DƯỠNG CÁN BỘ ĐOÀN CẤP XÃ
1.2.1. Các yếu tố khách quan
1.2.1.1. Quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và của các cấp bộ Đoàn về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp xã
Chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp xã là tổng thể những chủ trương, nghị quyết, quy định pháp lý của Đảng, Nhà nước và những nghị quyết, đề án của các cấp bộ Đoàn có tính nhất quán, thể hiện thái độ, quan điểm của Đảng, Nhà nước, các cấp bộ Đoàn trong việc khuyến khích, thúc đẩy hoặc hạn chế hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ Đoàn nói chung và đội ngũ cán bộ Đoàn cấp xã nói riêng.
Chính sách cán bộ Đoàn trong đó có chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp xã là tổng thể các quan điểm, các nguyên tắc và các quy định thể hiện trong các văn bản của Đảng, Nhà nước và các cấp bộ Đoàn nhằm điều chỉnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn, phù hợp với hoàn cảnh khách quan và những mục tiêu của Đảng, Nhà nước và tổ chức Đoàn Thanh niên trong mỗi thời kỳ lịch sử.
Thời gian qua, đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, đề án của Đảng, Nhà nước và của Trung ương Đoàn liên quan đến công tác cán bộ Đoàn, trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo hành lang pháp lý, chính sách về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp xã.
Nghị quyết số 26, Hội nghị Trung ương 7, khóa XII xác định chỉ tiêu Đến năm 2025: “Xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn
chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định”. Đến năm 2030: “ Đối với cán bộ chuyên trách cấp xã: 100% có trình độ cao đẳng, đại học và được chuẩn hoá về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác” [21].
Điều 17, Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quy định: “Hằng năm, khi lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cấp uỷ đảng, tập thể lãnh đạo có trách nhiệm dành tỉ lệ phù hợp đối với cán bộ đoàn. Ban thường vụ đoàn các cấp thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện cho cán bộ đoàn theo quy định của Ban Bí thư Trung ương Đoàn; tích cực phát hiện, tạo nguồn từ cán bộ Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; có trách nhiệm giới thiệu cán bộ đoàn với cấp uỷ đảng để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo quy hoạch. Cán bộ đoàn chủ động đề xuất việc học tập nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học của mình để cấp uỷ đảng, tập thể lãnh đạo xem xét, giải quyết, tạo điều kiện cho đi học và có kế hoạch bố trí, sắp xếp công tác” [1].
Quyết định số 2264/QĐ-TTg ngày 16/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2020 xác định mục tiêu là: “Nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng và phương pháp công tác cho Bí thư Đoàn cấp cơ sở, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng công tác chuyên môn” [23].
Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2025 xác định mục tiêu:“Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước và hội
nhập quốc tế” [24].
Quyết định số 1071-QĐ/TWĐTN-HVTTNVN ngày 25/2/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn ban hành các chương trình bồi dưỡng cán bộ Đoàn theo nghiệp vụ công tác, trong đó, các chương trình bồi dưỡng cán bộ Đoàn theo nghiệp vụ công tác bao gồm: Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo, công tác Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, công tác Hội Sinh viên Việt Nam, công tác Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh [2].
Quyết định số 130-QĐ/TWĐTN-BTC ngày 25/10/2018 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn ban hành Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Hội, Đội giai đoạn 2018 - 2022” [3].
1.2.1.2. Những nguồn lực cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp xã
Những nguồn lực dành cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp xã bao gồm: các thể chế, chính sách của Đảng và Nhà nước; kinh phí, các điều kiện về cơ sở vật chất cần thiết để thực hiện.
Chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp xã là tổng thể các quan điểm, các nguyên tắc và các quy định thể hiện trong các văn bản của Đảng, Nhà nước, của Trung ương Đoàn nhằm điều chỉnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp xã, những quyền lợi và nghĩa vụ của cán bộ Đoàn cấp xã khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với hoàn cảnh khách quan và những mục tiêu của Đảng, Nhà nước trong mỗi thời kỳ lịch sử. Chính sách của Đảng và Nhà nước, là nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới hoạt động đào tạo, bồi dưỡng bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp xã. Các chính sách ưu tiên, động viên, khuyến khích sẽ thúc đẩy các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng bồi dưỡng. Do đó, cũng thúc đẩy cán bộ Đoàn cấp xã tích cực tham gia học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực công tác. Ngoài ra còn một số các chính sách mang tính chất bắt buộc phải
tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.
Nguồn ngân sách dành cho đào tạo, bồi dưỡng gồm có ngân sách nhà nước, nguồn đóng góp của người học, nguồn hỗ trợ của các chương trình, dự án, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều kiện cơ sở vật chất (trường, lớp) là yếu tố cần thiết có tác động tích cực hoặc hạn chế tới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp xã. Cơ sở vật chất tốt là điều kiện thuận lợi cho đào tạo, bồi dưỡng và ngược lại nếu trường, lớp không tốt hoặc không có thì hạn chế rất lớn đối với các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.
