a) Những vấn đề chung về đấu thầu hàng hoá
- Đấu thầu hàng hoá là quá trình lựa chọn nhà thầu dáp ứng được các yêu cầu về giá cả, điều kiện kinh tế, kỹ thuật do bên mời thầu đặt ra trên cơ sở cạnh tranh giữa các nhà thầu. Đặc biệt khi hàng hoá là thiết bị trong những dự án đầu tư có quy mô lớn, việc tổ chức đấu thầu càng trở nên cần thiết nhằm tận dụng các ưu điểm của cạnh tranh và hạn chế tư lợi thông qua móc ngoặc, hối lộ,.. khi giao kết hợp đồng. Chính vì vậy, đối với những dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước với một quy mô nhất định, việc mua sắm
thiết bị bắt buộc phải được tiến hành thông qua đấu thầu. Những quy định về đấu thầu được ghi nhận tại Luật thương mại (điều 141-162), luật đấu thầu.
- Bên mời thầu: là chủ sở hữu vốn hoặc người được giao quyền sử dụng vốn để mua hàng hoá. Bên dự thầu (nhà thầu): là thương nhân Việt nam hoặc thương nhân nước ngoài có đủ điều kiện để tham gia đấu thầu nhằm cung cấp hàng hoá cho bên mời thầu theo pháp luật Việt nam.
• Phân loại:
- Dựa vào hình thức lựa chọn nhà thầu:
+ Đấu thầu rộng rãi: là hình thức mà bên mời thầu không hạn chế số lượng các bên dự thầu và thông báo công khai các điều kiện dự thầu trên các phương tiện thông tin đại chúng.
+ Đấu thầu hạn chế: là hình thức mà bên mời thầu chỉ mưòi một số bên có điều kiện tốt nhất tham gia dự thầu.
- Dựa vào quốc tịch của nhà thầu: + Đấu thầu trong nước
+ Đấu thầu quốc tế: dựa trên nguyên tắc ưu đãi nhà thầu trong nước, bên mời thầu chỉ được tổ chức đấu thầu quốc tế trong các trường hợp sau: (i) các gói thầu không có hoặc chỉ có một nhà thầu trong nước đáp ứng được yêu câu, (ii) các dự án sử dụng nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế hoặc của nước ngoài quy định trong hiệp định phải đấu thầu quốc tế.
- Dựa vào phương thức áp dụng đấu thầu
+ Đấu thầu một giai đoạn và đấu thầu hai giai đoạn (sơ tuyển các bên dự thầu). Nếu tiến hành hai giai đoạn thì: (i) Giai đoạn 1: các bên dự thầu đề xuất về kỹ thuật và phương án tài chính sơ bộ (chưa có giá). Trong giai đoạn này bên mời thầu có thể xem xét và đàm phán với từng nhà thầu nhằm hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, tài chính để các nhà thầu chính thức chuẩn bị và nộp đề xuất kỹ thuật của mình. (ii) Giai đoạn 2: Bên mời thầu mời các nhà thầu đã tham gia trong giai đoạn 1 nộp đề xuất kỹ thuật đã được bổ sung trên cùng một mặt bằng kỹ thuật và các đề xuất khác, ví dụ điều kiện tài chính, tiến độ thực hiện, điều kiện hợp đồng, giá bỏ thầu để đánh giá và xếp hạng.
+ Đấu thầu một túi hồ sơ, đấu thầu hai túi hồ sơ. (i) Khi dự thầu theo phương thức đấu thầu một túi hồ sơ, nhà thầu cần nộp những đề xuất về kỹ thuật, tài chính, giá bỏ thầu, điều kiện hợp đồng vào một túi hồ sơ chung. Các điều kiện này được đánh giá và xếp hạng trong giai đoạn mở thầu. (ii) Khi dự thầu theo phương thức đấu thầu hai túi hồ sơ, các đề xuất về kỹ thuật, tài chính được nộp vào những túi hồ sơ riêng vào cùng một thời điểm. Khi mở thầu, túi hồ sơ đề xuất kỹ thuật sẽ được xem xét trước để đánh giá, xếp hạng. Nhà thầu được xếp hạng nhất về kỹ thuật sẽ được xem xét tiếp túi hồ sơ đề xuất về tài chính. Nếu nhà
thầu không đáp ứng được yêu cầu tài chính và điều kiện hợp đồng, bên mời thầu mời nhà thầu tiếp theo để xem xét.
