Mê Linh là huyện nằm ở phía Bắc của thành phố Hà Nội. Huyện có diện tích đất tự nhiên 14.251 ha, dân số xấp xỉ 193.727 người, có 16 xã và 2 thị trấn. Huyện đang trong quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nhanh. Mê Linh cũng là huyện đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng chung quy hoạch đô thị Mê Linh đến năm 2020 (tại Quyết định số 208/2004/QĐ-TTg ngày 13/12/2004). Đây là điều kiện cơ bản để huyện Mê Linh phát triển kinh tế - xã hội.
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong huyện đã nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tốc độ phát triển kinh tế hàng năm tăng 20,8%, trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng 25,1%/năm, dịch vụ tăng trên 15,6%/năm, nông nghiệp tăng 1,7%/năm. Cơ cấu các ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp - xây dựng - nông nghiệp - dịch vụ. Thu ngân sách tăng cao (bình quân tăng 42,9%/năm). Chi ngân sách tăng bình quân mỗi năm 33%, trong đó thực hiện chi ngân sách tiết kiệm, ưu tiên chi đầu tư phát triển, có trọng tâm, trọng điểm, đúng chương trình mục tiêu. Huyện đã thu hút được 339 dự án, tổng diện tích đất được phê duyệt là 2.334 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 39 nghìn tỷ đồng, trên 363 triệu USD. Đến nay, huyện đã thu hồi được 627 ha đất, giao cho 203 dự án, hầu hết các dự án được giao đất đã đi vào sản xuất.
Lĩnh vực văn hoá – xã hội được huyện quan tâm, đầu tư. Các trường học được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hoá, xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia; chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục toàn diện có tiến bộ. Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao (có 15 Trạm xá xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia). Thực hiện tốt các chính sách xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo: Bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho 2.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 1,27%. Toàn huyện đã xây dựng được được 499 nhà Đại đoàn kết và nhà cho hộ nghèo, sửa chữa và xây
mới 175 nhà tình nghĩa với kinh phí trên 6,1 tỷ đồng. Hệ thống các thiết chế văn hoá từ huyện đến cơ sở từng bước được quan tâm đầu tư. Năm 2010, 80% gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hoá, tăng 7% so với năm 2005; số làng, tổ dân số văn hoá ước đạt 67%, tăng 16% so với năm 2005.
Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm, chỉ đạo. Tỷ lệ giải quyết đơn thư của công dân cấp huyện và cấp xã đạt trên 80%. Các vụ việc phức tạp, đông người đã được xử lý kịp thời vì vậy không tạo thành các "điểm nóng". An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh nông thôn cơ bản ổn định.
Để phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong những năm tới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010 – 2015) đã thông qua 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá.
Với truyền thống đoàn kết, thống nhất, với phương châm “Đổi mới và trách nhiệm”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh quyết tâm phấn đấu, hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra.
Xuất phát từ các đặc điểm kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục… ở huyện Mê Linh đã có tác động không nhỏ tới việc thực hiện pháp luật nói chung và thực hiện pháp luật về hộ tịch nói riêng.
Nhìn chung, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch được quan tâm, đầu tư thích đáng. Trình độ dân trí ngày một nâng cao, do đó các quy định của pháp luật được người dân thực hiện khá nghiêm túc.
Thực hiện pháp luật của công dân cùng một lúc chịu sự tác động theo những mức độ, tần suất khác nhau của rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, các nhân tố kinh tế và phi kinh tế. Xã hội không chỉ là sự vận hành của hệ thống kinh tế mà còn là một tổng thể phức hợp của các mối quan hệ đa dạng, sự tương tác lẫn nhau của các nhân tố kinh tế và nhân tố phi kinh tế, kinh tế và văn hóa. Các nhân tố phi kinh tế tác động đến pháp luật trong một chỉnh hợp thống nhất và đa dạng, đan xen nhau. Mỗi một hành vi của cá nhân có thể cùng lúc chịu sự điều chỉnh của các yếu tố đạo đức, pháp luật, phong tục, tập quán, lối sống, tâm lý; tôn giáo, tín ngưỡng, đoàn thể mà cá nhân đó là thành viên. Các yếu tố tác động đến THPL của công dân rất đa dạng, bao gồm: các yếu tố cơ bản như: điều
kiện kinh tế, chính trị, văn hoá; đạo đức; phong tục, tập quán, nghệ thuật, các loại quy tắc xã hội khác; yếu tố lợi ích; thói quen, nếp nghĩ, lối sống; hệ thống chính sách, pháp luật; thái độ, cách thức phục vụ, thực thi pháp luật của các cơ quan và cá nhân công quyền; khả năng tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý; điều kiện và môi trường tự nhiên; địa lý; khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng; kỹ thuật, khoa học và công nghệ; tâm sinh lý; tính cách; lối sống, lối tư duy... Do địa bàn huyện Mê Linh đang trong quá trình phát triển công nghiệp hóa đan xen giữa tư duy nông nghiệp và công nghiệp mà phần lớn là nông nghiệp nên trình độ văn hóa của người dân còn thấp, Ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, nhất là đối với lĩnh vực hộ tịch người dân chưa hiểu được tầm quan trọng của các giấy tờ hộ tịch nên hay làm mất các loại giấy tờ này, đến khi cần đến thì không đáp ứng được các quy định của pháp luật để cấp lại thì lại gây rối mất trật tự và cho rằng cán bộ gây khó dễ. Bên cạnh đó, địa bàn huyện Mê Linh đang trong quá trình công nghiệp hóa, phần lớn thanh niên trong độ tuổi lao động đều đi làm công nhân tại các khu công nghiệp, do vậy, các thủ tục hành chính được ủy quyền cho ông bà đi làm. Những người này do lớn tuổi nhận thức và hiểu biết của họ không đáp ứng được yêu cầu, thậm chí một số người đi làm thủ tục khai sinh cho cháu không thể viết được tờ khai vì ít chữ, mắt kém… cán bộ hướng dẫn nhiều lần vẫn không làm được gây tâm lý khó chịu và mất thời gian, ảnh hưởng đến việc giải quyết các hồ sơ cho công dân khác.
Để cho các quy định, các nguyên tắc của pháp luật được thực hiện, được tôn trọng trong cuộc sống cần phải áp dụng hàng loạt biện pháp cần thiết. Nhưng để đưa ra những giải pháp cần thiết thì cần phải nhận diện được các yếu tố tác động đến thực hiện pháp luật của mỗi cá nhân, đến những hành vi hợp pháp, hành vi vi phạm pháp luật của họ. Quy định pháp luật không thể tự động hóa thực hiện theo kiểu "mệnh lệnh - phục tùng" hay chỉ đơn thuần dựa vào sự áp chế của các chế tài pháp luật.
Con người ta không thể nhớ hết, biết hết các quy định pháp luật song nếu hiểu được sự cần thiết của chúng cùng với lối sống phù hợp đạo đức, ý thức trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng, họ sẽ tự kiềm chế gây ra những hành vi vi phạm pháp luật. Điều quan trọng trong giáo dục, phổ biến pháp luật do vậy
chính là việc làm sao nâng cao được khả năng nhận thức pháp lý và gây dựng được tình cảm, niềm tin pháp lý ở mỗi cá nhân. Nếu để người dân thờ ơ trước pháp luật thì khó lòng tạo dựng một tình cảm, thái độ đúng đắn đối với pháp luật và việc thực hiện các hành vi hợp pháp. Giáo dục để hình thành sự tôn trọng pháp luật ở mọi nơi, mọi lúc.