- Phụ nữ có thai được coi là thiếu máu khi hàm lượng Hemoglobin trong máu thấp <11g/dl. Có nhiều nguyên nhân có thể gây thiếu máu nhưng thường gặp nhất ở phụ nữ có thai là thiếu máu thiếu sắt. Thiếu máu không chỉ ảnh hưởng không tốt đến thai phụ mà còn gây ra nhiều hậu quả xấu cho trẻ sau này.
- Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, hiện có khoảng 30% dân số thế giới bị thiếu máu, chủ yếu là thiếu máu do thiếu sắt.
- Điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2015 cho thấy 32,8% phụ nữ có thai tại Việt Nam bị thiếu máu trong đó thiếu máu do thiếu sắt chiếm gần 70%.
- Nguyên nhân chủ yếu của thiếu máu và thiếu vi chất ở phụ nữ cóthai là do chế độ ăn không cung cấp đủ nhu cầu. Nhu cầu sắt của phụ nữ có thai cao hơn để cung cấp cho thai nên tình trạng thiếu máu thiếu sắt càng phổ biến. Phụ nữ bị suy dinh dưỡng trước khi mang thai cũng tăng nguy cơ thiếu máu khi mang thai.
- Thiếu máu ở phụ nữ có thai gây nên tình trạng thiếu ôxy ở các tổ chức, đặc biệt ở một số cơ quan như tim, não…có thể gây nhiều hậu quả nặng nề cho cả mẹ và con. Mẹ dễ bị sẩy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sanh, nhiễm trùng hậu sản. Con bị nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai, thời gian điều trị hồi sức kéo dài, dễ mắc bệnh sơ sinh hơn so với trẻ không thiếu máu. Con của những bà mẹ thiếu máu giai đoạn sớm của thai kỳ có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác.
- Để kiểm soát tình trạng thiếu máu thiếu sắt và thiếu vi chất ở phụ nữ có thai cần chủ động có chế độ ăn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng, bổ sung viên sắt và acid folic, kiểm soát tình trạng nhiễm ký sinh trùng đường ruột và sốt rét.
- Sắt có nhiều trong thịt đỏ, cá, gan, lòng đỏ trứng, đậu đỗ, rau xanh... Sắt từ thức ăn có nguồn gốc động vật sẽ hấp thu tốt hơn sắt từ nguồn thực vật. Thực phẩm giàu sắt bao gồm: Tiết bò (52,6 mg/ 100g), tiết lợn (20,4 mg/100 mg), gan gà (8,2 mg/100g), gan lợn (12 mg/100g), bầu dục lợn ( 8,0 mg/100g), lòng đỏ trứng gà (7,0 mg/100g), lòng đỏ trứng vịt ( 5,6 mg/100g), tim lợn ( 5,4 mg/100g), cua đồng (4,7 mg/100g), đậu tương (11 mg/100g), cần tây (8,0 mg/100 mg), rau đay (6,8 mg/100g), hạt sen khô (6,1 mg/100g), rau dền trắng (5,4 mg/100g), rau dền đỏ (4,8 mg/100g), đậu ngót (2,7 mg/100g), thịt bò (12 mg/100g), thịt lợn (9 mg/100g).
- Phối hợp với các lọai trái cây tươi giàu vitamin C sau bữa ăn như cam, bưởi, thanh long, táo… sẽ giúp hấp thu sắt tốt hơn; hạn chế những chất ức chế hấp thu sắt như tannin, phytat có trong ngũ cốc thô, trà...
- Phụ nữ có thai cần được uống bổ sung viên sắt (60mg sắt nguyên tố/ngày) hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn quốc gia về phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng. [4]