IV. Mô hình quản lý chất lượng
1. Mô hình Quản lý chất lượng toàn diện
TQM là mô hình quản lý được hình thành từ Nhật Bản với mục đích kiểm soát chất lượng do tiến sỹ người Hoa Kỳ Arman Feigenbaum phát triển từ cuối những năm 40 của thế kỷ XX với những nghiên cứu được công bố trong Tạp chí Industrial Quality Control số 5/1957 và trong cuốn sách Total Quality Control năm 1961. Theo Arman Feigenbaum (1991), kiểm soát chất lượng toàn diện được hiểu “là một hệ thống có hiệu quả để hợp nhất các nỗ lực về triển khai chất lượng, duy trì chất lượng và cải tiến chất lượng của các bộ phận khác nhau trong một tổ chức sao cho có thể sản xuất và thực hiện dịch vụ một cách kinh tế nhất, thoả mãn được người tiêu dùng”. Từ đó, việc tăng cường các hoạt động kiểm soát chất lượng tại Nhật Bản đã dần hình thành nên phương thức quản lý TQM.
TQM tập trung vào các quy trình với mục đích phục vụ khách hàng, áp đặt các tiêu chuẩn, xác định vai trò của cá nhân và tổ chức trong việc xây dựng và thực hiện các quy trình, giảm thiểu lỗi trong quá trình thực hiện, kiểm soát quy trình, thống kê, theo dõi, cải tiến đảm bảo các quy trình được thực hiện hiệu quả. TQM cũng yêu cầu các nhà lãnh đạo tạo nên văn hoá chất lượng trong tổ chức. Những năm 1980, TQM đã mang đến một quá trình kinh doanh cải tiến liên tục để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong các doanh nghiệp.
TQM tập trung vào giải quyết các vấn đề về sự hài lòng của khách hàng với 7 nguyên tắc chất lượng được đặt ra :
- Chất lượng định hướng vào khách hàng: Sự hài lòng của khách hàng được xác định là yếu tố đem đến sự thành công của một tổ chức.
- Lãnh đạo và cam kết của lãnh đạo: Lãnh đạo phải tạo dựng được môi trường chất lượng trong tổ chức, huy động được mọi nguồn lực và đảm bảo cho các mục tiêu chất lượng là phù hợp và được thực hiện.
- Cải tiến liên tục: Đây là hoạt động trọng tâm của TQM. Sự hài lòng của NSD chỉ có thể đạt được từ chất lượng của sản phẩm, dịch vụ. Chất lượng được xem là kết quả của quy trình. Vì vậy, cải tiến liên tục quy trình thực hiện sẽ đem đến khả năng đáp ứng mong đợi cao hơn của NSD.
- Cung ứng nhanh: Để đạt tới sự hài lòng của NSD, tổ chức cần đảm bảo quy trình thực hiện cho phép đáp ứng các yêu cầu một cách nhanh nhất, giảm
đáng kể thời gian cho việc cung ứng và tiếp nhận sản phẩm, dịch vụ của nhà cung cấp cũng như của NSD.
- Hành động dựa trên sự kiện: Cách tiếp cận của TQM dựa trên dữ liệu khách quan, không dựa vào cảm xúc để ra quyết định. Các dữ liệu thống kê được phân tích, đánh giá, làm cơ sở cho việc lập kế hoạch, điều chỉnh mục tiêu, theo dõi hiệu suất, cải thiện hành động.
- Sự tham gia của toàn thể nhân viên: TQM cho rằng thực hiện quản lý chất lượng trong tổ chức chỉ có thể thành công nếu có sự tham gia của toàn thể nhân viên. Nhân viên cần được đào tạo, khuyến khích và tạo động lực tham gia đầy đủ vào hoạt động cải tiến chất lượng hướng tới mục tiêu chất lượng. - Văn hoá TQM: Xây dựng văn hoá chất lượng trong tổ chức là nhiệm vụ quan
trọng của lãnh đạo. Lãnh đạo cần đảm bảo cho mọi thành viên trong tổ chức đều được nhận thức đầy đủ về việc thực hiện tốt hoạt động cải tiến, hướng tới sự hài lòng của NSD và phải chịu trách nhiệm nếu không đạt được các mục tiêu chất lượng đề ra.
Tác động của mô hình TQM
Đa số các doanh nghiệp xây dựng được khảo sát đều có hệ thống quản lý chất lượng (chiếm 79,78%), nhưng số lượng các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện TQM là chưa phổ biến (chiếm 10,11%). Việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình thi công đã giúp doanh nghiệp đạt được nhiều hiệu quả như: Đảm bảo và nâng cao chất lượng thi công xây dựng (chiếm 82.02%) và giảm thiểu sự cố, giúp hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp (chiếm 79.78%). Tuy nhiên, việc vận hành hệ thống chất lượng của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, theo ý kiến khảo sát thì khó khăn lớn nhất là việc doanh nghiệp chưa có bộ phận chuyên về chất lượng và trình độ nguồn nhân lực vận hành hệ thống còn hạn chế (chiếm 85.39%). Do vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực quản lý chất lượng cần phải được chú trọng để đảm bảo đúng số lượng, đủ trình độ vận hành hệ thống quản lý chất lượng tại doanh nghiệp và nhất là bộ phận quản lý chất lượng trên công trường.
Ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện TQM vào quá trình thi công xây dựng sẽ giúp tăng cường khả năng kiểm soát và loại bỏ khuyết tật ngay từ đầu cho các công tác, cấu kiện giúp sản phẩm xây dựng được hoàn thiện tối đa khi hoàn thành. Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác và tạo động lực phấn đấu cho mọi nguồn nhân lực không ngừng cải tiến chất lượng thi công xây dựng để thỏa mãn mọi yêu cầu chất lượng. Đây là một giải pháp hiệu quả và bền
vững giúp nâng cao chất lượng các giai đoạn của quá trình thi công xây dựng, đảm bảo hoặc rút ngắn tiến độ thi công, giảm thiểu các chi phí và tiết kiệm lãng phí giúp hạ giá thành sản phẩm xây dựng.