6. Cấu trúc của luận văn
1.3.3. Vị trí của tác phẩm trong văn học trung đại Việt Nam
Văn học Việt Nam trung đại là một tiến trình, với nhiều giai đoạn khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện lịch sử cụ thể. Nếu như thế kỷ X - XIV là giai đoạn hình thành, thế kỷ XV - XVII là giai đoạn trưởng thành thì thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất, giai đoạn đơm hoa kết trái, với nhiều thành tựu to lớn ở tất cả các thể loại. Hoàng Lê nhất thống chí của các tác giả họ Ngô Thì ở thế kỷ XVIIIđã góp phần hình thành và phát triển thể loại tiểu thuyết chương hồi ở Việt Nam. Cùng với Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm, Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái đã đánh dấu bước nhảy vọt của văn xuôi tự sự chữ Hán của văn học Việt Nam. Đây cũng được xem là một khởi đầu mới mẻ để văn học có thể phản ánh những vấn đề lớn lao của xã hội với quy mô rộng lớn trên phạm vi cả nước. Tác phẩm được đánh giá cao và trở thành một trong những mẫu mực của văn học trung đại Việt Nam.
Hoàng Lê nhất thống chí là tiểu thuyết lịch sử, được viết theo kết cấu chương hồi, do tập thể tác giả của Ngô gia văn phái sáng tác. Tác phẩm viết về cuộc khủng hoảng của tập đoàn phong kiến Lê Trịnh trong khoảng 30 năm cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX và phong trào Tây Sơn lật đổ các tập đoàn phong kiến Đàng Trong và Đàng Ngoài. Hơn nữa, phong trào Tây Sơn với chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, đập tan hơn 20 vạn quân Thanh xâm lược, đã ghi lại một mốc son chói lọi trong lịch sử đánh giặc, bảo vệ đất nước. Tác phẩm dù theo sát những sự kiện của đất nước diễn ra trong khoảng 30 năm của thế kỉ này, nhưng không gây cho người đọc sự nhàm chán bởi tác giả đã gia công hư cấu và sáng tạo các sự kiện lịch sử chứ không phải ghi chép đơn thuần các sự kiện lịch sử. Hư cấu và sáng tạo trong Hoàng Lê nhất thống chí được thể hiện ở hai phương diện: nội dung (đề tài, chủ đề tư tưởng, cảm hứng), nghệ thuật (kết cấu, nhân vật, ngôn ngữ). Nó góp phần làm nên vị trí độc nhất vô nhị của tác phẩm trong dòng chảy của tiểu thuyết chương hồi Việt Nam thời trung đại.
Chương 2
HƯ CẤU VÀ SÁNG TẠO TRONG HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG