Xây dựng giản đồ pha gồm 3 đỉnh tương ứng với 3 thành phần: dầu đậu nành (pha dầu), Cremophor RH 40 (chất diện hoạt) và Transcutol (chất đồng dung môi).
Tiến hành pha chế các hỗn hợp gồm DĐN/Transcutol/Cremophor RH 40 (hỗn hợp
OTC) với các tỷ lệ khác nhau (hình 3.1) theo mục 2.3.1.2a.
Hỗn hợp OTC sau khi pha chế, để ổn định 72 giờ và đánh giá hình thức.
Các mẫu đồng nhất trong suốt được lựa chọn để đánh giá khả năng tự nhũ hóa trong môi trường HCl 0,1 N theo mục 2.3.1.2a.
Hình 3.1: Giản đồ phahệ 3 thành phần DĐN/Transcutol/Cremophor RH 40 không chứa dược chất
Kết quả thể hiện trong hình 3.1 cho thấy:
- Vùng tạo vi nhũ tương trong suốt (tương ứng hệ A, vi nhũ tương có kích thước giọt < 50 nm), có tỷ lệ pha dầu (DĐN) thấp (5 - 15%), tỷ lệ chất diệt hoạt (Cremophor) cao (từ 65 - 90%) và tỷ lệ chất đồng dung môi (Transcutol) thấp (từ 5 - 25%).
- Nhìn chung , khi tỷ lệ chất diện hoạt tăng (từ 65 đến 90%), nhũ tương tạo thành trong suốt. Tuy nhiên, khi tỷ lệ này giảm, nhũ tương tạo thành đục hơn và đục dần. Kết quả này liên quan khả năng hình thành nhũ tương có kích thước giọt lớn dần khi tỷ lệ Cremophor RH 40 giảm.
Tăng lượng chất diện hoạt là tăng chất giúp ổn định bề mặt phân cách dầu/nước. Khi tỷ lệ chất diện hoạt tăng, lớp màng/lớp áo chất diện hoạt sắp xếp kín tốt hơn được tạo ra tại bề mặt phân cách dầu/nước của giọt dầu và sức căng bề mặt trong hệ giảm, các giọt dầu có kích thước nhỏ hơn có xu hướng hình thành[17], [14].
Như vậy, khi tăng tỷ lệ pha dầu hoặc giảm tỷ lệ Cremophor thì khả năng tự nhũ hóa của hỗn hợp dầu /Transcutol/Cremophor giảm, kích thước giọt nhũ tương hình thành lớn dần.
12 hệ OTC tự nhũ hóa tạo vi nhũ tương trong suốt được lựa chọn để xây dựng công thức hệ tự nhũ hóa chứa NaD trong các nghiên cứu sau.