6. Cấu trúc của luận văn
3.2.1 Nhân vật vua chúa độc ác, bất tài, vô dụng
Hình tượng nhân vật được chú ý đầu tiên trong Hoàng Lê nhất thống chí là tầng lớp vua chúa. Vua chúa là thiên tử cho nên mang vẻ đẹp phi phàm. Xuất phát từ quan niệm này mà ở những mức độ khác nhau các tác giả cố gắng xây dựng, miêu tả nhân vật của mình là những con người cao sang, quyền quý. Tuy nhiên, trên thực tế có những đấng thiên tử mang vẻ ngoài phi phàm đó lại có suy nghĩ, hành động ngược lại. Hơn nữa, mặc dù chịu sự chi phối của bút pháp quy phạm, nhưng ở mức độ nhất định các tác giả đã vượt qua tính quy phạm để xây dựng các hình tượng nhân vật phục vụ cho ý đồ nghệ thuật của mình. Khi thể hiện tầng lớp thống trị của xã hội ta thời kì nửa cuối thế kỉ XVIII, các tác giả Ngô gia văn phái không chỉ dừng lại ở việc khắc họa chân dung các vị vua cuối cùng của triều nhà Lê mà trước hết phải kể đến các vị chúa: Trịnh Sâm, Trịnh Tông, Trịnh Cán, Trịnh Bồng, Trịnh Lệ. Lẽ
thường theo lễ nghi, chúa chỉ là bề tôi nhưng ở thời kì này, vua Lê chỉ là hư vị, toàn bộ quyền bính đều tập trung trong tay nhà chúa. Như trên đã nói, sự sụp đổ của chế độ phong kiến Việt Nam ở giai đoạn này cũng được bắt đầu từ trong phủ chúa.
Dưới ngòi bút của các nhà sử học, Trịnh Sâm là một con người có bản lĩnh, thông minh, quyết đoán đã từng đọc khắp kinh sử, có chí hướng, có lí tưởng, sau khi lên ngôi đã từng dẹp yên nội loạn, chỉnh đốn kỉ cương đem lại nền thái bình cho đất nước. Tuy nhiên, sau những chiến tích ấy, Trịnh Sâm lại lao vào con đường ăn chơi sa đọa, mê Đặng Thị Huệ, bỏ con trưởng lập con thứ gây ra bè đảng trong phủ chúa kéo theo đó là mâu thuẫn trong triều đình dẫn đến sự sụp đổ của triều đình phong kiến Lê Trịnh. Cũng nội dung ấy nhưng nhân vật này hiện lên trong Hoàng Lê nhất thống chí lại hết sức sống động. Nhân vật hiện lên trong tác phẩm vừa với tư cách một bậc đế vương cao sang quyền quý, vừa với tư cách của một kẻ tầm thường với những ham muốn tầm thường, ích kỉ, thậm chí độc ác. Trịnh Sâm được miêu tả đúng với mẫu hình đế vương: “Thịnh Vương là người cứng rắn, thông minh, quyết đoán, sáng suốt, trí tuệ hơn người, có đủ tài về văn lẫn võ, đã xem khắp kinh sử, biết làm văn, làm thơ”. Khi lên ngôi, ông đã thay đổi nhiều việc “từ kỉ cương trong triều đến chính trị trong nước, hết thảy đều được sửa đổi. Bao nhiêu tướng giặc, đảng nghịch đều bị dẹp tan. Và dường như nhà chúa đi đến đâu là xã tắc bình yên đến đó “quân nhà chúa đã đến, không chỗ nào không thắng”... Tuy là bề tôi, nhưng với mục đích làm bá chủ, ông đã vu oan cho thái tử Lê Duy Vĩ tội thông dâm với cung nữ, truất xuống làm dân thường. Sau đó lại vu oan tội liên hệ với các nho sĩ làm loạn, khiến cho thái tử bị tội tử hình. Trịnh Sâm còn là một kẻ háo sắc “Một hôm, tiệp dư Trần Thị Vịnh sai nữ tỳ Đặng Thị Huệ bưng một khay hoa đến trước nơi chúa ngồi. Ả họ Đặng này, quê ở làng Phù Đổng, mắt phượng mày ngài, vẻ người mười phần xinh đẹp. Chúa
nom thấy rất bằng lòng, bèn tư thông với ả”[30, 14] Vì say mê Đặng Thị Huệ, ông ta đã bất chấp tất cả như phế con trưởng lập con thứ, biết em vợ là một kẻ không ra gì, “quần áo, xe kiệu của y, nhất nhất đều rập theo đúng như của vua chúa. Thường ngày, Lân đem theo vài chục tên tay sai..., thiên hạ sợ Lân hơn sợ beo sói” [30, 31] vẫn gả con gái mình là công chúa Ngọc Lan cho hắn. Như vậy chính Trịnh Sâm là nguyên nhân dẫn đến con cái chém giết lẫn nhau để giành ngôi vị, phủ chúa chia bè phái, kiêu binh nổi loạn...
