Vấn đề thể loại của tác phẩm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hư cấu và sáng tạo trong hoàng lê nhất thống chí của ngô gia văn phái (Trang 31 - 36)

6. Cấu trúc của luận văn

1.3.2. Vấn đề thể loại của tác phẩm

Khi nghiên cứu, tìm hiểu về Hoàng Lê nhất thống chí, một vấn đề thường được đặt ra là vấn đề thể loại của tác phẩm.

Về hình thức, Hoàng Lê nhất thống chí được viết theo thể Đoản thiên liên hoàn tiểu thuyết của Trung Hoa (người Việt gọi là tiểu thuyết chương hồi) kiểu như Tam quốc chí của La Quán Trung, Nho lâm ngoại sử của Ngô Tử Kính… Tiểu thuyết chương hồi là thể loại văn xuôi viết bằng chữ Hán, là một hiện tượng độc đáo của văn học Việt Nam trung đại trong bối cảnh các nền văn học khu vực đều chịu ảnh hưởng của văn học Hán. Khởi nguồn từ Đoản thiên liên hoàn tiểu thuyết tiểu thuyết của Trung Quốc, đây là thể loại tự sự chủ yếu nhằm phản ánh những vấn đề liên quan đến lịch sử, với cách phân chia tác phẩm ra thành nhiều chương, nhiều hồi khác nhau. Mỗi hồi là một âm

mưu được thực hiện, một sự kiện được kết thúc; đồng thời lại chuẩn bị cho một mưu mô mới, xếp đặt một sự kiện mới cho hồi sau, cứ thế tiếp diễn. Cho nên các hồi trong tác phẩm đều được kết cấu theo một công thức nhất định. Các bộ tiểu thuyết chương hồi của Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc, nhưng nếu tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc sáng tác trước Hồng lâu mộng phần lớn đều bắt đầu từ thoại bản, dã sử, có tính chất dân gian, rồi sau đó các văn nhân mới tập hợp xâu chuỗi, liên kết lại dưới hình thức tiểu thuyết đồ sộ, thì tiểu thuyết chương hồi Việt Nam thuần túy là sáng tác của văn nhân.

Với nhan đề Hoàng Lê nhất thống chí, trước hết các tác giả họ Ngô mặc nhiên khẳng định tác phẩm của mình là sử không phải là văn, bởi lẽ Chí là một trong ba lối viết sử của thể kỉ truyện. Chữ chí của Việt Nam bắt nguồn từ chữ chí của Trung Quốc với nghĩa đầu tiên là “nghị lực”, “chí hướng”, ngoài ra kí hiệu ấy còn dùng cho chữ “chí” đồng âm trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là “ghi chép”, “miêu tả”. Trong sách Chu Lễ có ghi rằng: “Các nhà chép sử ghi chép (chí) những công việc của quốc gia”. Ngay ở Việt Nam, ký hiệu “chí” đôi khi cũng được dùng trong tiêu đề các tác phẩm lịch sử và địa lý, ví dụ như Việt Nam thế chí (miêu tả lịch sử Việt Nam) của Hồ Tông Thốc, hay Đại Nam nhất thống chí - miêu tả chung miền Đại Nam. Nhưng thực tế không thể phủ nhận rằng, Hoàng Lê nhất thống chí không chỉ là một tác phẩm thuộc loại hình văn chương, mà còn là một tác phẩm văn chương đặc sắc. Vậy tại sao lại có sự mâu thuẫn giữa nội dung tác phẩm với nhan đề sách như vậy? Có lẽ chúng ta cần hiểu lúc bấy giờ, với truyền thống của một nền văn học thuộc khu vực Viễn Đông, văn học Việt Nam vốn coi trọng văn vần hơn văn xuôi, các nhà nho kể cả Ngô Tất Tố vẫn còn coi văn chương tiểu thuyết không có giá trị bằng văn chương lịch sử, vẫn sợ Hoàng Lê nhất thống chí bị liệt vào

hàng tiểu thuyết, nên việc họ Ngô không trực tiếp thừa nhận mình viết tiểu thuyết chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

Hoàng Lê nhất thống chí là kho tư liệu quý giá về giai đoạn lịch sử cuối thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XIX. Nhưng tác phẩm không chỉ phản ánh, mô tả trung thực các biến cố lớn lao của thời đại, không chỉ phê phán những thế lực phản động, cho thấy những giá trị tinh thần bị rạn nứt, đảo lộn của cả một chế độ chính trị.., mà còn nêu lên sức mạnh phi thường, vĩ đại của nhân dân. Mặt khác, ta còn thấy ẩn sau đó chính là cảm xúc của tâm hồn nghệ sĩ và cả thái độ yêu ghét của những con người có ý thức dân tộc. Chính những điều đó làm nên cảm quan đúng đắn và sắc bén của các tác giả họ Ngô.

