2.1.Con người với bi kịch thân phận
2.1.1.Bi kịch cô đơn cùng cực
Trong Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian, anh và nàng là
những con người đầy cô đơn. Họ khao khát tìm kiếm cho mình sự đồng cảm, đồng điệu, song bao giờ cũng vậy, những lúc họ ở gần nhau nhất là những lúc họ cảm thấy sâu sắc khoảng cách giữa mình và đối phương. Cảm thức cô đơn được thể hiện trong tiểu thuyết này một cách tự nhiên đến vô lý. Ngay từ đầu, các nhân vật đã cảm nhận rõ về nó. Họ khao khát đến với nhau để xóa bỏ nó, nhưng không thể. Người đọc không thể truy tìm được nguyên nhân thật sự đằng sau sự cô đơn đó của họ. Dường như bản chất của họ đã là sự cô đơn.
2.2.1.1.Bi kịch cô đơn của con người trong cuộc đối đầu với Định kiến và cái Ác
Trong những giấc mơ của mình, dù có anh bên cạnh hay không, nàng vẫn là một cô gái cô đơn phải tự mình đối mặt với những diễn biến quái đản của giấc mơ. Sự cô đơn tận cùng được lột tả ở cái cảm giác trơ trọi, lạc lõng và xa lạ với những không – thời gian trong mơ. Nhà văn miêu tả như thể nàng bị một thế lực tàn bạo vô hình nào đó nhẫn tâm ném thẳng vào những giấc mơ hoang đường. Nàng không biết những gì đang chờ đợi mình ở những giấc mơ đó, nhưng phải chấp nhận đi đến cùng trong những giấc mơ. Sự chấp nhận ấy vừa thể hiện sự dũng cảm, vừa khắc họa sắc nét sự cô đơn của nàng. Ngay cả khi có Life Navigator 25 đi cùng, thì dường như trong những giấc mơ này, anh cũng hoàn toàn bất lực trong việc cứu nàng ra khỏi những rắc rối.
Trong chương “Minotaur hát giữa quảng trường”, sau khi anh và nàng đến quảng trường chứng kiến đoàn người hành hạ con vật đầu thú – mình người
đang hát, họ đã tìm đến ngồi trong một quán cà phê bên bờ biển để hồi tưởng lại những gì xảy ra sau đó, những gì “càng đứt đoạn, lờ mờ và ít có vẻ thực
hơn trong ý thức” [13, tr.75]. Rõ ràng trước đó họ đang đi cùng với nhau,
nhưng ngay sau đó chàng lại ở trong một phòng khám xa lạ ở nước ngoài để khâu mũi vì bị một gã Hộ Pháp khổng lồ đấm. Nàng thì bị một gã khổng lồ khác làm nhục ngay giữa đường vì đã xông vào ngăn cản hắn ta hành hạ một con chó. Mặc dù đã ra sức ngăn hắn lại, nhưng nàng không thể cứu nổi con vật đáng thương kia. Cái chết của con vật đầy thảm hại vì “một số người qua
đường lấy làm tiếc rẻ đã không kịp chụp ảnh khi nó còn chưa chết hẳn”. Còn
nàng thì bị hắn nhấc bổng lên như một con mèo. Gã “cười hềnh hệch vào mặt
nàng, nhổ nước bọt vào miệng nàng, lột trần nàng, và vứt phịch nàng xuống vỉa hè sau đó thì bỏ đi, thậm chí không thèm cả chơi nàng có lẽ vì với gã nàng quá nhỏ hoặc có thể vì lý do khác hoặc chẳng vì lý do gì” [13, tr.76]
Cặp đôi ngồi uống nước sau biến cố đó trong cái tĩnh lặng của không gian chỉ có độc nhất tiếng khóc thút thít của nàng và bài hát Dalida hát được phát trong cái đĩa 45 vòng mà “bằng cách nào đó tiếng hát khiến cho tĩnh
lặng quanh nàng dường như lớn hơn, hay đúng hơn không phải sự tĩnh lặng mà là sự cô đơn của nàng. Nàng nhớ lại những tiếng thút thít của mình mà lúc này không quay lại nữa, tiếng thút thít mà chàng có thể hiểu là do nỗi nhục bị kẻ khác lột trần giữa phố, do ý thức được sâu sắc hơn bao giờ hết sự bất lực tuyệt đối của một linh hồn giống như linh hồn của nàng trong thế giới này, tuy nhiên, trong tiếng thút thít này còn một cái gì đó mà bản thân nàng không muốn thừa nhận và chàng không muốn thấy dù có khả năng nhìn thấy, đó là cảm giác ô nhục vì nỗi nàng không được hay bị gã khổng lồ kia đụng tới, khi mà toàn bộ những gì đã xảy ra dường như chỉ có thể dẫn tới một và chỉ một kết cuộc, một kết luận đó thôi: hắn đã tha nàng vì hắn chê nàng” [13,
Hay trong chương “Máu đổ toa tàu và những gì xảy ra sau đó”, anh và nàng tham gia một chuyến tàu đẫm máu. Toàn bộ hành khách trên tàu đều bị gã Hộ Pháp khổng lồ giết chết một cách man rợ, chỉ còn lại anh với nàng. Một Life Navigator có đủ tài phép ở hiện thực và trong mơ lại không thể làm gì để ngăn chặn gã khổng lồ kia không làm hại người yêu mình. Khi nạn nhân cuối cùng đã chết, gã hướng sự chú ý về nàng. Nàng lập tức tìm mọi cách để chạy trốn khỏi toa tàu đó, “Lập tức bước chạy của nàng, vốn chỉ mới bắt đầu thực
sự vững và tương đối giống chạy hơn, liền ríu ngay lại, như thể mắt hắn vừa giật sợi dây vô hình ở trong chính nàng và gây rối cho cử động của nàng.”
