Những yếu tố ảnh hưởng đến vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của hội liên hiệp phụ nữ trong quản lý nhà nước, từ thực tiễn huyện krông pắk, tỉnh đắk lắk (Trang 30 - 35)

Việt Nam trong quản lý nhà nước

1.4.1. Hệ thống thể chế, chính sách

Thể chế là tập hợp những quy tắc chính thức, các quy định không chính thức hay những nhận thức chung có tác động kìm hãm, định hướng hoặc chi phối sự tương tác của các chủ thể chính trị với nhau trong những lĩnh vực nhất định”. [24].

Nói một cách khác, thể chế được hiểu là những nguyên tắc xác định mối quan hệ giữa xã hội và các thành viên trong xã hội. Xét về hình thức, thể chế được biểu hiện ở các loại hình cơ bản như sau: thể chế chính trị, thể chế kinh tế và thể chế văn hóa, hay có thể hiểu là các thể chế trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa.

+ Thể chế chính trị là loại hình chế độ, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước mà mỗi quốc gia lựa chọn để quyết định xây dựng những quy định, luật lệ cho một chế độ xã hội mà chính phủ nước đó sử dụng để quản lý xã hội.

+ Thể chế kinh tế là hệ thống những quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh các chủ thể kinh tế, các hành vi sản xuất kinh doanh và các quan hệ kinh tế. Thể chế kinh tế bao gồm các yếu tố chủ yếu: các đạo luật, luật lệ, quy định, quy tắc,… về kinh tế gắn với các chế tài xử lý vi phạm; các tổ chức kinh tế; cơ chế vận hành nền kinh tế.

+ Thể chế văn hóa là các quy định của luật pháp về tổ chức, hoạt động của các tổ chức xã hội trong các lĩnh vực như văn hóa nghệ thuật, báo chí, y tế, giáo dục đào tạo, thể thao du lịch…

Như đã phân tích ở trên, hoạt động quản lý nhà nước là hoạt động quản lý trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Do đó, khi có sự thay đổi về thể chế tất yếu sẽ làm thay đổi vai trò của Hội LHPN trong quản lý Nhà nước.

“Chính sách được hiểu là định hướng, giải pháp của nhà nước để giải quyết các vấn đề của thực tiễn nhằm đạt được mục tiêu nhất định”. [7]. Trong khi đó, vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay là việc tham gia QLNN của Hội LHPN bên cạnh đạt được những kết quả đáng ghi nhận, vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Để giải quyết được vấn đề này cần có những chính sách thiết thực, phù hợp. Tuy nhiên, để ban hành được chính sách hiệu quả, tác động tích cực đến vai trò tham gia QLNN của Hội LHPN đòi hỏi nhiều yếu tố khác

như: khả năng hoạch định chính sách của nhà hoạch định chính sách, nhận thức của đối tượng chịu sự tác động của chính sách, các điều kiện để hỗ trợ việc thực thi chính sách…

1.4.2. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về công tác phụ nữ

Hội LHPN Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ những ngày đầu thành lập đến nay, Đảng luôn quan tâm đến phụ nữ và công tác phụ nữ, quan điểm của Đảng về giải phóng phụ nữ, công tác phụ nữ cũng như vai trò của Hội LHPN được thể hiện nhất quán và xuyên suốt qua các thời kỳ. Có thể thấy từ khi có Đảng, phụ nữ được quan tâm, dìu dắt, động viên nên ngày càng tiến bộ, được hưởng các quyền bình đẳng về kinh tế, văn hóa, chính trị trong xã hội. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, các cấp ủy Đảng càng phải quan tâm lãnh đạo, phát huy vai trò của các cấp Hội LHPN trong việc đoàn kết, tập hợp, giáo dục để các tầng lớp phụ nữ ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, phát huy những truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Hội LHPN Việt Nam tuy không phải là một cơ quan trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước nhưng có vị trí, vai trò nhất định trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực bằng việc phối hợp với các bộ, ngành, UBND các cấp; là cầu nối liên hệ giữa các tầng lớp phụ nữ với Đảng và Nhà nước, giữ vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ; mà hạt nhân lãnh đạo công tác phụ nữ là các cấp ủy Đảng; trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Do đó, các cấp ủy Đảng và cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm hơn nữa tới Hội LHPN để nâng cao vai trò của các cấp Hội LHPN trong quản lý nhà nước.