Trước Hoàng Lê nhất thống chí, chúng ta đã có một nền văn xuôi với những tác phẩm tiêu biểu có giá trị như Thượng kinh kí sự của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án. Đó là những tác phẩm lên án thói đời đen bạc của xã hội lúc bấy giờ. Tuy nhiên, trong toàn bộ nền văn xuôi cổ điển của nước ta chưa có tác phẩm nào có được quy mô hoành tráng và có chiều sâu ở sự phản ánh hiện thực như Hoàng Lê nhất thống chí. Xét về hình thức thể loại thì tác phẩm viết theo lối tiểu thuyết chương hồi, một thể loại văn học có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vì thế sự ra đời của Hoàng Lê nhất thống chí đã mang lại một bộ mặt mới cho văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, làm thay đổi quan niệm truyền thống của một nền văn học vốn coi trọng văn vần hơn văn xuôi như văn học Việt Nam.

Về bút pháp, Hoàng Lê nhất thống chí là một cuộc giao duyên giữa văn bút và sử bút. Bút pháp này thể hiện rõ ở việc khắc họa tính cách các nhân vật và trong việc miêu tả sự kiện. Hiếm có một tác phẩm nào trong lịch sử văn học Việt Nam xưa nay lại có một khối lượng nhân vật lớn như Hoàng Lê nhất

thống chí mà hầu như nhân vật nào ra nhân vật nấy, đều có hành động và tính cách riêng... Văn bút cho phép, không chỉ nắm bắt mà quan trọng hơn là thể hiện bằng nghệ thuật ngôn từ cốt cách, cá tính nhân cách, thông qua việc lựa chọn, tạo dựng những chi tiết có thẩm mỹ cao. Nếu như sử học, vai trò của sự kiện là quan trọng nhất thì với văn học, quan trọng hơn là vai trò các chi tiết của sự kiện”. [4;45]. Chính điều đó tạo nên tính hấp dẫn của tác phẩm. Ví như với những chi tiết miêu tả phút lâm chung của chúa Trịnh Sâm, nếu không có con mắt của nhà văn thì khó có thể tạo được những cảnh tượng, chi tiết sinh động, hấp dẫn, đậm chất bi hài như vậy. Đây là một màn kịch diễn ra với ba nhân vật: Trịnh Sâm, Thánh mẫu (mẹ Trịnh Sâm) và Vương phi Đặng Thị Huệ. Cả ba đều khóc nhưng có lẽ chỉ có Trịnh Sâm là khóc thật vì nghĩ đến “đạo hiếu chưa tròn” và “duyên cầm sắt” dở dang. Như người ta thường nói “Con chim sắp lìa tổ thì kêu lên những tiếng bi thương. Người sắp lìa đời thì nói những lời chân thật”. Nhưng cái hay, cái hấp dẫn của màn hài kịch cũng chính là chỗ đó, chúa Trịnh Sâm càng nói thật bao nhiêu thì tiếng cười châm biếm càng lộ rõ bấy nhiêu. Bởi Thánh mẫu “nức nở sụt sịt” hay “ngập ngừng hồi lâu”, “dùng dằng mãi chưa ra” đến nỗi chúa lại tưởng là mẹ thương mình “không nỡ dứt tình mà đi”. Nhưng sự thực bà đến đây đâu phải để vĩnh biệt con trai của mình mà bà “dùng dằng”, “ngập ngừng” là bởi “muốn nói đến ngôi thế tử, nhưng vì có Thị Huệ ở đấy nên cũng khó hé răng”. Còn Thị Huệ thì sao? Ả cũng đòi “cắt tóc thề”, “nấc lên đến hơn một khắc” hoặc “xin liều thân mà chết theo chúa” có vẻ nặng tình và buồn bã trước sự an nguy của chúa nhưng tất cả chỉ với mục đích lớn nhất là ả “sợ không dự định trước, đến lúc tình thế khẩn cấp sẽ bị người khác cướp mất ngôi thế tử của con mình”. Thật tội nghiệp cho chúa trước khi trút hơi thở cuối cùng còn tưởng ả nặng tình với mình” [25, 66 – 67]. Những màn hài kịch dở khóc, dở cười như thế trong Hoàng Lê nhất thống chí rất nhiều...