Lúc này, người yêu nàng đã nhặt được một con dao rơi khỏi tay người đàn bà nạn nhân trước đó. Những tưởng đó sẽ là lối thoát cho cặp đôi này khỏi kẻ thủ ác. Nhưng chàng không thể nào đâm được con dao vào người kẻ ác đó, cho dù đã rất nỗ lực.
Nhà văn mô tả những sợ hãi hoang mang chi phối con người Life Navigator 25 từ lúc nhìn thấy con dao đến khi tìm cách nhặt nó lên và đâm vào người gã khổng lồ:
“Chàng phải có nó. Chàng có thể có được nó không? Nó kia, trên sàn, ngay
giữa lối đi, hơi chếch về dãy ghế bên trái, cách chàng không xa. Có chắc là không xa không? Nó gần hắn hơn hay gần mình hơn? Hắn vẫn đang tập trung vào nàng, gần như xoay lưng lại, không để tâm đến chàng. Có thật thế không? Mình phải hành động thật nhanh. Nhanh, dứt khoát, chuẩn xác. Mình làm được không? Mình có cơ hội không?” [13, tr.109]
Lúc này nàng phải tự mình đương đầu với gã thủ ác chỉ với một khẩu súng trong tay, “phần nối dài tối hậu của nàng” song “Nàng sẽ không bắn. Hoặc
bắn cũng như không: điều này tiếp tục rõ nhưban ngày”. Người duy nhất có
thể và phải làm gì đó là chàng, nhưng chàng lại đâm hụt, “cái gì đó chặt
phải là thể xác xương thịt chàng bị đứt. Nhưng không phải chỉ có chàng bị đứt. Một cái gì đó khác chàng, ở bên ngoài chàng cũng bị đứt ngay lúc đó.”
[13, tr.12]
Trong giấc mơ nàng bị tên Hộ Pháp làm nhục giữa phố, người đọc có lẽ sẽ tự hỏi chàng ở đâu khi nàng gặp rắc rối. Sự biến mất của Life Navigator 25 là một dấu chấm hỏi lớn. Nếu anh ở đó, có lẽ sự thể sẽ khác, anh sẽ ra tay để bênh vực và bảo vệ nàng, hay chí ít tên Hộ Pháp cũng sẽ không thể làm nhục nàng vì thấy nàng có một người đàn ông bên cạnh. Nhưng nàng chỉ có một mình và phải một mình hứng đủ sự tàn nhẫn của kẻ ác. Khi họ đã quay trở về nghỉ chân tại quán cà phê trên bờ biển, anh đã nghĩ rằng nàng khóc vì cảm thấy ấm ức, và cố lảng tránh đi ý nghĩ rằng một phần của ấm ức đó là do mặc cảm nàng bị gã đàn ông kia chê bai. Thậm chí, có lẽ lý do chủ yếu khiến nàng khóc thút thít là do không được gã đàn ông kia hiếp mình. Ý nghĩ này thật khó chấp nhận, khi chính nạn nhân lại cảm thấy bất mãn vì kẻ đã hạ nhục mình không thể hạ nhục thêm được nữa. Với nàng, việc gã đàn ông kia chê bai thân thể mình nên không thèm cưỡng hiếp còn nhục nhã hơn bản thân việc bị cưỡng hiếp. Và anh không thể chia sẻ được với nàng nỗi nhục to tát đó. Điều này khắc họa đậm nét nỗi cô đơn của nàng.
