Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về hợp tác xã trên địa bàn tỉnh bình định (Trang 31 - 33)

2.1.1.1. Vị trí địa lý

Bình Định là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (vùng kinh tế trọng điểm miền Trung bao gồm các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam; Bình Định và Thành phố Đà Nẵng). Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Nam giáp tỉnh Phú Yên, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai và phía Đông giáp biển Đông. Cách Thủ đô Hà Nội 1.065 km, cách thành phố Hồ Chí Minh 686 km. Bình Định có vị trí địa lý quan trọng, là cửa ngõ ra biển gần nhất của các tỉnh Tây Nguyên, Hạ Lào, Đông Bắc Kampuchia và Thái Lan (cách cửa khẩu Bờ Y tỉnh Kon Tum qua Lào 300 km).

Bình Định có diện tích tự nhiên 6.071,3 km2, với 11 đơn vị hành chính, trong đó thành phố Quy Nhơn là tỉnh lỵ, đô thị loại 1; 02 thị xã An Nhơn, Hoài Nhơn và 8 huyện gồm An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước. Toàn tỉnh có 159 xã, phường, thị trấn (trong đó: có 147 xã, 10 thị trấn; 32 phường).

Nhìn chung, với các điều kiện về vị trí địa lý, kinh tế và giao thông thủy bộ, các huyện đồng bằng của tỉnh Bình Định có nhiều lợi thế trong việc quản lý nhà nước đối với HTX trên địa bàn tỉnh.

2.1.1.2. Đặc điểm địa hình, địa chất

Bình Định có hai vùng địa hình phân biệt rõ rệt đó là vùng trung du miền núi và vùng đồng bằng chạy dài ven biển. Vùng trung du miền núi chiếm 3/4 diện tích tự nhiên, chủ yếu là các dân tộc thiểu số sinh sống. Vùng đồng bằng Bình Định nhỏ hẹp chiếm 1/4 đất tự nhiên nhưng dân số sinh sống khá đông. Đây là vùng đất màu mỡ thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp còn lại phần lớn là đất trống bạc màu, đất đồi bán sơn địa.

2.1.1.3. Đặc điểm tài nguyên

Bình Định có cảng biển quốc tế Quy Nhơn, cảng Thị Nại và Tân cảng Miền Trung, trong đó cảng biển quốc tế Quy Nhơn có khả năng đón tàu trọng tải từ 5 vạn tấn, cách Phao số 0 khoảng 6 hải lý, cách hải phận quốc tế 150 hải lý. Lượng hàng qua cảng Quy Nhơn năm 2016 đạt 7.074.628 tấn, năm 2018 đạt 9.316.499 tấn, năm 2020 đạt 11.037.118 tấn. Tốc độ tăng trưởng hàng năm bình quân 11,76%.

Tỉnh Bình Định có tiềm năng kinh tế ven biển, với chiều dài bờ biển 134 km, vùng lãnh hải 2.500 km2, vùng đặc quyền kinh tế 40.000 km2 .

Tổng số tàu thuyền khoảng 8.000 chiếc, phần lớn là tàu thuyền đánh bắt xa bờ, sản lượng hải sản khai thác hàng năm trên 100.000 tấn.

Tổng diện tích mặt nước khoảng 10.920 ha (không kể 67.000 ha mặt biển). Trong đó, đầm Thị Nại 5.060 ha, đầm Đề Gi 1.600 ha, vùng cửa sông Tam Quan 300 ha và một số ao hồ nước ngọt là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản hiện nay có khoảng 2.648 ha mặt nước nuôi tôm.

Bình Định có 4 con sông lớn là sông Kôn, sông Lại Giang, sông La Tinh và sông Hà Thanh, hiện có khoảng 135 hồ tự nhiên và hồ nhân tạo với tổng diện tích 38.000 ha chuyên dùng để cung cấp nước cho cây trồng và nuôi trồng thủy sản. Hệ thống mạng lưới các sông suối tập trung nhiều ở miền núi tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thủy lợi và thủy điện, tổng trữ lượng nước khoảng 5,2 tỷ m3.

Diện tích đất lâm nghiệp có rừng 370.514ha, trong đó, rừng sản xuất 158.502 ha, mật độ che phủ rừng đạt 54%. Ngoài ra đất đồi núi chưa sử sụng trên 23.000 ha có thể phát triển trồng rừng nguyên liệu hoặc cây công nghiệp phục vụ cho công nghiệp chế biến lâm sản.

Hiện nay, Bình Định đã và đang tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng theo quy hoạch 8 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 1.761 ha, 55 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.847,7 ha, đặc biệt là Khu kinh tế Nhơn Hội với 14.308 ha.

2.1.1.4. Đặc điểm khí hậu

Tỉnh Bình Định có khí hậu thời tiết mang đặc tính chung của khu vực Duyên hải Miền Trung. Đặc điểm là nền nhiệt cao và ổn định quanh năm, khí hậu phân hóa thành 2 mùa rõ rệt.

Lượng mưa: do điều kiện hoàn lưu gió mùa và ảnh hưởng địa hình nên mùa mưa trái với quy luật chung của cả nước. Lượng mưa trung bình cả năm trên 2.890mm, nhưng phân bố không đều trong năm. Trong mùa khô, lượng mưa ít, khả năng bốc hơi nước rất lớn vì vậy thường dẫn đến khô hạn.

Nhiệt độ trung bình trong năm là 280C, tháng nóng nhất là tháng 6 đến tháng 8; tháng lạnh nhất là từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau.

Gió: tỉnh Bình Định trong chế độ gió mùa Đông Nam, tuy hướng gió phụ thuộc vào các mùa. Vào mùa Đông, hướng gió hình hành từ Bắc đến Đông Bắc kèm theo không khí lạnh và mưa phùn ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Vào mùa nắng hướng gió chủ yếu từ Đông đến Đông Nam; cuối mùa nắng hướng gió thịnh hành từ Tây đến Tây Nam, loại gió này khô, nóng ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất nông nghiệp.

Nhìn chung, Bình Định nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên trong những năm gần, điều kiện khí hậu diễn biến khá phức tạp, thiên tai lũ lụt thường xuyên xảy ra, tình trạng thiếu nước ngọt trong mùa khô đã diễn ra nhiều nơi. Do vậy, việc điều chỉnh qui hoạch bố trí cây trồng, vật nuôi thích ứng với sự biến đổi khí hậu nhằm hạn chế ảnh hưởng xấu do thiên tai gây ra.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về hợp tác xã trên địa bàn tỉnh bình định (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)