Tình hình kiến thức tự chăm sóc và điều trị của người bệnh tăng huyết áp ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng tuân thủ điều trị của người bệnh tăng huyết áp sau điều trị nội trú tại khoa nội tim mạch bệnh viện đa khoa tỉnh vĩnh phúc đầu năm 2017 (Trang 30 - 33)

tăng huyết áp ở Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, trong những năm gần đây, có nhiều đổi mới về chiến lược kinh tế. Nhiều nhà đầu tư đã và đang đầu tư vốn vào phát triển du lịch, công nghiệp sản xuất máy móc…Điều này đã làm thay đổi lối sống, và chế độ ăn của con người Việt Nam. Nó cũng là nguyên nhân làm gia tăng bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường…

Số lượng người tăng huyết áp ngày càng tăng. Điều đáng lo ngại hơn nữa là biến chứng do tăng huyết áp để lại rất nặng nề như tai biến mạch máu não.

Tăng huyết áp là một bệnh có thể kiểm soát được nếu người bệnh có một chương trình quản lý huyết áp và thực hiện các hoạt động tự chăm sóc như tuân thủ chế độ thuốc điều trị, thực hiện chế độ ăn uống phù hợp, tham gia các hoạt động thể dục phù hợp với sức khỏe của mình, kiểm soát huyết áp, tránh căng thẳng tâm lý.

Đa số người bệnh bị tăng huyết áp không có triệu chứng gì cho tới khi phát hiện ra bệnh vì vậy nhiều người không biết mình bị tăng huyết áp. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thành Sang trong số 763 người nghiên cứu có 73,13% không biết hoặc không nhớ trị số huyết áp của mình; 82,96% không biết ngưỡng (định nghĩa) tăng huyết áp; 16,64% không biết cách phát hiện tăng huyết áp; 47,31% không biết bất kỳ yếu tố nguy cơ nào của tăng huyết áp; 17,96% không biết tăng huyết áp là nguy hiểm với sức khoẻ. Trong số 345 người tăng huyết áp có 15,07% không biết cách điều trị tăng huyết áp; 22,03% không biết tăng huyết áp cần phải điều trị liên tục; 24,93% không biết tăng huyết áp cần phải kiểm tra, tái khám huyết áp định kỳ. Trong số 306 người đã được chẩn đoán tăng huyết áp từ trước, có 49,67% không nhớ trị số huyết áp của mình khi được chẩn đoán; 19,93% không uống thuốc điều trị. Trong số 245 người điều trị tăng huyết áp, có 82,45% không biết tên thuốc đang uống; 69,80% không biết mức huyết áp cần đạt khi điều trị; 15,92% không tái khám định kỳ [8]. THA là một bệnh lý mạn tính, tăng dần và nguy hiểm nhưng hầu hết các người bệnh không biết về mối nguy hiểm này. Kiến thức về bệnh tăng huyết áp còn nhiều hạn chế, hơn nữa những người bệnh đã được chẩn đoán là tăng huyết áp vẫn chưa ý thức việc tuân thủ điều trị.

Trong nghiên cứu của Chu Hồng Thắng ( 2008), đa số người mắc bệnh THA không biết mình bị THA chiếm tỷ lệ 75,3% [10]. Theo nghiên cứu của Phạm Gia Khải ở địa bàn Hà Nội, số người mắc THA không biết mình bị THA chiếm tỷ lệ 78,5% [7]. Nghiên cứu của Nguyễn Thu Hiền tại xã Linh Sơn, Đồng Hỷ, Thái Nguyên thì người mắc bệnh THA không biết mình bị THA chiếm tỷ lệ 75,4% [5].

Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Loan: không được phát hiện 81,55% [29], tỷ lệ người không biết mình bị THA ở cán bộ thuộc diện tỉnh Lào Cai quản lý 87,17% [12]. Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Lân Việt ở xã Xuân Canh, Đông Anh, Hà Nội tỷ lệ người dân không biết mình bị THA/tổng số người THA là 65,4%

[15]. Đối với các trường hợp THA đã đến bệnh viện điều trị vẫn còn tỷ lệ người không biết mình bị THA/tổng số người THA khá cao(14,9%), như trong nghiên cứu của Trần Đức Thành [13].

Tỷ lệ người dân có điều trị thường xuyên trong số đối tượng biết mình bị THA trong nghiên cứu của Chu Hồng Thắng là 42% thấp hơn tỷ lệ người không điều trị thường xuyên là 58% trong tổng số đối tượng biết mình bị THA. Nghiên cứu của Trần Đức Thành: tỷ lệ người dân biết mình bị THA nhưng không điều trị 18,4% và điều trị thường xuyên cũng chỉ đạt 62,1% [13]. Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Lân Việt: tỷ lệ người dân THA có điều trị thường xuyên là 72,1% trong tổng số đối tượng biết mình bị THA [15]. Theo nghiên cứu của Phạm Gia Khải, tại địa bàn Hà Nội, tỷ lệ người dân THA được điều trị thường xuyên là 27,09% [7].Tỷ lệ THA được điều trị thường xuyên ở nhóm đối tượng cán bộ thuộc diện bảo vệ sức khoẻ do tỉnh Lào Cai quản lý là 9,94% [12].

Hút thuốc lá là thói quen của rất nhiều người. Tuy nhiên đối với người bệnh tăng huyết áp, hút một điếu thuốc lá, HATT có thể tăng lên tới 11 mmHg, HATTr tăng lên đến 9 mmHg, kéo dài 20 - 30 phút. Hút thuốc nhiều có thể có cơn THA kịch phát [8].

Ở Việt Nam tỷ lệ lạm dụng rượu ước tính 8% dân số và 4% là nghiện rượu [5]. Rượu được hấp thu nhanh qua đường tiêu hoá, chủ yếu đoạn đầu ruột non và đạt hàm lượng trong máu cao nhất sau khi uống từ 30 đến 90 phút. Một số nghiên cứu cho thấy THA ở 20 - 30% số người lạm dụng rượu [5].

Các thử nghiệm cho thấy rằng ăn nhiều muối (trên 14g/ngày) sẽ gây THA; trong khi ăn ít muối (dưới 1g/ngày) gây giảm HA động mạch. Một điều tra dịch tễ học: so sánh 1128 và 909 cặp đôi giữa nhóm THA và nhóm đối chứng thấy rằng, tỷ lệ số người ăn mặn THA cao hơn rõ rệt so với nhóm những người bình thường [15].

Hạn chế ăn mặn làm giảm huyết áp. Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thu Hiền, 69,7% người biết ăn nhạt làm giảm huyết áp, kiến thức về hoạt động thể lực là 90,4%. Nhưng kiến thức về uống rượu vừa phải ít được biết đến[5].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng tuân thủ điều trị của người bệnh tăng huyết áp sau điều trị nội trú tại khoa nội tim mạch bệnh viện đa khoa tỉnh vĩnh phúc đầu năm 2017 (Trang 30 - 33)