Việc ấm ức vì bị gã đàn ông kia từ chối cưỡng hiếp gợi cho người đọc đến căn bệnh Khổ dâm, một trong những đề tài cấm kỵ của văn học truyền thống, nhưng đến văn học Hậu hiện đại, các nhà văn đã đưa chủ đề này vào trong các tiểu thuyết của mình để thể hiện sự lạc lối của con người. Khổ dâm, trong quan niệm truyền thống, là một hành vi bệnh hoạn, đầy sai trái, thể hiện sự sa ngã tuyệt đối của con người. Người ta càng không lý giải được nó thì càng né tránh nó. Trong văn học Hậu hiện đại, Khổ dâm được nói tới như một sự sụp đổ đức tin của con người vào những gì là thánh thiện, cao quý. Con
người mất niềm tin vào những giáo điều kiềm tỏa dục vọng, tha thiết muốn tung hê tất cả.
Trong truyện, chi tiết này thể hiện sự cô đơn tột độ của nàng. Đó không chỉ là nỗi cô đơn vì bị bỏ mặc lại chỉ có một thân một mình trong giấc mơ hoang đường, mà còn là cảm giác không thể được ai đó thấu hiểu đồng cảm đến cùng với mình, sự cô đơn giữa đám đông. Ý nghĩ cảm thấy nhục nhã vì không thể bị hiếp là một ý nghĩ lệch lạc, thầm kín, và nàng không thể để ai biết được ý nghĩ đó. Life Navigator thấu hiểu những gì nàng nghĩ, nhưng lại cố lảng tránh đi không quan tâm đến ý nghĩ đó. Chàng có thể chăm sóc, an ủi nàng vì nàng bị người khác ức hiếp, nhưng không thể đồng cảm với nàng vì nàng không bị người khác làm nhục. Nàng chỉ có thể giữa riêng cho mình suy nghĩ đó, và thút thít khóc trong ấm ức mà thôi. Từ đó, phải chăng nhà văn muốn thể hiện sự cô đơn của cái lệch chuẩn khi bị đặt giữa một rừng chuẩn mực, sự cô đơn của cái khác biệt giữa vô vàn quy tắc luật lệ lối mòn rập khuôn?
Giấc mơ chàng và nàng bị tên Khổng Lồ tấn công được miêu tả như một màn phim hành động Hollywood, chỉ có điều nếu như trong một bộ phim hành động Mỹ họ là giai nhân và người hùng, thì trong truyện, họ lại là những nạn nhân thảm hại của bạo lực. Cũng như giấc mơ trước, nàng chẳng có bất cứ sự bảo vệ nào từ người yêu của mình. Khi gã Khổng Lồ tấn công mình, nàng chỉ có cây súng trong tay để tự vệ. Chàng có con dao nhặt được từ tay người mẹ bị cắn nát đầu đến chết. Có trong tay vũ khí là súng và dao, nhưng họ không thể thoát nổi kẻ ác. Nhà văn liên tục để cho Life Navigator và nàng có những băn khoăn, dằn vặt, trăn trở không cần thiết trong khoảnh khắc sống chết. Giữa sự sống và cái chết, con người thường không suy nghĩ nhiều đến vậy. Họ thường có xu hướng làm tất cả mọi thứ theo bản năng để giành giật sự sống. Bốn nạn nhân trước đó, từ các cô gái ngồi tám chuyện trên tàu đến
ba mẹ con trong to tàu họ gặp là một ví dụ điển hình. Khi gã khổng lồ tiến lại gần mình, các cô gái chống trả quyết liệt, còn người mẹ, khi nhận ra hai đứa con của mình và mình sắp bị hại, cô đã “hóa thú” điên cuồng lao vào kẻ ác hòng tìm lấy một cơ may sống sót cho con. Nhưng cả chàng và nàng, khi đối diện trước khổng lồ đang dửng dung trước mọi đau đớn của con người và chỉ chờ chực tước đoạt nốt mạng sống của họ, hai nạn nhân cuối cùng trên toa tàu định mệnh lại miên man suy nghĩ không ngừng.