Trịnh Tông là con trai trưởng của chúa Trịnh Sâm, do thái phi Dương Ngọc Hoan sinh ra. Ngay từ khi mới ra đời đã bị nhà chúa ghẻ lạnh, ghét bỏ đến khi công tử Cán ra đời, chúa lại càng nung nấu ý định phế trưởng lập thứ. Biết được điều đó, Tông cũng tìm mọi cách giành lấy ngôi vị của mình. Hắn sẵn sàng gây bạo loạn, thậm chí sẵn sàng quỵ lụy binh lính để có được ngôi chúa. Tác giả Hoàng Lê nhất thống chí không ghi chép lại một cách khô khan như nhà sử học mà dựng lại con người này một cách cụ thể sinh động. Tác giả đã miêu tả diện mạo của Trịnh Tông “Khi thái tử Tông đã lớn, dung mạo rất khôi ngô, tuấn tú, tính ham võ nghệ, không thích học hành”. Vì muốn lập Trịnh Cán - con của Đặng Thị Huệ làm thế tử nên dù cho con trưởng thông minh, Trịnh Sâm không cho ra ở Đông cung. Chính sự bất công đó khiến cho Trịnh Tông âm mưu cùng bọn kiêu binh nổi loạn cướp ngôi chúa. Ngòi bút các tác giả Ngô gia thể hiện khá thành công nhân vật Trịnh Tông sau khi giết xong quận Huy, truất Trịnh Cán, lên ngôi chúa. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép:“...Quân sĩ bèn đem nhau đến sở giam, phò Trịnh Tông ra ngồi phủ đường, rồi lấy chỉ dụ của Nguyễn Thái phi tâu xin mệnh lệnh nhà vua lập Tông làm nguyên soái Đoan Nam Vương, truất Cán làm Cung quốc công...”[22, 955]. Trong Hoàng Lê nhất thống chí, lễ đăng quang của Tông, không cần đến phép tắc, kỉ cương mà là một trò chơi trẻ con, là một màn bi hài kịch. Trịnh Tông như một con rối, một quả cầu mà ở đó bọn binh lính
muốn tung hê thế nào cũng được: “Anh em Quận Huy chết rồi, quân lính vui mừng reo hò như sấm. Họ kéo nhau vào nhà Tả xuyên phò Thế tử Tông lên phủ đường. Họ kiệu Trịnh Tông lên vai, rồi đứng xúm chung quanh, gào lên vui sướng. Xin ngồi cao hơn nữa để thiên hạ đều được thấy mặt rồng, cho thỏa lòng vui của con người. Trong lúc gấp vội không có kỉ sập, họ phải dùng tạm chiếc mâm vẫn bày cỗ lộc làm ghế, đặt thế tử ngồi lên, rồi tám người kề vai vào khiêng. Chốc chốc, họ lại nâng bổng chiếc mâm lên đầu mà đội, đầu mỏi lại hạ xuống vai, rồi vai mỏi lại nâng lên đầu…”. Cách so sánh việc kiêu binh kiệu Trịnh Tông với hình ảnh “người ta giỡn một quả cầu hay rước một pho tượng phật” rất có ý nghĩa, vì sau này Trịnh Tông cũng chỉ là một kẻ bất tài, bất lực, trở thành một con rối, một tượng phật trong tay đám kiêu binh. Các tác giả đã chọn những chi tiết đắt giá để xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Có thể nói rằng, đoạn văn này đã tả chân dung Trịnh Tông một cách độc đáo.
