CẤP XÃ CỦA MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG
1.3.1. Kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp xã ở tỉnh Nghệ An
Tỉnh đoàn Nghệ An xác định đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn cấp xã là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ. Trong thời gian qua, Tỉnh đoàn Nghệ An thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn nói chung và cán bộ đoàn cấp xã nói riêng. Tỉnh đoàn Nghệ An có 480 Đoàn xã, phường, thị trấn. Tổng số Ủy viên Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đoàn cấp xã là 1.741 người. Hàng năm được cử đi đào tạo, bồi dưỡng từ 1.300 đến 1.400 lượt người, trong đó số cán bộ đoàn cấp xã được cử đi đào tạo, bồi dưỡng khoảng 850 đến 900 lượt người, trong đó 100% cán bộ đoàn cấp xã mới được bầu đều được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, đối tượng cử đi đào tạo, bồi dưỡng ngày
càng mở rộng cho cả các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Đoàn cấp xã, đội ngũ Bí thư, Phó Bí thư các chi đoàn, trong đó tập trung đào tạo cán bộ đoàn cấp xã có chiều hướng phát triển, kế cận. Tỉnh Nghệ An rất quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn nữ, cán bộ Đoàn là người dân tộc thiểu số, cán bộ Đoàn thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng được triển khai toàn diện, có chú trọng theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, bồi dưỡng kỹ năng thực hành, bồi dưỡng theo chức danh, theo quy hoạch.
Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng tổ chức theo khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn cấp xã do Trung ương Đoàn ban hành; coi trọng đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ, năng lực thực hành: kỹ năng dành cho cán bộ đoàn cấp cơ sở; nghiệp vụ công tác Đoàn, Hội, Đội; nghiệp vụ về tin học; nghiệp vụ xử lý tình huống.
Giảng viên được mời tham gia giảng dạy là những người có kiến thức sâu rộng, có nhiều kinh nghiệm trong thực tế; cung cấp cho người học những thông tin, kiến thức thiết thực. Ngoài ra, Tỉnh đoàn còn mời lãnh đạo một số ban xây dựng Đảng của tỉnh, lãnh đạo Sở, ngành hướng dẫn, báo cáo các chuyên đề mang tính chuyên môn, chuyên sâu.
Hình thức đào tạo, bồi dưỡng luôn kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, chia tổ nhóm thảo luận, làm bài tập tình huống; minh họa quy trình, thao tác tổ chức các hoạt động mang tính nghiệp vụ, phong trào, tổ chức hoạt động thanh niên bằng hình ảnh trình chiếu video clip, hướng dẫn nghiệp vụ theo hình thức “cầm tay, chỉ việc”. Đối với các lớp tập huấn kỹ năng, tổ chức thực hành thông qua hội thi, hội diễn. Những giải pháp trên đã góp phần chuyển biến trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng của cán bộ đoàn cấp xã.
1.3.2. Kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp xã ở tỉnh Bình Định
Tỉnh Bình Định có 159 Đoàn xã, phường, thị trấn với 312 cán bộ Đoàn cấp xã. Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Tỉnh đoàn Bình Định đã xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn chủ chốt tỉnh Bình Định”. Trên cơ sở đó, Tỉnh đoàn Bình Định thực hiện các giải pháp cơ bản sau:
- Nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Hội, Đội được coi là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải thiết thực, thường xuyên đổi mới về nội dung, phương thức.
- Chú trọng trang bị kiến thức toàn diện về lý luận chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý và năng lực hoạt động thực tiễn.
- Tăng cường tham mưu với các cấp uỷ Đảng, chính quyền tạo điều kiện về cơ chế, chính sách trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn. Đặc biệt, tham mưu ban hành quy chế cán bộ đoàn tạo cơ sở, điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Hội, Đội các cấp.
- Tập trung lựa chọn, nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên, báo cáo viên của các cơ sở đào tạo thuộc tỉnh và các huyện, thị, thành Đoàn.
- Tăng cường đầu tư kinh phí nguồn lực cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; tập trung xây dựng hệ thống chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng thống nhất từ cấp tỉnh đến cơ sở phù hợp với từng đối tượng cán bộ Đoàn.
- Tăng cường phối hợp với các ngành, hệ thống trung tâm chính trị các cấp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách, cán bộ chuyên trách của Đoàn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
- Các cấp bộ Đoàn cần chủ động phát hiện, bồi dưỡng và tạo nguồn thường xuyên cho cấp mình, đồng thời phát huy đầy đủ quyền và nghĩa vụ của đoàn viên, thanh niên trong công tác cán bộ.