Những suy nghĩ của nàng và anh xoay quanh việc giết hay không giết kẻ ác. Trước giấc mơ này, trong chương “Đối thoại 2”, khi ngồi tại Hồ Tây để nói chuyện, anh từng thể hiện sự căm ghét đối với những hành vi man rợ, phi nhân tính của con người, và nói với nàng rằng nếu có thể, sẽ tự tay giết những kẻ ác đó, trừng phạt thích đáng chúng bằng chính cái chết mà chúng gieo rắc. Nhưng giờ đây, anh lại yếu lòng đến lạ. Người đọc nhận ra nguyên nhân thực sự đằng sau những băn khoăn lăn tăn của anh và nàng. Người cầm súng không thể nào cầm chắc trong tay để mà bóp cò, mặc cho kẻ ác nhiều lần thách thức trêu ngươi. Người cầm dao thì không thể nhắm cho trúng đích vì quá hồi hộp căng thẳng. Đến tận khoảng khắc phải giành giật sự sống từ tay kẻ ác, nhưng anh vẫn không dám tin chắc rằng mình sẽ giết được kẻ ác đó. Chính sự không tin này đã khiến anh đánh mất đi cơ hội bảo vệ người yêu và mình. Ban đầu, anh không tin là mình sẽ đến được chỗ con dao và lấy được nó. Sau đó, anh không tin là mình có thể cầm con dao đó nhắm vào lưng kẻ ác kia. Cuối cùng, khi buộc phải lao con dao vào hắn, anh không tin rằng mình sẽ đâm trúng. Vậy mà anh vẫn không thể làm khác đi được. Tại sao vậy? Dù không tin chắc là mình sẽ làm được, nhưng anh vẫn phải từng chút một bất đắc dĩ làm những điều đó. Anh bị chính những suy nghĩ đầy định kiến của mình chi phối. Khi nàng bị tấn công, theo lẽ thường, người đàn ông phải bảo vệ nàng. Khi có một tia hy vọng để đánh bại kẻ ác, trong trường hợp này là
con dao rơi ra từ cái xác người mẹ mới bị giết, theo lẽ thường, anh phải nắm bắt ngay cơ hội. Cũng giống như phim Hollywood đã xây dựng những bộ phim hành động thành công thức: Anh hùng cứu Mỹ nhân, những định kiến trong đời chi phối cách con người ứng xử trong từng tình huống và biến cố. Nhưng vấn đề ở đây là con người không đủ bản lĩnh, đủ tin tưởng và đủ khả năng để mà hành động theo những định kiến sẵn có đó. Sự bất đắc dĩ phải hành động, để rồi gặt lấy thất bại thảm hại chính là một biểu hiện nữa cho sự cô đơn của con người.
Con người thời đại kỹ trị luôn bị bủa vây bởi hàng loạt những định kiến vô hình. Điều này giống như một nghịch lý, nhưng lại là sự thật. Thay vì đó là những hủ tục hà khắc kiềm tỏa trực tiếp sự tự do của con người trong thời Phong kiến Trung cổ, thì giờ đây, đó lại là những chuẩn mực tồn tại vững chắc trong tư duy của mỗi người. Mỗi người thường tiếp thu những chuẩn mực sẵn có của xã hội để biến nó trở thành định kiến của chính mình, chi phối cách hành xử trong giao tiếp, làm việc, sinh hoạt. Một vấn đề muôn thuở xuyên suốt từ Trung cổ, Phong kiến đến Hiện đại và Hậu hiện đại là con người luôn lo sợ những gì người khác nghĩ về mình. Đó là lý do định kiến của đám đông luôn quan trọng hơn định kiến của chính mỗi người. Nếu như trong quá khứ, con người từng phải sống khép mình trong cái vỏ bọc để không bị phán xét, bình luận ác ý thì thời nay, con người nhiều khi cũng phải chịu thua trước dư luận đám đông. Bi kịch ở đây là, con người không thể lúc nào cũng tuân theo định kiến của số đông được. Càng cố để không bị phán xét thì con người càng nhận ra sự bất toàn của chính mình không thể lúc nào cũng tương xứng với quy chuẩn của dư luận xã hội. Sự cô đơn nằm ở chỗ họ đánh mất đi quyền lựa chọn của mình, cái khác biệt của mình trong lúc sống cho đám đông, sống vì định kiến dư luận.
Trong truyện, anh và nàng dù cố đến mấy cũng không thể giết được kẻ thủ ác. Họ có căm hận hắn, kinh sợ hắn, ghê tởm hắn, tha thiết muốn được giết chết hắn để thoát khỏi hắn, nhưng họ không phải là những kẻ giết người. Sự khác biệt giữa họ và những nạn nhân còn lại nằm ở chỗ: họ có cơ hội giết chết hắn nhưng lại không làm, trong khi những người kia sẵn sàng giết hắn để thoát thân thì lại không có cơ hội. Người mẹ kia đã làm tốt bổn phận của mình: chết để bảo vệ con. Nhưng anh lại không thể giống như diễn viên phim