3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
1.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU
Hiện nay, sâu hại vẫn là mối gây hại nguy hiểm cho nhiều đối tượng cây trồng. Tuy áp dụng nhiều biện pháp để phòng trừ sâu hại nhưng hiệu quả đạt được không như mong muốn, nhiều loài sâu vẫn gây hại nặng, hệ lụy tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, ô nhiễm môi trường. Việc áp dụng biện pháp hóa học tuy có hiệu quả nhanh nhưng không bền vững và gặp nhiều khó khăn như: gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe con người, vật nuôi, tiêu diệt các thiên địch trong tự nhiên làm mất cân bằng sinh thái.
Áp dụng biện pháp sinh học như phun trừ bằng chế phẩm nấm, vi khuẩn đã có được một số ưu điểm như: Không gây ô nhiễm môi trường; không gây độc cho người, gia súc và thiên địch. Song bên cạnh cũng gặp nhiều khó khăn như: chi phí cao, hiệu quả thấp, dễ bị tái nhiễm và không ổn định theo mùa. Các chế phẩm nấm chỉ phát huy hiệu lực khi sử dụng trong điều kiện nhiệt độ thấp, ẩm độ không khí cao trên 85%, đặc biệt trong mùa mưa; còn mùa nắng với nhiệt độ cao và ẩm độ thấp thì nấm không thể phát triển ngoài tự nhiên được.
Trước những thực trạng đó, vấn đề cấp bách đặt ra cho việc phòng trừ sâu hại là phải nghiên cứu xác định một tác nhân sinh học khác, một loài thiên địch bản địa để khống chế.
Theo Phạm Văn Lầm (1995), sự đa dạng về loài thực vật sẽ dẫn đến đa dạng về loài sâu hại và thiên địch của chúng. Đa dạng sinh học các loài thiên địch có thể được tăng cường và phát huy hiệu quả bằng cách nhân nuôi rồi phóng thích hàng loạt. Van Mele và Nguyễn Thị Thu Cúc (2000), Van Mele và cs (2002) đã sử dụng kiến vàng để quản lý sâu hại trên cam quýt thành công trên nhiều vườn cây ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Quần thể kiến vàng đã từng bước được khôi phục lại trên rất nhiều vườn cây có múi tại Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó đã làm giảm một cách đáng kể lượng hóa chất bảo vệ thực vật trên các vườn cam, quýt, bưởi. Sự thành công này có ý nghĩa khích lệ to lớn cho việc tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các loài bắt mồi ăn thịt phòng trừ sâu hại ở nước ta.
Tại Việt Nam cũng đã có một số nghiên cứu về bọ đuôi kìm và ứng dụng chúng trong phòng trừ sâu hại như nhân nuôi và sử dụng bọ đuôi kìm Chelisoches spp. phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa (Nguyễn Thị Thu Cúc và cs, 2010) hay sử dụng bọ đuôi kìm
Euborellia annulipes trong phòng chống sâu tơ và sâu khoang hại rau họ thập tự (Bùi Xuân Phong và cs, 2010).
Nghiên cứu khai thác lợi dụng thiên địch tự nhiên để phòng chống sâu hại hiệu quả là một hướng quan trọng trong phát triển biện pháp sinh học. Đây cũng là biện pháp chủ đạo của hệ thống phòng trừ dịch hại tổng hợp và là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững. Các nhà khoa học đã thành công trong việc nhân nuôi và sử dụng một số thiên địch bản địa trong việc phòng trừ dịch hại bảo vệ cây trồng, hạn chế sử dụng thuốc hóa học theo hướng đấu tranh sinh học.