Sứ mệnh, Tầm nhìn và Giá trị cốt lõi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể chế quản lý giảng viên thỉnh giảng trong các trường đại học từ thực tiễn trường đại học y hà nội (Trang 52 - 56)

Trong “tâm hồn nhà trường”, các thế hệ thầy và trò của Trường Đại học Y Hà Nội luôn tự hào vì mình được là thành viên của một trong những trường đại học có bề dày lịch sử lâu đời nhất trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Nhà trường đã và đang khẳng định ngày càng sâu sắc sứ mệnh là một trường đại học hàng đầu Việt Nam, không ngừng phấn đấu vì sức khỏe con người, thông qua những nỗ lực vươn tới đỉnh cao trong đào tạo nguồn nhân lực y tế, trong khoa học – công nghệ và trong cung cấp chuyên gia cao cấp ngành Y tế. Đây là sứ mệnh được bồi đắp từ sự cống hiến bền bỉ của hàng nghìn cán bộ, giảng viên, chuyên viên, người lao động của Đại học Y Hà Nội qua các thời kỳ. Trong thời gian tới, việc hiện thực hóa sứ mệnh này gắn chặt với nhu cầu đổi mới chương trình đào tạo nguồn nhân lực y tế và tăng cường năng lực, chất lượng nguồn nhân lực đào tạo Y học tại Việt Nam. Bối cảnh của đổi mới chương hình đào tạo nguồn nhân lực y tế đối với Đại học Y Hà Nội xuất phát từ những bất cập trong thực tiễn đào tạo nguồn nhân lực ngành Y. Hiện tại, mô hình đào tạo Y khoa rất phức tạp, chẳng hạn, ở bậc đại học, hiện có ba ngành đào tạo khác hẳn nhau là bác sĩ Y khoa, bác sĩ Y học cổ truyền, và bác sĩ Y học dự phòng. Ba “dòng đào tạo” này hầu như chưa có sự kết nối với nhau từ “đầu vào” cho đến “đầu ra”. Tiếp đó, ở bậc sau đại học lại có thạc sĩ, tiến sĩ y khoa, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II. Mô hình đào tạo quá phức tạp này khiến trường phải có hai chương trình song song, dẫn đến bệnh viện lại có kiểu phân biệt “công dân hạng 1”, “công dân hạng 2” trong sử dụng bác sĩ. Nhưng điều đáng nói hơn cả là sự phức tạp trong các chương trình đào tạo lại không tương xứng với chất lượng thực tế của nguồn nhân lực đã qua đào tạo, do chương trình đào tạo hiện hành vẫn chưa phù hợp, chưa mang tính đặc thù và chưa hội nhập quốc tế.

Hiện chương trình đào tạo Y khoa tại Việt Nam chưa được điều chỉnh để đáp ứng với những thay đổi của môi trường (cơ cấu bệnh tật, hệ thống y tế và nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân). Việc dạy và học dù đã luôn có sự đổi mới nhưng về căn bản vẫn dựa trên chương trình đào tạo cũ, theo cách đào tạo nặng về kiến thức lý thuyết. Hiện trạng lẫn lộn giữa chương trình đào tạo hệ nghiên cứu (thạc sĩ, tiến sĩ) và hệ thực hành (bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II) đang hạn chế một phần năng lực hành nghề thực tế của học viên sau khi tốt nghiệp các chương trình đào tạo y khoa. Việc duy trì thời gian đào tạo bác sĩ sáu năm, sau đó thực hành 18 tháng được cấp chứng chỉ hành nghề một lần (có giá trị suốt cuộc đời) mà không qua thi cử như hiện nay khác với nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, với kinh nghiệm về đào tạo nhân lực y khoa của nhiều nước thì 6 năm chưa đủ để hành nghề mà bắt buộc đào tạo từ 12 đến 13 năm, trong đó việc đào tạo thực hành chiếm một nửa thời gian. Nhưng ở Việt Nam nói chung và Đại học Y Hà Nội nói riêng vẫn đang đào tạo bác sĩ 6 năm để khi sinh viên ra trường về bệnh viện sẽ phải tự xoay xở. Với kiến thức thuần lý thuyết, chắc chắn những bác sĩ này khó hành nghề một cách tự tin về chuyên môn và kỹ năng, tất yếu phải đi theo “đàn anh” để học tập. Một quá trình tự học như vậy khó có thể định lượng được khả năng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, vì hiện ngành y tế chưa có chuẩn để “đo” chất lượng bác sĩ.