+ Chào hàng cạnh tranh: là hình thức đấu thầu đơn giản, được áp dụng đối với những gói thầu mua sắm vật tư thiết bị có quy mô nhỏ, không phức tạp. Mỗi gói thầu phải có ít nhất 3 bản chào giá của 3 nhà thầu khác nhau trên cơ sở yêu cầu của bên mời thầu. Nhà thầu đáp ứng yêu cầu và có giá thấp nhất sẽ được xem xét để giao kết hợp đồng.
b) Quy trình tổ chức đấu thầu
- Mời thầu và dự thầu: Việc tiến hành mời thầu do chủ sở hữu vốn hoặc người được giao quyền sử dụng vốn để mua hàng quyết định. Trong trường hợp sử dụng vốn của nhà nước để mua hàng, dưới nhàng điều kiện nhất định được quy định tại Quy chế quản lý dầu tư và xây dựng ban hành theo Nghị định số 52/2999/NĐ-CP ngày 08/07/1999 được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 12/2000/NĐ-CP (Công báo, 2000, số 21, tr1403) việc tổ chức đấu thầu trở thành bắt buộc. Theo các quy định đó, các dự án sử dụng vốn nhà nước đều phải tổ chức đấu thầu, trừ những dự án sau: (i) dự án có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm, (ii) dự án có tính chất cấp bách do thiên tai địch hoạ, (iii) dự án có tính chất bí mật quốc gia, an ninh quốc ôhngf, (iv) dự án có giá trị nhỏ, (vi) những dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Nếu sử dụng nguồn vốn nhà nước, bên mời thầu phải chuẩn bị các hồ sơ sau: (i) văn bản quyết định đầu tư hoặc giấy phép đầu tư của cấp có thẩm quyền (ii) kế hoạch đấu thầu đã được phê duyệt, (iii) hồ sơ mời thầu bao gồm: (1) thông báo mời thầu, (2) mẫu đơn dự thầu, (3) các yêu cầu về số lượng, chất lượng, quy cách, công dụng của hàng hoá, (4) điều kiện và tiến độ giao hàng, (5) các điều kiện về tài chính, thương mại, hình thức thanh toán, (6) mẫu hợp đồng đấu thầu, (7) mẫu ký quỹ dự thầu, (8) mẫu ký quỹ bảo đảm thực hiện hợp đồng, (9) những điều kiện khác liên quan đến việc đấu thầu.
Việc thông báo mời thầu phải phù hợp với hình thức đấu thầu. Đối với đấu thầu hạn chế, bên mời thầu thường gửi thư mời thầu đến từng bên dự thầu trong danh sách mời thầu đã được duyệt. Đối với đấu thầu rộng rãi, nội dung thông báo mời thầu cần được phát hành rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng tuỳ theo quy mô và tính chất của gói thầu. Thông báo mời thầu gồm các nội dung chủ yếu sau: (i) tên, địa chỉ của bên mời thầu, (ii) mô tả tóm tắt về số lượng, chất lượng, quy cách, công dụng của hàng hoá đấu thầu, (iii) điều kiện dự thầu, (iv) thời hạn, địa điểm, thủ tục nhận hồ sơ mời thầu, (v) thời hạn, địa điểm, thủ tục nộp hồ sơ dự thầu, (vi) những chỉ dẫn để tìm hiểu hồ sơ mời thầu.
Bên dự thầu là thương nhân có đủ những điều kiện sau: (i) có ngành nghề kinh doanh phù hợp với ngành hàng đấu thầu, (ii) đủ năng lực chuyên môn và điều kiện tài chính để dự thầu, (iii) có hồ sơ dự thầu hợp lệ, đúng yêu cầu mà bên mời thầu đưa ra, chỉ được tham gia một đơn dự thầu trong một gói thầu, dù đơn phương hay liên danh dự thầu.