Giảng viên là yếu tố rất quan trọng, làm nhiệm vụ truyền tải kiến thức tới người học, hướng dẫn phương pháp, nội dung kiến thức giúp cho người học nhanh hiểu biết, rút ngắn được thời gian. Có được đội ngũ giảng viên có trình độ cao, phẩm chất và năng lực tốt là một yếu tố tích cực tác động tốt tới đào tạo, bồi dưỡng, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp xã.
Giáo trình, tài liệu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp xã có ảnh hưởng rất lớn tới kết quả thực hiện của từng chương trình. Tài liệu đào tạo, bồi dưỡng được chia làm 3 loại chủ yếu sau: Tài liệu được biên soạn, phê duyệt và ban hành, tài liệu do các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tự biên soạn, sử dụng có tính chất nội bộ, có thể thay đổi theo từng khoá học, từng năm...; tài liệu là những văn bản có sẵn, được sưu tầm cung cấp cho người học để tham khảo (các văn bản chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước, của Đoàn cấp trên...).
1.2.2. Các yếu tố chủ quan
1.2.2.1. Nhận thức của cán bộ Đoàn cấp xã đối với đào tạo, bồi dưỡng
Nhận thức của đội ngũ cán bộ Đoàn cấp xã đối với đào tạo, bồi dưỡng là yếu tố cơ bản, quyết định kết quả của từng chương trình được tổ chức. Nhận thức đúng là tiền đề, là kim chỉ nam cho những hành động, việc làm
đúng đắn, khoa học và ngược lại. Nếu mỗi cán bộ Đoàn cấp xã đều nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của đào tạo, bồi dưỡng, có tác dụng nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng, phương pháp làm việc của bản thân; nếu họ hiểu học tập là để phục vụ chính họ trong việc nâng cao chất lượng công tác, hoạt động thì họ sẽ có ý thức trong việc tự rèn luyện, trau dồi kiến thức, học hỏi, tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, bồi dưỡng một cách tích cực. Ngược lại, nhận thức sai lệch sẽ khiến cán bộ Đoàn cấp xã có thái độ thờ ơ khi tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, gây nên tình trạng lãng phí trong đào tạo, bồi dưỡng. Phải tốn nhiều thời gian, kinh phí để cử cán bộ Đoàn cấp xã tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhưng kết quả là sau khóa học năng lực, thái độ làm việc và kết quả công tác của họ không được cải thiện; Mục tiêu và kết quả của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng sẽ không đạt được.
1.2.2.2. Nhân tố con người liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, con người bao gồm đội ngũ lãnh đạo, đội ngũ tham mưu công tác đào tạo, bồi dưỡng, giảng viên và người làm công tác hỗ trợ có vai trò rất quan trọng.
Đội ngũ lãnh đạo với những chính sách cụ thể giúp công tác đào tạo, bồi dưỡng được hiện thực hóa. Công tác này có mang lại hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm của nhà lãnh đạo, quản lý.
Giảng viên, báo cáo viên là yếu tố rất quan trọng trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp xã. Một đội ngũ giảng viên, báo cáo viên có trình độ cao, phẩm chất và năng lực tốt, sâu sắc về kỹ năng, nghiệp vụ là yếu tố tích cực tác động tốt tới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp xã.
Người làm công tác tham mưu, hỗ trợ, quản lý đào tạo, bồi dưỡng là những người trực tiếp thực hiện từng phần việc, gắn kết các bước thành một quy trình đào tạo, bồi dưỡng hoàn chỉnh. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cũng phụ thuộc nhiều vào năng lực và cách thức làm việc của đội ngũ này.
1.2.2.3. Chương trình và nội dung đào tạo, bồi dưỡng
Chương trình, nội dung có ảnh hưởng rất lớn tới kết quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đặc trưng lớn nhất của nội dung đào tạo, bồi dưỡng hay giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng là tính không ổn định và luôn đòi hỏi cập nhật. Đây cũng là điểm khó khăn cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng vì đòi hỏi nội dung phải luôn được đổi mới, việc biên soạn lại tài liệu kéo theo là sự gia tăng chi phí đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài ra, các tài liệu chưa theo hệ thống đồng bộ, thống nhất cũng gây khó khăn cho giảng viên và học viên khi tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng.
Ngược lại, một cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giải quyết được vấn đề về nội dung và chương trình đào tạo, bồi dưỡng sẽ thúc đẩy quá trình đào tạo, bồi dưỡng diễn ra suôn sẻ hơn, giảm thiểu được chi phí và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.