ 32 tuổi, độ tuổi của sự trưởng thành nghề nghiệp. Trong số 767 giảng viên cơ hữu, trường có 540 Giảng viên, trong đó có 42 Giảng viên chính, 185 Giảng viên cao cấp. có 21 giáo sư, 180 phó giáo sư, 260 tiến sĩ y khoa và một số ngành khoa học khác, 356 thạc sĩ y khoa và một số ngành khác, 34 bác sĩ nội trú, 80 bác sĩ đa khoa và cử nhân y khoa. Đặc biệt, so với nhiều trường đại học khác, Trường Đại học Y Hà Nội có tỷ lệ cơ cấu giảng viên Nam và Nữ khá lý tưởng (386 nam/381 nữ).

Cùng với 767 giảng viên cơ hữu, Đại học Y Hà Nội hiện có 359 giảng viên thỉnh giảng. Độ tuổi trung bình của giảng viên thỉnh giảng, nam 45 tuổi, nữ 42 tuổi. Sở dĩ có sự chênh lệch về độ tuổi giữa giảng viên thỉnh giảng so với giảng viên cơ hữu là bởi vì, đặc thù chương trình đào tạo y khoa đặt ra yêu cầu lựa chọn giảng viên thỉnh giảng phải đồng thời là các chuyên gia y tế giỏi. Thêm vào đó, 90% số giảng viên thỉnh giảng của Đại học Y Hà Nội hiện đều đang giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cơ sở khám chữa bệnh và lãnh đạo một số vụ chuyên môn của Bộ Y tế. Trong 359 giảng viên thỉnh

giảng, có 169 giảng viên nữ, 190 giảng viên nam; 1 giáo sư, 17 phó giáo sư, 199 tiến sĩ y khoa và một số ngành khoa học khác, 62 thạc sĩ y khoa và một số ngành khoa học khác, 80 giảng viên có trình độ đại học, 8 bác sĩ chuyên khoa I, 28 bác sĩ chuyên khoa II.

Những số liệu nêu trên cho thấy, đây là đội ngũ cực kỳ mạnh về chuyên môn nghiệp vụ, sung sức, tràn đầy sức mạnh đội ngũ, dồi dào về năng lực cống hiến và năng động về đổi mới, sáng tạo. Xuyên qua những số liệu đó, đi sâu nghiên cứu yếu tố nội tại bên trong của đội ngũ giảng viên tại Đại học Y Hà Nội sẽ thấy đội ngũ này có những đặc thù rất khác biệt so với giảng viên các trường đại học:

Thứ nhất, giảng viên Đại học Y Hà Nội vừa phải tham gia giảng dạy, vừa phải khám chữa bệnh trong các bệnh viện. Hoạt động nghề nghiệp luôn gắn liền với trách nhiệm lớn lao của cả hai cương vị: “Thầy Thuốc – Thầy Giáo”, không phân biệt tính chất cơ hữu, kiêm nhiệm hay thỉnh giảng trong hoạt động đào tạo. Bên cạnh đó, đã là giảng viên giảng dạy về Y khoa thì ngoài việc phải tuân thủ thể chế quản lý giảng viên đại học, giảng viên Đại học Y Hà Nội khi tham gia giảng dạy lâm sàng tại các cơ sở khám chữa bệnh còn phải thực hiện các quyết định của bệnh viện, như đi trực, đi vùng sâu, vùng xa. Khối lượng và tính chất của công việc mà giảng viên Đại học Y Hà Nội đang đảm nhiệm vất vả hơn rất nhiều so với giảng viên nhiều trường đại học khác. Mặc dù về phương diện thể chế quản lý cơ sở đào tạo đại học có sự phân biệt giảng viên cơ hữu (bao gồm cả giảng viên kiêm nhiệm) và giảng viên thỉnh giảng, nhưng do tính chất công việc phải đảm nhiệm trên hai cương vị thầy thuốc và thầy giáo như vậy nên sự vất vả và cống hiến của giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng gần như không có khoảng cách.

Khác với các ngành nghề khác, ngành Y có thời gian đào tạo bậc cử nhân dài nhất (6 năm). Không những thế, thời gian thực tập của sinh viên Y

khoa cũng dài nhất, bắt đầu ngay từ năm thứ hai, và tính chất công việc là nặng nề, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và thể chất. Đặc biệt, do nhiệm vụ của giảng viên giảng dạy sau đại học là được giao hướng dẫn ngay từ đầu cho từ một đến ba học viên ngay khi trúng tuyển đến lúc tốt nghiệp nên trong một khoảng thời gian dài như vậy, cả giảng viên và học viên đều phải đầu tư rất nhiều công sức cho quá trình đào tạo, nghiên cứu lý thuyết và thực hành. Tương tự, với bác sĩ kiêm giảng viên (kiêm nhiệm hoặc thỉnh giảng) ở Đại học Y Hà Nội thì công việc cũng áp lực rất lớn. Nếu ở các trường đại học khác, mỗi năm giảng viên có ít nhất kỳ nghỉ hè, nghỉ tết thì giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội hầu như không rất eo hẹp về thời gian nghỉ, vì ngoài giờ dạy, giảng viên còn phải đi trực ở bệnh viện.