Trong Thượng kinh kí sự, Lê Hữu Trác miêu tả Trịnh Cán là một đứa trẻ ốm yếu, hài hước. Còn trong Hoàng Lê nhất thống chí, hình ảnh Trịnh Cán lại hiện lên một cách đầy đủ nhất. Dưới ngòi bút của Ngô gia, chúa con hiện lên là “khí thiêng của non sông tụ lại, sự tốt đẹp của biển cả đúc nên”. Đây là sản phẩm của Trịnh Sâm, một vị chúa say mê tửu sắc mà quên hết việc triều chính với Đặng Thị Huệ. Mới sinh ra đời Trịnh Cán đã được chào đón, yêu chiều hết mực. “Lúc lên một tuổi, Trịnh Cán có cốt cách, tướng mạo khôi ngô, đẫy đà khác hẳn người thường. Đến khi biết nói, Trịnh Cán đối đáp gãy gọn, cử chỉ không khác gì người lớn”. Nhưng không ngờ, Trịnh Cán đã mắc bệnh “bụng to, rốn lồi, gân xanh, chân tay khẳng khiu…”. Lí giải căn nguyên bệnh của Trịnh Cán, Lê Hữu Trác trong Thượng kinh kí sự đã cho rằng “do sinh trưởng ở nơi màn the trướng gấm, ấm no quá sức, tạng phủ kém yếu, lại thêm bị ốm lâu nên tinh huyết hao kiệt, da mặt khô, rốn lồi, gân xanh, chân
tay khẳng khiu” [38, 51-52]. Cuối cùng, Trịnh Cán cũng qua đời khi mới lên sáu. Về sau, số phận của những người cuối cùng trong dòng họ nhà chúa như Trịnh Lệ, Trịnh Bồng cũng không mấy tốt đẹp. Trịnh Lệ là một kẻ khôn ngoan, mưu mô, cơ hội, cả đời theo đuổi mộng làm chúa nhưng không thành. Còn Trịnh Bồng khóc dở miếu dở vì sinh ra trong nhà chúa và cuối cùng sống chết ra sao không ai biết.
Nói đến các bậc đế vương ở thời kì này không thể không kể đến các vua nhà Lê. Tiếng là vua, là kẻ cầm đầu của đất nước nhưng các vua Lê chỉ là kẻ bù nhìn, những con rối trong tay người khác. Đầu tiên là vua Hiển Tông,
“tên là Duy Diêu, thái tử của Thuần Tông. Trước là con trưởng ở vào tình cảnh nguy hiểm, ngờ vực, thường nếm trải gian khổ; nhưng trời cho, người theo, rồi được lên ngôi báu. Khi vua mới lên ngôi, gặp lúc nhiều việc, bốn phương trộm giặc không yên, nhờ Minh vương (Trịnh Doanh) giúp đỡ, sai tướng đem quân quét sạch bọn giặc. Mười năm về sau, nước yên bình, dân lạc nghiệp, gọi là đời thịnh trị. Khi Minh vương mất, Tĩnh vương nối cầm quyền chính, lấn bức quá đáng. Vua vẫn đối xử một cách bình thường, thâm trầm, kín đáo người ta không thấy góc cạnh” [5, 57].
Đến sử sách triều Nguyễn:
Trịnh Doanh ép nhà vua truyền ngôi cho Duy Diêu (tức Hiển Tông), con trưởng của Thuần Tông. Duy Diêu râu rồng, mắt phượng,... Duy Diêu bị Trịnh Giang truất đi, đã lâu vẫn bị giam cầm. Trịnh Doanh mật sai người dời Duy Diêu đến ở nhà Bính quận công Vũ Tất Thận. Trước đây, Thận chưa biết việc này. Một đêm nằm mộng thấy một người “kẻ cả” đến nhà, cờ quạt âm nhạc, hệt như nghi trượng thái bình thiên tử. Sáng hôm sau, thấy Duy Diêu đến, Tất Thận bèn đem việc này nói với
Doanh. Doanh muốn nhờ vào phúc đức Duy Diêu, mới cùng các đại thần bàn định tôn lập làm vua và xin nhà vua nhường ngôi cho Duy Diêu. [22, 838,839].