1.4.3. Năng lực của đội ngũ cán bộ Hội LHPN Việt Nam

Đội ngũ cán bộ luôn là một yếu tố quan trọng trong hoạt động của bất kỳ cơ quan/tổ chức nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc” đã từng nói “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém”. Tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ vẫn luôn được Đảng ta quán triệt, vận dụng trong quá trình lãnh đạo. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ thể hiện rất rõ quan điểm của Đảng ta về công tác cán bộ.

Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. [8].

Do đó, đội ngũ cán bộ Hội là yếu tố then chốt xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Hội LHPN các cấp có đội ngũ cán bộ, công chức hùng hậu, đa dạng từ Trung ương đến cơ sở. Nếu đội ngũ cán bộ Hội này có trình độ cao, có kinh nghiệm thực tế, có uy tín với hội viên, phụ nữ; đồng thời có kiến thức sâu rộng về pháp luật, lý luận chính trị, quản lý nhà nước sẽ là một yếu tố thuận lợi đối với Hội trong việc tham gia quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, hiện nay Hội LHPN Việt Nam tuy có lực lượng cán bộ Hội đông đảo, nhưng năng lực còn hạn chế. Khắc phục được vấn đề này, tất yếu sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công tác Hội nói chung, vai trò tham gia QLNN nói riêng.

1.4.4. Tài chính và cơ sở vật chất, kỹ thuật

Là một tổ chức chính trị - xã hội với chức năng, nhiệm vụ như đã phân tích ở trên, các cấp Hội LHPN Việt Nam hoạt động chủ yếu dựa trên nguồn tài chính từ Ngân sách Nhà nước. Ngân sách Nhà nước cấp cho các cấp Hội hằng năm dựa trên dự toán Ngân sách hằng năm, bao gồm tiền lương cán bộ, công chức, chi phí hành chính, chi phí thực hiện các hoạt động phong trào, các hoạt động trong khuôn khổ các chương trình mục tiêu quốc gia, kinh phí xây dựng cơ bản…

Một nguồn kinh phí khác của Hội là hội phí. Hiện nay, theo quy định tại Điều lệ Hội LHPN Việt Nam khóa XII, hội phí của Hội là 1.000 đồng/hội viên/tháng. Hội phí được sử dụng cho các hoạt động phong trào, đặc biệt là cho công tác khen thưởng hằng năm của Hội.

Bên cạnh nguồn Ngân sách Nhà nước và hội phí, bằng sự năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, các cấp Hội còn có thêm một số nguồn kinh phí khác hỗ trợ cho Hội trong việc tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ công tác Hội như: kêu gọi sự hỗ trợ, đầu tư từ các chương trình, dự án quốc tế, dự án phi chính phủ do các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ, kinh phí từ việc phối hợp cung cấp các dịch vụ xã hội (phối hợp với các Nhà cung cấp Viettel, Vinaphone… bán sim điện thoại, phối hợp với Bảo hiểm xã hội bán Bảo hiểm y tế; phối hợp với Bưu điện bán các mặt hàng gia dụng…); phí ủy thác từ hoạt động ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn…

Các nguồn lực tài chính này giúp cho Hội có thể triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, trong đó có việc tham gia quản lý nhà nước.

1.4.5. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và quá trình hội nhập quốc tế

Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 đang có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, mọi tầng lớp Nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Hội LHPN.

Bên cạnh những tác động tích cực, mang lại nhiều cơ hội phát triển, Việt Nam ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như: Chuyển biến chậm trong nhận thức về địa vị phụ nữ (xã hội, gia đình, cơ quan, nhà trường…), định kiến xã hội, vấn nạn bạo lực, quản lý Internet... Đội ngũ lao động nữ chủ yếu là lao động giản đơn, trình độ tay nghề thấp, lương thấp, việc làm không ổn định…

Do đó để nâng cao vai trò tham gia quản lý nhà nước, các cấp Hội LHPN cần không ngừng vận động, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để phù hợp với sự phát triển của xã hội, gắn phong trào hoạt động của Hội với công tác hội nhập, phát triển bền vững của đất nước; ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động công tác Hội; phát huy sức mạnh mềm của phụ nữ; chủ động đào tạo và nâng cao năng lực nguồn nhân lực nữ tại các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp…

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của hội liên hiệp phụ nữ trong quản lý nhà nước, từ thực tiễn huyện krông pắk, tỉnh đắk lắk (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)