Trong bối cảnh chung đó, việc đào tạo nhân lực y tế trong thời gian tới được Bộ Y tế xác định sẽ tập trung đổi mới căn bản, toàn diện, tiếp cận với các phương thức đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới để tăng cả chất lượng và số lượng. Ý tưởng đổi mới đào tạo y khoa trong thời gian tới được đề xuất với những điểm thay đổi chính gồm, phân rõ hai hướng đào tạo trên cơ sở chia thành ba giai đoạn; bổ sung quy định về kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề nếu đi theo hướng hành nghề khám, chữa bệnh. Cụ thể:

- Giai đoạn 1 là đào tạo ở trình độ đại học, theo khung trình độ bậc 6. Chương trình đào tạo sẽ là 4 năm, sau khi tốt nghiệp được gọi là Cử nhân Y khoa. Nếu sau 4 năm không muốn học tiếp thì có thể tham gia thị trường lao động ở các vị trí không đòi hỏi kiến thức chuyên ngành sâu (Thư ký y khoa, làm các công việc hành chính tại các cơ sở y tế, cơ quan hành chính, cơ quan quản lý...). Với người muốn học tiếp ở trình độ cao hơn để nghiên cứu, hoặc hành nghề y khoa, có thể lựa chọn theo 2 hướng ở giai đoạn 2 và giai đoạn 3. - Giai đoạn 2 là đào tạo trình độ thạc sĩ và tương đương, theo khung trình độ bậc 7. Đi theo hướng nghiên cứu, người học sẽ học chương trình đào tạo thạc sĩ, trong đó có thạc sĩ y học, còn nếu đi theo hướng hành nghề thì phải học chương trình y khoa khoảng 2 năm, tốt nghiệp được gọi là bác sĩ y khoa. Những người này phải trải qua thời gian thực hành nghề nghiệp khoảng một

năm và trải qua kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề với chức danh Bác sĩ đa khoa.

- Giai đoạn 3 là đào tạo trình độ tiến sĩ và tương đương, theo khung trình độ bậc 8. Nếu đi theo hướng nghiên cứu, người có bằng thạc sĩ y học sẽ học

chương trình đào tạo tiến sĩ y học, còn đi theo hướng hành nghề, người được công nhận bác sĩ đa khoa học chương trình chuyên khoa tối thiểu khoảng 2 năm, tốt nghiệp được gọi là bác sĩ chuyên khoa.

Trước khi đề xuất đổi mới này được công nhận chính thức và đi vào thực hiện thì trước mắt, trường vẫn rất cần đi sâu vào đổi mới một số chương trình đào tạo chủ chốt theo hướng hình thành năng lực nhằm tạo ra nguồn nhân lực y tế đáp ứng mô hình bệnh tật và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam; gắn đào tạo với sử dụng nhân lực y tế, đồng thời điều chỉnh chương trình đào tạo chuyên khoa sau đại học, gắn kết quả đào tạo chuyên khoa với ngạch bậc viên chức y tế, bổ nhiệm chức vụ chuyên môn, đưa hệ đào tạo bác sĩ chuyên khoa chính thức vào hệ thống giáo dục đại học...

