Bản thân nhân vật Life Navigator 25 và người yêu chính là một biến thể của con người Trần Tiễn Cao Đăng. Trong chương “Đối thoại 1”, khi được nàng hỏi về nghề nghiệp của mình, anh đã trả lời rằng mình “làm cái
lưỡi nói thay cho người ta”. Nàng hiểu ngay rằng anh làm thông dịch viên.
Chương “Về âm nhạc, văn chương, phụ nữ…, giữa cơn mưa” tiết lộ anh cũng là một nhà văn và đang có dự định viết một cuốn tiểu thuyết. Trong nhiều chương của tiểu thuyết, Life Navigator 25 luôn tự nhận mình là một nhà văn trong đời thực. Như vậy, nếu như trong những giấc mơ, anh là một Life Navigator mang số hiệu 25, người có khả năng thâm nhập vào những giấc mơ của nàng, thì ngoài đời, anh lại có thân phận là một nhà văn kiêm dịch giả tên T. Điều này không khỏi khiến người đọc liên tưởng tới chính tác giả Trần Tiễn Cao Đăng, vừa là một dịch giả của nhiều tác phẩm văn học nước ngoài, vừa là một nhà văn chuyên viết những tiểu thuyết và truyện ngắn mang phong cách hiện thực huyền ảo. Ngoài ra, chi tiết nàng xuất thân từ một gia đình gốc Huế cũng khá trùng hợp khi đây cũng là quê gốc của Trần Tiễn Cao Đăng. Trong truyện, khi Life Navigator sắp phải nói lời chia tay với người yêu, anh đã đưa nàng đến sông Hương, một biểu tượng của mảnh đất cố đô. Đến gần
cuối truyện, trong chương “Về âm nhạc, văn chương, phụ nữ…, giữa cơn
mưa”, nhà văn T. đã có một cuộc bàn luận với người bạn trong quán cà phê
ấm cúng, khi ngoài trời đang mưa lớn. Nhà văn T sau đó đã hứa với bạn mình là sau này có dịp sẽ cùng anh ta đi nhậu khuya ở kênh Nhiêu Lộc. Chi tiết này cho thấy nơi anh và nàng đang ở ngoài đời cũng chính là thành phố Sài Gòn, nơi sinh sống và làm việc hiện nay của Trần Tiễn Cao Đăng.
Nhưng điều đáng nói hơn cả, là Trần Tiễn Cao Đăng đã gửi gắm toàn bộ vốn kiến thức uyên bác của anh vào nhân vật Life Navigator 25. Trong truyện, để tiếp cận được nàng trong đời thực, Life Navigator 25 phải mượn thân xác của nhà văn kiêm dịch giả tên T. Tuy chỉ là một nhà văn và dịch giả bình thường như bao người, nhưng T lại sở hữu vốn kiến thức khổng lồ về các lĩnh vực tôn giáo, tâm lý, đặc biệt là về nghệ thuật thường thức. T thường bàn luận, tranh cãi với người yêu và bạn những vấn đề anh tâm đắc liên quan đến nhiều lĩnh vực trên. Trong những cuộc nói chuyện với họ, người đọc có thể nhận ra vốn kiến thức am hiểu đầy uyên bác và rộng lớn của T, mà thực ra cũng chính là của Trần Tiễn Cao Đăng. Dù là những cuộc nói chuyện có vẻ bình thường, nhưng đằng sau những câu từ là một khối lượng lớn kiến thức thường thức được lựa chọn, chắt lọc kỹ càng trở thành tinh hoa, cốt cách của nhà văn và những triết lý sâu sắc anh muốn chuyển tải cùng với chúng. Người đọc đến đây khó có thể tác bạch rõ ràng đâu là Life Navigator 25, đâu là người kể chuyện, nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng nữa. Dường như chính nhà văn là Life Navigator 25 đang kể lại câu chuyện của mình.
Những chi tiết nhỏ đã góp phần định hướng cho người đọc đi đến ấn tượng chủ quan: những nhân vật chính trong truyện chính là hiện thân cho con người nhận thức của tác giả.
Trần Tiễn Cao Đăng là một nhà văn đầy tham vọng với cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình – Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian.
Cuốn tiểu thuyết này mang phong cách văn học Hiện thực huyền ảo với
những ảnh hưởng rõ rệt của chủ nghĩa Hậu hiện đại. Bên cạnh đó, nhà văn
còn thể hiện vốn học thức uyên bác của mình bằng việc đưa vào tác phẩm khá nhiều những kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực thường thức khác nhau. Anh yêu cầu khá cao đối với chính mình trong việc viết văn cũng như với cả bạn đọc trong việc tiếp nhận, thưởng thức tác phẩm của mình. Đến với thế giới của nàng và Life Navigator 25, người đọc cần phải tự trang bị một số kiến thức nhất định như những chiếc chìa khóa thiết yếu để giải mã những ẩn số trong đó, đặc biệt là Văn chương, Hội họa, Âm nhạc, Phật học.
Chương 2: ĐẶC ĐIỂM THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT LIFE NAVIGATOR 25: NGƯỜI TÌNH CỦA CẢ THẾ GIAN