Hồ sơ dự thầu phải được niêm phong, nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện theo địa chỉ và thời gian quy định trong hồ sơ mời thầu. Nếu hồ sơ dự thầu được gửi tới bên mời thầu sau thời hạn nộp thầu cuối cùng đã được ấn định thì hồ sơ đó được coi là không hợp lệ và được gửi trả lại cho nhà thầu theo nguyên trạng. Thời hạn nộp thầu do bên mời thầu quy định.
Để dự thầu, nhà thầu phải nộp một khoản tiền ký quỹ hay còn gọi là bảo đảm dự thầu khi nộp hồ sơ dự thầu. Khoản tiền này do bên mời thầu quy định, song không được vượt quá 3% tổng giá trị ước tính của hàng hoá đấu thầu. Nếu không trúng thầu, tiền ký quỹ sẽ được trả lại cho bên dự thầu. Bên dự thầu không được nhận lại tiền ký quỹ nếu: (i) trúng thầu song từ chối không ký kết hợp đồng, không thực hiện hợp đồng, (ii) rút đơn dự thầu sau thời điểm đóng thầu, (iii) vi phạm nghiêm trọng các quy định trong quy chế đấu thầu.
- Mở thầu, xếp hạng và xét chọn nhà thầu: Những hồ sơ dự thầu nôp đúng hạn được bên mời thầu tiếp nhận và quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ mật. Mở thầu là thủ tục mở hồ sơ dự thầu tại thời điểm đã được ấn định trước, thường là ngay sau khi đóng thầu hoặc muộn nhất là 48g sau thời điểm hết hạn nộp thầu. Đây là một thủ tục công khai, thường với sự có mặt của đại diện cơ quan chính quyền địa phương, các bên dự thầu có quyền tham dự mở thầu.
Để lựa chọn nhà thầu có điều kiện tốt nhất, các hồ sơ dự thầu được đánh giá và so sánh theo các tiêu chí sau: (i) năng lực tài chính, chuyên môn và kinh nghiệm của bên dự thầu, (ii) kỹ thuật, (iii) giá cả, (iv) thời gian thực hiện, (v) chuyển giao công nghệ, (vi) đào tạo, (vii) các tiêu chuẩn cần thiết khác. Các tiêu chuẩn trên được đánh giá bằng phương pháp cho điểm trên thang điểm (theo hệ thống điểm 100 hoặc 1000 điểm đã ấn định trước khi mở thầu), trong đó thông thường ba tiêu chuẩn chính (năng lực, kỹ thuật, giá cả) chiếm ít nhất 65% tổng số điểm.
Căn cứ vào kết quả đánh giá tổng hợp các hồ sơ dự thầu được xếp hạng, nhà thầu có số điểm cao nhất là nhà trúng thầu, ngoại trừ các quy định ưu tiên cho nhà Việt Nam. Theo quy định này, khi các bên dự thầu Việt Nam và nước ngoài có số điểm ngang nhau thì ưu tiên cho bên dự thầu Việt Nam. Khi hai nhà thầu nước ngoài có số điểm ngang nhau thì ưu tiên nhà thầu cam kết ký hợp đồng thầu phụ với các nhà thầu phụ Việt Nam.
Khi tất cả các hồ sơ dự thầu đều không đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu hoặc có bằng chứng cho thấy các nhà thầu có sự liên kết, thông đồng tiêu cực tạo nên sự thiếu cạnh tranh trong đấu thầu, bên mời thầu có thể xem xét huỷ kết quả đấu thầu và tổ chức đấu thầu lại
- Công bố trúng thầu và giao kết hợp đồng. Bên mời thầu thông báo kết quả trúng thầu tới bên dự thầu trúng thầu kèm theo bản dự thảo hợp đồng mua bán hàng hoá. Trong trường hợp mua sắm thiết bị bằng nguồn vốn nhà nước, bên mời thầu chỉ được công bố kết quả đấu
thầu và thương thảo ký kết hợp đồng sau khi có văn bản phê duyệt của người có thẩm quyền quyết định đầu tư.
Sau khi nhận được thông báo trúng thầu, nhà thầu trúng thầu phải gửi cho bên mời thầu thông báo chấp nhận thương thảo hợp đồng mua bán hàng hoá và nộp tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện hợp đồng. Sau khi nhận được tiền ký quỹ thực hiện hợp đồng, bên mời thầu hoàn trả lại tiền ký quỹ dự thầu cho bên dự thầu trúng thầu