Thứ hai, hoạt động giảng dạy của giảng viên Đại học Y Hà Nội được thực hiện đồng thời ở cả môi trường lý thuyết và thực hành. Việc giảng dạy thực hành (giảng dạy lâm sàng) diễn ra tại bệnh viện, tức phải giảng dạy trực quan trên đối tượng nghề nghiệp là một con người cụ thể đang ở trong điều kiện, bối cảnh “không bình thường” cả về thể chất và tinh thần (đau ốm, mất mát về thể chất, lo lắng, khổ sở về tinh thần…). Điều này đòi hỏi người giảng viên không chỉ có kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm thông thường mà còn phải tích hợp được cả kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng thuần thục của một người bác sĩ. Người thầy vừa phải có đạo đức nhà giáo, vừa phải có y đức của một bác sĩ. Giảng dạy về lâm sàng là những giờ giảng đòi hỏi khắt khe từng thao tác, kỹ năng và sự chuẩn xác về nghiệp vụ cũng như những quyết định chính xác, nhân văn, vì đó luôn là quyết định có thể trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, hạnh phúc của một con người cụ thể. Bài giảng, điều kiện và môi trường giảng dạy như vậy không thể không đòi hỏi tài năng, đức độ và tâm huyết thực sự của giảng viên.

Thứ ba, đội ngũ giảng viên Đại học Y Hà Nội là đội ngũ bao gồm đông đảo các nhà khoa học đích thực, không ngừng tìm tòi, sáng tạo trong môi trường nghiên cứu khoa học lý thuyết và ứng dụng lâm sàng. Trong thế giới vật chất, khi con người là bản thể chứa đựng vô vàn sự “bí ẩn” của tạo hóa thì quá trình khám chữa bệnh cho con người tất yếu phải luôn là quá trình tìm tòi, sáng tạo và không ngừng thay đổi, không ngừng phát kiến để đạt tới thành tựu y học ngày càng hiện đại. Chủ nhân của quá trình đó không ai khác mà chính là giảng viên trên giảng đường Đại học Y Hà Nội. Trong mỗi giảng viên của Đại học Y Hà Nội luôn là hiện thân của Thầy thuốc – Thầy giáo và Nhà khoa học.

Thực tế của 115 năm phát triển của nhà trường đã cho thấy, đội ngũ giảng viên Đại học Y Hà Nội ngoài hội tụ đầy đủ những đặc điểm chung về điều kiện, tiêu chuẩn và khung năng lực giảng viên giảng dạy đại học như các trường đại học khác còn có những phẩm chất, năng lực, kỹ năng đặc thù đáp ứng yêu cầu công việc cũng như nghề nghiệp chữa bệnh cứu người. Đây chính là điều giúp lý giải vì sao đội ngũ giảng viên là nguồn tài sản trí tuệ vô giá mà Đại học Y Hà Nội hiện đang sở hữu.

Riêng đối với khối giảng viên thỉnh giảng của Đại học Y Hà Nội, bên cạnh những ưu việt chung của giảng viên cơ hữu còn có tiềm năng mang lại lợi ích thiết thực cho cơ sở đào tạo nơi tham gia thỉnh giảng, đó là 90% trong số 359 giảng viên thỉnh giảng của Đại học Y Hà Nội vừa là bác sĩ có chuyên môn nghiệp vụ giỏi, vừa là cán bộ chủ chốt hoặc lãnh đạo các cơ sở khám chữa bệnh. Tư duy quản lý công xem đây là yếu tố thuận lợi cho xây dựng và thực hiện thể chế quản lý giảng viên thỉnh giảng ngay từ khi định hướng chính sách cho đến khâu phối hợp trong bố trí giảng viên thỉnh giảng tại trường, bố trí, sắp xếp các giờ giảng dạy lâm sàng cho giảng viên kiêm nhiệm tại bệnh viện, trong tiếp nhận sinh viên đến thực tập và tham gia buổi giảng lâm sàng tại bệnh viện. Để có thể phát huy tối đa lợi thế này thì về nguyên lý,

nhà trường phải có thể chế phù hợp để giảng viên thỉnh giảng cũng như đơn vị chủ quản giảng viên được chủ động tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế.

Quan điểm nghiên cứu của tác giả luận văn cho rằng, cần nhanh chóng áp dụng tư duy quản lý hiện tại bằng việc chuyển từ “luật chơi” do cơ sở đào tạo đại học quy định sang “luật chơi chung” của cả nhà trường, đơn vị, tổ chức chủ quản giảng viên và cá nhân từng giảng viên thỉnh giảng. Thêm vào đó, nội hàm của luật chơi chung cần được mở rộng bao gồm cả thể chế phi chính thức, nhằm tạo quyền chủ động cho mọi chủ thể tham gia thiết kế và tổ chức thực hiện thể chế quản lý hoạt động thỉnh giảng. Phù hợp với đặc thù

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể chế quản lý giảng viên thỉnh giảng trong các trường đại học từ thực tiễn trường đại học y hà nội (Trang 56 - 61)