Nếu không có cái tài giỏi, cái sắc sảo của người cầm bút thì Hoàng Lê nhất thống chí khó có được tiếng nói riêng vừa mới, vừa độc đáo chưa một tác phẩm văn xuôi tự sự nào thời trung đại có được.

Ngoài những sự kiện, những nhân vật lịch sử có thực, người đọc còn cuốn hút và kinh ngạc trước cảm hứng văn chương, những cảm xúc mạnh mẽ, những hình ảnh, chi tiết sinh động, hấp dẫn mà tác giả truyền vào từng trang viết. Đặc biệt là những trang miêu tả khí thế của nghĩa quân Tây Sơn với những chiến công hiển hách khiến cho quân thù khiếp đảm. Hơn nữa trong tác phẩm này, những sự kiện, những nhân vật lịch sử được miêu tả hầu như có thật, đều xuất hiện trong các tài liệu lịch sử khác. Nhân vật ở đây có nhiều kiểu, có những nhân vật có lai lịch, có nguồn gốc, có quá trình phát triển tính cách, có quan hệ phức tạp [34, 25].

Tuy miêu tả những sự kiện lịch sử, câu chuyện lịch sử, nhưng Hoàng Lê nhất thống chí thiên về miêu tả những mặt nổi bật của đời sống xã hội những giai thoại khôi hài. Từ chuyện Vương phi Đặng Thị Huệ làm nũng chúa, chuyện phế con cả lập con thứ, chuyện Trịnh Tông mưu loạn bị truất ngôi rồi lên ngôi, đến chuyện kiêu binh nổi loạn, Trịnh Bồng đi tu rồi mất tích, hay chuyện vua Lê Chiêu Thống hèn hạ “rước voi về giày mả tổ”... và biết bao chuyện từ trong cung, ngoài phủ đều được tác giả miêu tả, khắc họa thật sinh động, hấp dẫn khiến người đọc phải suy ngẫm và cảm thấy thú vị. Những câu chuyện, những sự kiện được kể trong tác phẩm vừa theo trình tự thời gian, vừa sắp xếp theo ý đồ của tác giả, chứ không hoàn toàn theo trình tự thời gian như trong thực tế lịch sử. Với cách viết này, người kể chuyện chủ động trong việc dẫn dắt người đọc đi theo những vấn đề, sự kiện đang được kể. Nghĩa là các nhà văn Ngô Thì không tuân thủ nguyên tắc biên niên, do đó cốt truyện tác phẩm của họ không phát triển theo trục tuyến tính thời gian. Những hồi ức ngược dòng về quá khứ đã tạo thành chất keo quyện kết các sự kiện, các nhân

vật và các tình tiết thành một hệ thống chặt chẽ, khiến câu chuyện hấp dẫn. Đó là một bước chuyển quan trọng về nhận thức thời gian nghệ thuật, và chính điều đó đã đưa tiểu thuyết chương hồi Việt Nam lên đến đỉnh cao và tiến gần tới tiểu thuyết cận hiện đại.

Về nội dung, các tác giả vẫn theo sát các diễn biến sự kiện, nhân vật được ghi chép trong sử sách, nhưng không phải là những sự kiện khô khan mà được hư cấu, sáng tạo một số chi tiết làm cho câu chuyện trở nên sinh động, hấp dẫn hơn và cũng chân thực hơn. Đấy là nét làm nên cái độc đáo và đặc sắc của Hoàng Lê nhất thống chí so với những tác phẩm văn xuôi tự sự trước nó. Như vậy, tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí là tiểu thuyết lịch sử được viết theo hình thức thể loại chương hồi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hư cấu và sáng tạo trong hoàng lê nhất thống chí của ngô gia văn phái (Trang 31 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)