Đầu tư xây dựng là hoạt động có tính liên ngành. Quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng là công tác phức tạp nhưng là yêu cầu khách quan, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng.
Khái niệm quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng liên quan đến nhiều khái niệm khác như: khái niệm quản lý, quản lý nhà nước, quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, những khái niệm này đã được nhiều công trình khoa học nghiên cứu, để có tính hệ thống, luận văn này chỉ khái quát những nội dung cơ bản của các khái niệm này.
Hoạt động quản lý bắt nguồn từ sự phân công, hợp tác lao động, nảy sinh khi cần có nỗ lực tập thể để thực hiện mục tiêu chung. Quản lý diễn ra ở mọi tổ chức, từ phạm vi nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp. Trình độ xã hội hóa càng cao thì yêu cầu quản lý càng cao và vai trò của nó càng tăng lên.
Theo “Đại Từ điển tiếng Việt” thì quản lý được hiểu: “1. Tổ chức, điều khiển hoạt động của một số đơn vị, một cơ quan ”, “2. Trông coi, giữ gìn và theo dõi việc gì ” [57, tr. 1363]. Còn theo “Từ điển bách khoa Việt Nam 3” thì quản lý được hiểu là “chức năng và hoạt động của hệ thống có tổ chức thuộc các giới khác nhau (sinh học, kỹ thuật, xã hội), bảo đảm giữ gìn một cơ cấu ổn định nhất định, duy trì sự hoạt động tối ưu và bảo đảm thực hiện những chương trình và mục tiêu của hệ thống đó ” [37, tr.580].
Như vậy, có thể thấy rằng, thuật ngữ “quản lý” có nhiều cách diễn đạt khác nhau tuỳ theo góc độ tiếp cận. Theo nghĩa chung, quản lý là sự tác động có mục đích của chủ thể vào các đối tượng quản lý nhằm đạt được các mục tiêu quản lý đã đề ra. Theo điều khiển học, “quản lý là điều khiển, chỉ đạo một hệ thống hay một quá trình, căn cứ vào những quy luật, định luật hay nguyên tắc tương ứng để cho hệ thống hay quá trình ấy vận động theo ý muốn của người quản lý nhằm đạt được những mục đích đã định trước” [59].
Các Mác đã viết: “quản lý là một chức năng đặc biệt nảy sinh từ bản chất xã hội của quá trình lao động” [59] và để nhấn mạnh nội dung này, ông viết:
Tất cả mọi lao động xã hội trực tiếp hay lao động chung nào tiến hành trên quy mô tương đối lớn, thì ít nhiều cũng đều cần đến một sự chỉ đạo để điều hoà những hoạt động cá nhân và thực hiện những chức năng chung... Một người độc tấu vĩ cầm tự mình điều khiển lấy mình, còn một dàn nhạc thì cần phải có nhạc trưởng [59].
Tóm lại, từ những phân tích nêu trên, có thể hiểu quản lý là hoạt động nhằm tác động có mục đích của chủ thể quản lý vào đối tượng quản lý bằng hệ thống công cụ, phương tiện, cơ chế khác nhau nhằm duy trì tính ổn định và đạt được mục tiêu quản lý đã đặt ra, phù hợp với quy luật vận động khách quan của xã hội.
Quản lý nhà nước là một bộ phận quản lý xã hội, mang quyền lực nhà nước, do nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Theo nghĩa rộng, quản lý nhà nước là hoạt động của nhà nước trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm thực hiện các chức năng đối nội và đối ngoại của nhà nước. Theo nghĩa hẹp, quản lý nhà nước là hoạt động được thực hiện chủ yếu bởi các cơ quan hành chính nhà nước nhằm tổ chức đời sống xã hội theo hiến pháp và pháp luật.
Quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng là quản lý nhà nước bằng pháp luật về một lĩnh vực cụ thể. Do đó, từ khái niệm quản lý nhà nước, có thể hiểu quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng là hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trên cơ sở hiến pháp, pháp luật tác động đến đối tượng quản lý thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng, nhằm bảo đảm cho đầu tư xây dựng đạt được mục tiêu quản lý đã đề ra.