Thuận lợi:
Nhân lực: Bệnh viện Nhi là bệnh viện hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế,
là bệnh viện chuyên khoa nhi đầu ngành tuyến cuối của cả nước. Bệnh viện có đội ngũ nhân viên y tế được đào tạo bài bản trong nước và quốc tế đáp ứng được nhu cầu bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhi trong cả nước. Do là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của cả nước nên các chuyên khoa được chuyên biệt hóa chuyên khoa sâu giúp cho quá trình điều trị chăm sóc bệnh nhi được tốt hơn. Ngoài việc có trình độ chuyên môn sâu phải kể đến tác phong làm việc độc lập, phối hợp theo nhóm đội rất nhịp nhàng, chuyên nghiệp của đội ngũ điều dưỡng bệnh viện Nhi trung ương. Như chúng ta đã biết bệnh viện Nhi trung ương vốn được đất nước Thụy Điển giúp đỡ xây dựng và phát triển nên đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện cũng được tiếp cận với những cách thức chăm sóc người bệnh tiên tiến chuyên nghiệp trên thế giới đặc biệt là đối với đối tượng là nhi khoa. Phát huy tryền thống đó hiện nay bệnh viện luôn đi đầu trong việc xây dựng đội ngũ điều dưỡng với tác phong chuyên nghiệp, độc lập, tận tình trong việc chăm sóc người bệnh.
Cơ sở hạ tầng trang thiết bị: Bệnh viện nhi trung ương là bệnh viện chuyên
khoa hạng đặc biệt, là tuyến cuối trong điều trị các bệnh lý chuyên khoa nhi của cả nước nên bệnh viện được đầu tư nhiều trang thiết bị y tế từ cơ bản đến hiện đại phục vụ công tác điều trị, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em. Tại tất cả các khoa phòng đều có Morniter theo dõi người bệnh, bơm tiêm điện, máy
truyền dịch và các trang thiết bị khác. Đồng thời với hệ thống xét nghiệm hiện đại bệnh viện có thể thực hiện được nhiều các xét nghiệm chuyên khoa sâu trong việc điều trị và chăm sóc bệnh nhi ngộ độc mà các đơn vị khác không thực hiện được.
Cơ chế chính sách, điều hành của bệnh viện:Ban lãnh đạo Bệnh viện Nhi
trung ương luôn quan tâm chỉ đạo sát sao trong việc phát triển chuyên môn của bệnh viện. Đồng thời bệnh viện cũng tạo điều kiện tối đa cho nhân viên được học tập nâng cao trình độ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhi. Tại bệnh viện nhi trung ương còn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các khoa phòng, chuyên khoa trong việc điều trị và chăm sóc bệnh nhi. Cụ thể ở đây là bệnh nhi ngộ độc khi vào viện có diễn biến ngoài việc hội chẩn trong khoa còn thực hiện hội chẩn liên chuyên khoa với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực huyết học, hồi sức cấp cứu, tiêu hóa,... để cùng thống nhất đưa ra phác đồ điều trị, chăm sóc tối ưu nhất cho từng bệnh nhi.
Khó khăn
Đối tượng bệnh nhi: Đặc thù của bệnh viện Nhi trung ương là điều trị
cho bệnh nhi nhi khoa từ 1 ngày tuổi tới 18 tuổi. Đối với bệnh nhi ngộ độc điều trị tại bệnh viện theo thống kê trong khảo sát này có có độ tuổi từ 40 ngày tuổi đến 13 tuổi (trung bình: 2,92 ± 3,07 tuổi). Đối với những trẻ lớn việc giao tiếp để nắm bắt nhu cầu, đánh giá tình trạng của người bệnh được dễ dàng hơn thì đối với những bệnh nhi nhỏ tuổi thì việc phỏng vấn để đánh giá tình trạng bệnh nhi là rất khó do bệnh nhi không biết diễn đạt thậm chí có những bệnh nhi không biết nói. Việc đánh giá nhu cầu chăm sóc của bệnh nhi phụ thuộc rất lớn vào kinh nghiệm trình độ của điều dưỡng viên, nếu điều dưỡng không chú ý hoặc không theo dõi và đánh giá sát bệnh nhi có thể bỏ qua những triệu chứng điều này có thể làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Đối với những bệnh nhi nhỏ tuổi điều dưỡng viên còn phải đối mặt với tình trạng quấy khóc của trẻ,
nhiều khi trẻ chỉ khóc mà không nói gì làm cho điều dưỡng viên rất khó trong xác định vấn đề của trẻ. Đồng thời đối tượng của bệnh viện nhi hiện tại đa số là bệnh nặng nên công tác chăm sóc của điều dưỡng gặp nhiều khó khăn.
Quá tải khối lượng công việc: Tại trung tâm cấp cứu chống độc bệnh
viện nhi trung ương ngoài việc điều trị cho bệnh nhi ngộ độc thì còn phải tiếp nhận, xử trí, cấp cứu rất nhiều các trường hợp bệnh lý khác từ những ca đau bụng thông thường cho đến những bệnh nhi nặng được chuyển từ tuyến dưới lên có thể trong tình trạng hôn mê, thở máy và chưa xác định được nguyên nhân. Trung bình mỗi ngày trung tâm cấp cứu chống độc bệnh viện nhi trung ương tiếp nhận xử lý khoảng 100 bệnh nhi, điều này cho thấy khối lượng công việc của điều dưỡng viên là rất lớn. Ngoài việc thường xuyên tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi họ còn phải thực hiện một khối lượng công việc lớn liên quan đến thủ tục hành chính như ghi chép hồ sơ bệnh án, làm thủ tục vào viện, ra viện cho bệnh nhi... do đó họ rất khó khăn trong trong việc bố trí thời gian theo dõi và chăm sóc bệnh nhi trong đó có bệnh nhi ngộ độc.
Tập huấn chuyên môn về ngộ độc: Bệnh viện Nhi trung ương là bệnh
viện đi đầu trong việc phát triển nhân lực điều dưỡng nhi khoa. Hàng năm bệnh viện cử hàng loạt điều dưỡng đi đào tạo nâng cao trình độ tại các trường đại học, cơ sở y tế trong ngoài nước. Cùng với đó là việc tổ chức các lớp đào tạo, cập nhật kiến thức tại bệnh viện. Tuy nhiên công tác đào tạo cập nhật chuyên môn về ngộ độc trong đó có theo dõi và chăm sóc bệnh nhi ngộ độc chưa được tổ chức thường xuyên.
Bổ sung một số loại xét nghiệm tìm độc chất: Một số xét nghiệm tìm
độc chất đặc biệt như định lượng Paracetamol, định lượng nồng độ Paraquat, xét nghiệm ma túy... chưa thực hiện được tại bệnh viện, việc này làm tăng thời gian chờ đợi kết quả, gây tác động đến quá trình điều trị, chăm sóc bệnh nhi, đồng thời mất thời gian của gia đình bệnh nhi vì phải mang bệnh phẩm sang
đơn vị khác. Ngoài ra, việc gia đình bệnh nhi vận chuyển các loại bệnh phẩm ( máu, nước tiểu, dịch dạ dày...) không đúng cách cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng bệnh phẩm và kết quả xét nghiệm.