Để thực hiện sứ mệnh của mình trong điều kiện hiện tại, Đại học Y Hà Nội chắc chắn phải xác định song hành đồng thời cả hai mục tiêu nghiên cứu và thực hành trong hoạt động đào tạo y khoa. Việc định hướng đào tạo thực hành (khám, chữa bệnh) đồng nghĩa với yêu cầu về năng lực của cơ sở thực hành cho sinh viên y khoa và chuẩn hóa về giảng viên (nhất là đội ngũ giảng viên thỉnh giảng) cũng như khả năng tiếp nhận sinh viên. Một sự đổi mới toàn diện từ chương trình đào tạo đến học liệu, phương pháp đào tạo và nguồn nhân lực đào tạo trong thời gian tới không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu kiên định đạt tới Tầm nhìn trở thành trường đại học sức khỏe đa ngành, đa cấp, đào tạo nguồn cán bộ y tế có năng lực học tập vươn lên, tận tụy với nhiệm vụ được giao, đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe ở mọi lúc, mọi nơi. Nền tảng văn hóa và tinh thần để thực hiện sứ mệnh vươn tới tầm nhìn đó là hệ giá trị cốt lõi, được hình thành và hun đúc từ năm 1961 (khi trường Đại học Dược tách ra và Đại học Y Hà Nội tồn tại độc lập) đến nay: - Giảng viên, viên chức, sinh viên, học viên luôn tự hào về Trường Đại học Y Hà Nội, ý thức đầy đủ trách nhiệm kế thừa và phát huy truyền thống tốt

đẹp của Nhà trường.

- Giảng viên nhà trường vinh dự, nhận thức sâu sắc và tự nguyện gương mẫu hoàn thành đồng thời hai nhiệm vụ cao quý: Thầy giáo – Thầy thuốc, được cả xã hội kính trọng.

- Cán bộ viên chức nhà trường tự hào vì được góp phần quan trọng trong đào tạo đội ngũ cán bộ y tế có đức, có tài, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

- Được học tập, rèn luyện tại một đại học Y danh tiếng ở cả trong và ngoài nước là động lực thúc đẩy sinh viên, học viên liên tục phấn đấu đạt chất lượng tốt nhất, có năng lực để phát triển lâu dài, bền vững.

- Với niềm vinh dự và tự hào được làm việc, học tập dưới mái Trường Đại học Y Hà Nội, các thế hệ giảng viên, viên chức, sinh viên, học viên nỗ

lực phấn đấu, góp phần nâng cao vị thế của một trường trọng điểm quốc gia được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Cũng như nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới và Việt Nam, tình cảm, niềm tự hào và lòng tự tôn về mái trường nơi mình được đào tạo và cống hiến, cảm hứng say mê nghề nghiệp và tinh thần dấn thân, cống hiến được xác định là tài sản tinh thần quý báu, làm nên sức mạnh trường tồn trong lịch sử xây dựng và trường thành của nhà trường. Bài học trong quản trị nhân lực nói chung và quản trị nhân lực đào tạo nói riêng từ kinh nghiệm của Đại học Y Hà Nội qua nhiều giai đoạn phát triển cho thấy, “chất keo” kết dính sự gắn bó, sự đoàn kết và đồng thuận trong chủ chương và hành động của tập thể sư phạm đó là, Đại học Y Hà Nội đã luôn chú trọng trong xây dựng văn hóa nhà trường, với điểm cốt yếu là tạo được niềm tin vào sự nghiệp chung, tạo được sự đoàn kết nhất trí giữa tập thể lãnh đạo nhà trường với giảng viên, người lao động, kết hợp với đồng thuận, tạo sự chia sẻ của sinh viên, học viên, và nhất là có sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ sở khám chữa bệnh đối với hoạt động giảng dạy đã làm nên thương hiệu Đại học Y Hà Nội. Giữ gìn “Ngọn lửa truyền thống Đại học Y Hà Nội” qua từng thế hệ, trao truyền cho các thế hệ tiếp nối để thắp sáng mãi và phát huy đến ngày nay chính là báu vật linh thiêng trong “tâm hồn nhà trường”, nó được lan tỏa và thu hút sự tham gia cống hiến của lớp lớp giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng, tạo cho đội ngũ giảng viên nói chung một diện mạo với nhiều nét đặc thù cả về thành tích công tác cũng như tiềm năng và năng lực cống hiến so với đội ngũ giảng viên các cơ sở giáo dục đại học khác ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thể chế quản lý giảng viên thỉnh giảng trong các trường đại học từ thực tiễn trường đại học y hà nội (Trang 52 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)