Trong thời gian Duy Diêu (Hiển Tông) làm vua, ông sống nhàn hạ và không quan tâm đến chính sự, mọi việc đều do chúa (Trịnh Doanh, Trịnh Sâm) quyết định. Trong Hoàng Lê nhất thống chí, Lê Hiển Tông là người sống thọ nhất và có thời gian trị vì lâu nhất trong các vua nhà Lê (1740 – 1786). Đồng thời cũng là vị vua bù nhìn nhất. Dưới ngòi bút của các tác giả Ngô gia văn phái, vị vua này cũng hiện lên với tư cách là một bật đế vương: “râu rồng, mũi cao, tóc hạc, mắt phượng, đi nhẹ như nước, ngồi vững như non, tính nết hiền từ, giản dị”. Tuy nhiên, trong cuộc đời làm vua, có lẽ công lớn nhất của ông là “treo tranh tam quốc, sai các cung nữ mặc áo trận, cầm giáo mác, chia thế trận Ngụy, Thục, Ngô rồi dạy họ cách ngồi, đứng, đâm, đỡ cho vui”. Ông quan niệm “chúa gánh cái lo, ta hưởng cái vui”. Bị Trịnh Sâm chèn ép không có quyền hành, nhà vua vẫn vui vẻ như thường. Chẳng những thế, khi có ai tức giận thay, hay can ngăn thì ông vẫn tự hào cho rằng “Các người chỉ biết một mà không biết hai… nếu trẫm lấy việc mất quyền làm tức giận thì nhà chúa ắt hẳn phải ngấm ngầm tính chuyện chẳng hay. Vì vậy, trẫm phải mượn hứng thú chơi như thường để tránh tai vạ”[30, 154]. Vì sợ hãi, không dám làm mất lòng nhà chúa nên khi con trai mình là thái tử Lê Duy Vĩ mắc oan, chúa sai người vào tận trong cung điện nhà vua để bắt Duy Vĩ, sau đó ép tội treo cổ, ông không biết làm gì hơn ngoài sự im lặng. “Đến hồi này, thấy Bình làm việc tôn phò, nhà vua bề ngoài tuy mừng nhưng bề trong thì lại lo”[30, 155], bởi nhà vua hưởng nhàn quá lâu, mọi việc đều do chúa Trịnh cai quản, giờ đến lượt vua phải thực hiện quyền hành của mình, vua chẳng biết phải làm như thế nào. Ngay cả “những việc giao thiệp, tiếp đãi đều là bất đắc dĩ” [30, 155]. Bằng những điều tai nghe mắt thấy của những
người sống đồng thời, bản chất của nhân vật được các tác giả tái hiện lại bằng những chi tiết rất cụ thể, sống động.
Xây dựng tầng lớp quý tộc phong kiến, các tác giả Ngô gia không chỉ thể hiện thành công ông vua bù nhìn Lê Hiển Tông mà còn thể hiện rõ nét chân dung vua Lê Chiêu Thống. Vua Lê Cảnh Hưng nhu nhược, đớn hèn, suốt đời chỉ biết “chắp tay rủ áo” để hoàng gia mỗi ngày một suy yếu và tồn tại như một cái bóng bên cạnh nhà chúa. Vua Lê Chiêu Thống, đời vua cuối của nhà Lê lại là kẻ bán nước cho giặc để mong giữ lại ngai vàng lung lay không còn giá trị. Khi mới nghe tin vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc tuần du ra bắc, Lê Chiêu Thống hốt hoảng, lo sợ nghe theo lời khuyên của Nguyễn Hữu Chỉnh “sắp sẵn ngọc tỉ ra mà hàng”. Hay trong buổi hội kiến với vua Tây sơn, Lê Chiêu Thống sai viên quan cận thần nói thay mình rằng: “Hiện nay đất đai cùng dân chúng nước Nam đều do thánh thượng gây dựng lại. Nếu như thánh thượng muốn thu nhận một vài quận ấp của nước tôi để làm quà khao quân sĩ thì quốc quân chúng tôi nhất nhất vâng mệnh”[30, 171]. Như vậy, tính cách đê hèn, luồn cúi của Lê Chiêu Thống đã sớm bộc lộ, ngay từ khi mới lên ngai vàng. Nước đang gặp hoạn nạn, ông chẳng lo lắng gì, suốt ngày chỉ lo bàn mưu, tính kế để chế ngự chúa. Đến khi quân Thanh sang nước ta, Lê Chiêu Thống đã quỵ lụy, luồn cúi trước bọn chúng, cam tâm bán nước để giữ ngai vàng, đến nỗi người dân thường phải thốt lên: “Nước Nam ta từ khi có đế, có vương tới nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi, đê hèn như thế” [30, 420]. Các tác giả Ngô gia đã xót xa về một đấng quân vương mà họ tôn phò. “Một ông vua như thế ắt phải nhận cái kết cục bi thảm, phải sống kiếp lưu vong xứ người, ôm hận chết nơi đất khách, may còn nắm xương tàn mang về tổ quốc” [13, 30].
Như vậy, với ngòi bút tự sự điêu luyện của mình, tác giả họ Ngô đã khắc họa thành công lớp nhân vật thống trị, từ đó giúp người đọc thấy được
một bức tranh hiện thực rộng lớn của xã hội nước ta nửa cuối thế kỉ XVIII, nửa đầu thế kỉ XIX. Khi thể hiện nhân vật vua chúa, các tác giả họ Ngô không giấu nổi sự khinh bỉ, chán ghét, sự bất bình và phẫn nộ trước sự lộng hành của tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh. Ngòi bút của tác giả khi miêu tả tầng lớp này chủ yếu tập trung vào cảnh ăn chơi, hưởng lạc sa đọa… hơn là cảnh triều chính, quốc gia.