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và thuyên chuyển cán bộ: từng cấp bộ Đoàn phải tranh thủ mọi cơ hội, điều kiện từ nhiều phía khác nhau nhằm xã hội hóa công tác đào tạo; tận dụng tối đa khả năng cơ sở vật chất, kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn và các chuyên ngành vừa đáp ứng phục vụ cho công tác trước mắt vừa chuẩn bị cho sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ Đoàn sau này. - Đoàn cấp tỉnh đào tạo, bồi dưỡng Đoàn cấp huyện; hàng năm tổ chức 1-2 lớp dành cho CBĐ cấp xã; cấp huyện đào tạo, bồi dưỡng CBĐ cấp cơ sở.
1.3.3. Bài học kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp xã có thể vận dụng ở tỉnh Thái Nguyên
Từ kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn của các tỉnh trên, có thể rút ra một số kinh nghiệm cho tỉnh Thái Nguyên như sau:
- Về nhận thức, quan điểm, chủ trương của đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn cấp xã cần quán triệt và nâng cao nhận thức về trách nhiệm, đề cao tinh thần học tập và tự học tập của cán bộ đoàn cấp xã; xác định rõ việc học tập đáp ứng các tiêu chuẩn trình độ quy định cho các ngạch, chức danh lãnh đạo, quản lý cấp xã; học tập, rèn luyện để thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ, trước hết, là nhiệm vụ của bản thân người cán bộ đoàn cấp xã.
- Để công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn cấp xã được thực hiện có hiệu quả cần phải khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng để từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp nhu cầu thực tế của đội ngũ cán bộ đoàn cấp xã.
- Việc xây dựng cơ chế, chính sách về khuyến khích, hỗ trợ đào tạo cán bộ đoàn cấp xã và thu hút nhân tài là rất cần thiết. Cấp ủy, chính quyền và cấp
bộ Đoàn từ huyện đến trung ương cần tạo điều kiện và hỗ trợ cho cán bộ đoàn cấp xã được trang bị các kiến thức, kỹ năng, và kinh nghiệm để nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc. Mạnh dạn đầu tư kinh phí cho các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn cấp xã. Có chính sách hỗ trợ đối với cán bộ đoàn cấp xã tham gia đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là các chương trình dài hạn.
- Đoàn cấp tỉnh, cấp huyện cần tăng cương tham mưu, nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền địa phương về mục tiêu, vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn cấp xã. Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ đoàn cấp xã đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
- Cán bộ đoàn cấp xã sau khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng cập chuẩn trình độ chuyên mô, lý luận chính trị, quản lý nhà nước… qua quá trình công tác phát huy được năng lực, sở trưởng, có uy tín, có chiều hướng phát triển tốt cần được sắp xếp bố trí với chuyên môn phù hợp đã được đào tạo để họ có điều kiện sử dụng các kiến thức chuyên ngành đã học, đặc biệt đối với cán bộ đoàn cấp xã hết tuổi công tác Đoàn.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Trong chương 1, nội dung chính là hệ thống hóa những cơ sở lý luận về cán bộ Đoàn cấp xã và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp xã. Làm rõ các khái niệm cơ bản về cán bộ Đoàn nói chung và cán bộ Đoàn cấp xã nói riêng. Trên cơ sở đó xác định đặc điểm, vai trò, phân loại và yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ Đoàn cấp xã trong hoạt động của tổ chức Đoàn và hệ thống chính trị ở cơ sở.
Thông qua các luận cứ, trong chương này đã làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn hiện nay. Những kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp xã của các tỉnh Nghệ An, Bình Định, từ đó rút ra một số kinh nghiệm có thể xem xét vận dụng tại tỉnh Thái Nguyên. Trên cơ sở lý luận khẳng định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp xã có vai trò quan trọng, cần được thực hiện liên tục, thường xuyên để nâng cao chất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ Đoàn cấp xã, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Đoàn vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động.
Tất cả những căn cứ trên làm nên hệ thống cơ sở lý luận để tiến hành nghiên cứu thực tiễn công tác đào tajo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp xã và đề xuất các giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cấp xã ở tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn hiện nay.
Chương 2
THỰC TRẠNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ ĐOÀN CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN