2.3.1. Những thành tích đạt được
- Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào nghiệp vụ hải quan; Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; Đẩy mạnh công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu và các biện pháp chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại; Kiện toàn, sắp xếp nhân sự, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính... góp phần cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút tốt hơn nữa các DN đến đầu tư vào Thành phố. Đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý hải quan tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi tối đa cho DN; đẩy mạnh việc nắm bắt nhu cầu thông tin của DN, có kế hoạch phối hợp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, người khai hải quan, người nộp thuế về chế độ chính sách, pháp luật của Nhà nước, văn bản hướng dẫn của các Bộ, Ngành liên quan đến công tác hải quan nhằm nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về hải quan, tính tự giác và tính tuân thủ pháp luật.
- Xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Chi cục theo Chỉ thị, Kế hoạch, chỉ đạo của Cục Hải quan thành phố Hải Phòng và Tổng cục Hải quan. Các chế độ, chính sách của Nhà nước liên
quan đến hoạt động XNK, các quy trình thủ tục hải quan được thực hiện đúng quy định.
- Thực hiện Kế hoạch phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp và các bên có liên quan của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng; ký kết Bản thỏa thuận quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp; Tổ chức hội nghị gặp gỡ tiếp xúc Hải quan - Doanh nghiệp tại Chi cục và tổ chức các đoàn công tác do Lãnh đạo chi cục làm trưởng đoàn trực tiếp đến trụ sở Doanh nghiệp tiếp xúc, làm việc với Doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận, hợp tác của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan cũng như giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, đưa quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp đi vào hoạt động thực chất, có hiệu quả cao trong giải quyết thủ tục hải quan cho doanh nghiệp. Thường xuyên quán triệt yêu cầu CBCC thực hiện đúng các nội dung Cục Hải quan thành phố Hải Phòng đã cam kết tại Bản thỏa thuận quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp. Đến nay, Chi cục đã ký 1.821 bản thỏa thuận với doanh nghiệp.
- Triển khai đồng bộ các giải pháp thu NSNN và chống thất thu theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan chỉ thị số 215/CT-TCHQ ngày 15/01/2021, công văn số 119/TCHQ-GSQL ngày 11/01/2021, của Cục Hải quan TP. Hải Phòng tại công văn và phối kết hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại trong việc phối hợp thu bằng phương thức điện tử, thực hiện điều chỉnh hoặc hạch toán ngay đối với các trường hợp doanh nghiệp nộp nhầm, nộp thừa để đảm bảo thu đúng, thu đủ.
- Tính đến hết ngày 13/9/2021, Chi cục Hải quan cảng Hải Phòng khu vực 1 thu được 14.186 tỷ đồng, đạt 85,98 % so với chỉ tiêu giao, đạt 82,48% so với chỉ tiêu phấn đấu. So với cùng kỳ năm 2020, số thu tăng 2.827 tỷ đồng (tương đương tăng 24,89%).
- Nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, quản
lý rủi ro trên địa bàn, tập trung vào công tác chống gian lận thương mại qua mã, giá, C/O, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ....
- Tổ chức tuyên truyền, cảnh báo doanh nghiệp về các hành vi gian lận thương mại.
- Nâng cao năng lực quản lý rủi ro; triển khai áp dụng quản lý rủi ro đầy đủ, hiệu quả trong các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan; ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, nâng cao chất lượng quản lý, đánh giá tuân thủ doanh nghiệp, tăng cường các điều kiện hỗ trợ xác định trọng điểm, nâng cao chất lượng phân luồng kiểm tra nhưng vẫn tạo điều kiện trong hoạt động xuất khẩu từ các nguyên liệu trong nước cũng như trong hoạt động giải quyết thủ tục hải quan cho doanh nghiệp.
- Tăng cường kỷ cương kỷ luật, kiểm soát công vụ, tự kiểm tra nội bộ; Xây dựng lực lượng CBCC chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa Hải quan.
2.3.2. Một số hạn chế cần khắc phục và nguyên nhân
2.3.2.1 Hạn chế trong quản lý thu thuế nhập khẩu
- Hỗ trợ thông tin và tư vấn về thuế:
+ Triển khai các hội nghị, tập huấn thường xuyên, định kỳ cho DN chưa được đầu tư sâu về chất lượng tuyên truyền. Các giảng viên thiếu kỹ năng truyền đạt thông tin khiến cho doanh nghiệp tham gia tập huấn không chăm chú lắng nghe làm cho một số doanh nghiệp trong tình trạng thiếu hiểu biết thông tin về quản lý thuế và các quy định có liên quan. Do đó, khi phát sinh nghiệp vụ, doanh nghiệp thường xuyên phải xin tư vấn nên cũng tăng thêm áp lực đối với cán bộ công chức của Đội Thủ tục hàng hóa XNK và Đội Quản lý thuế.
+ Chưa thật sự chủ động trong công tác phối hợp với các cơ quan chức năng (công an, cảnh sát biển, biên phòng... ) trên địa bàn hoạt động trong việc tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ thông tin pháp luật và quản lý thuế cho DN.
+ Chưa chú trọng xây dựng mối quan hệ đối tác Hải quan - doanh nghiệp nên không có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động nhập khẩu và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước.
+ Còn cứng nhắc trong áp dụng chỉ dẫn phân luồng tờ khai trên Hệ thống Quản lý rủi ro nên một số trường hợp kho Hệ thống bị lỗi hoặc khi có thông tin thêm về doanh nghiệp từ kênh thông tin khác thì chậm hoặc không xử lý chuyển luồng.
+ Vai trò của Lãnh đạo các cấp trong phúc tập hồ sơ (kiểm tra lại hồ sơ khi hàng hóa đã được thông quan) còn mờ nhạt. Việc kiểm tra, phúc tập hồ sơ còn thực hiện qua loa, chiếu lệ. Một số trường hợp chính công chức tiếp nhận hồ sơ thực hiện phúc tập hồ sơ. Điều này đã triệt tiêu tính khách quan của công tác phúc tập hồ sơ, khiến cho công tác này không phát huy hiệu quả trong quản lý thuế.
+ Tỷ lệ sai sót về khai thuế có thể phát hiện tại khâu kiểm tra thuế trong thông quan nhưng đã bị bỏ sót chiếm 12% trong tổng số các sai sót bị phát hiện.
- Công tác quản lý nộp thuế:
+ Việc hướng dẫn doanh nghiệp nộp đúng chương, khoản mục ngân sách còn chưa được quan tâm.
+ Tăng cường phối hợp giữa Hải quan - Kho bạc - Ngân hàng để tăng cường công tác quản lý thuế, rút ngắn thời gian nộp tiền thuế vào ngân sách cho doanh nghiệp.
+ Thu đòi các khoản nợ thuế thuộc diện cưỡng chế chưa hiệu quả. - Công tác miễn giảm và hoàn thuế:
+ Sau khi doanh nghiệp kết thúc nhập khẩu, cán bộ tiếp nhận không sao gửi phiếu theo dõi trừ lùi cuối cùng về Chi cục, nơi đăng kí Danh mục để thực hiện thanh khoản hàng miễn thuế. Dẫn đến tình trạng nhiều Dự án thanh khoản chậm so với quy định.
- Công tác xử lý vi phạm pháp luật về thuế:
+ Chưa thực sự quan tâm bồi dưỡng và tập huấn đối với CBCC làm công tác xử lý vi phạm hành chính, kiến thức về áp dụng văn bản xử phạt vi phạm hành chính, kỹ năng lập biên bản vi phạm.
+ Chưa cập nhật thường xuyên, kịp thời các văn bản pháp quy quy định về luật xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản quy phạm có liên quan dẫn đến áp dụng sai khung xử phạt.
2.3.2.2 Nguyên nhân:
a) Cơ chế quản lý thu thuế méo mó nếu như không muốn nói là về cơ bản chưa được tạo lập.
Cơ chế quản lý thu thuế nhập khẩu là tổng thể các quy chế quy định, chính sách thu thuế nhập khẩu… mà thông qua đó thu thuế được thực hiện. Ở cục hải quan Hải Phòng nói chung và Chi cục HQCK cảng Hải Phòng KV1 nói riêng… cơ chế này còn rất nhiều bất cập. Và đây là nguyên nhân chủ yếu làm giảm hiệu quả quản lý thu thuế nhập khẩu.
Thực tế là các quy chế quy định cụ thể về nghĩa vụ và trách nhiệm cá nhân còn chưa được ban hành, đặc biệt là các quy chế quy định về xử lý các vi phạm khi nghĩa vụ và trách nhiệm cá nhân không được thực thi hay thực thi để lại hậu quả. Xin lưu ý rằng đây là một trong những nội dung chủ yếu của cơ chế quản lý nói chung. Thực tế tại Chi cục HQCK cảng Hải Phòng KV1 là thiếu các quy định như đã nêu đã trực tiếp dẫn đến, một mặt không phát huy được tính chủ động sáng tạo của cán bộ công chức, hơn thế là nảy sinh tình trạng làm không hết trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, bỏ qua hay làm ngơ mà lẽ ra sự việc phải được giải quyết. Mặt khác, thiếu các quy định cụ thể về nghĩa vụ và trách nhiệm cá nhân đã làm nảy sinh rủi ro đạo đức. Đó là tình trạng cộng chức hải quan lạm dụng chức quyền để trục lợi, tiếp tay cho các hành vi trốn thuế gian lận thương mại hay buôn lậu. Có thể nói rằng, chừng nào mà còn thiếu các quy định cụ thể về nghĩa vụ và trách nhiệm cá nhân cũng nhu các quy định về xử lý vi phạm về nghĩa vụ và trách nhiệm cá nhân thì tình trạng rủi ro, đặc biệt là rủi ro đạo đức không thể kiểm soát.
Một trong những biểu hiện khác của sự “méo mó” của cơ chế quản lý thu thuế nhập khẩu là sự tồn tại của nhiều quy định không phù hợp với thực tế, các chế tài không đủ sức mạnh “răn đe”. Chính những quy định và chế tài này đã tạo ra “ lỗ hổng” và động cơ mà doanh nghiệp lợi dụng chúng để “đi qua” các quy định pháp luật. Chẳng hạn, theo quy định của Luật Quản lý thuế thì quá 120 ngày mới thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế nên một số doanh nghiệp chấp
nhận phương án nợ thuế Hải quan hơn là vay Ngân hàng (lãi suất ngân hàng cao hơn mức phạt chậm nộp thuế). Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu đòi nợ thuế như trích tiền từ tài khoản tại ngân hàng, kê biên tài sản khó thực hiện. Những thực tế này chứng minh rằng, chừng nào cơ chế quản lý thu thuế còn chưa được xác lập thì quản lý thu thuế không thể đạt hiệu quả mong muốn.
b) Ngành Hải quan còn hạn chế về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Cán bộ xác định trị giá, đặc biệt là cán bộ trực tiếp tham vấn với doanh nghiệp, phải là người nắm vững nghiệp vụ về thuế, có kinh nghiệm công tác để chủ động trong mọi tình huống khi làm việc trực diện với doanh nghiệp, tuy nhiên đặt trong bài toán nhân sự chung của toàn ngành (chỉ tiêu, biên chế, yêu cầu tuyển dụng, chính sách luân chuyển cán bộ) thì yêu cầu này chưa được quan tâm và đáp ứng.
Một bộ phận cán bộ công chức của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Hải Phòng khu vực 1 chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực, phẩm chất đạo đức nên đã vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho doanh nghiệp trốn thuế, gian lận về thuế.
c) Cán bộ thuế chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thuế đối với các đối tượng nộp thuế.
Cán bộ phụ trách quản lý thuế chưa dành nhiều thời gian, công sức để đầu tư, nghiên cứu nhằm thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuế; Do đó ý thức tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp XNK còn kém. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật được ân hạn thuế 30 ngày, khi nhập hàng về tiêu thụ xong rồi bỏ trốn.
d) Cơ sở vật chất chưa tương xứng với nhiệm vụ và hệ thống thông tin về cơ sở dữ liệu còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng
Hệ thống cơ sở dữ liệu còn nghèo nàn, đa số chỉ dựa vào thông tin do doanh nghiệp khai báo, có độ tin cậy thấp trong khi chưa có các giải pháp hữu hiệu để thu thập các nguồn thông tin bên ngoài, làm cơ sở để so sánh đối chiếu mức độ tin cậy của các thông tin do doanh nghiệp khai báo. Thống kê số liệu
giữa hệ thống Rickman (hệ thống quản lý rủi ro) và một số hệ thống khác của ngành chưa phù hợp. Ví dụ: Chỉ dẫn rủi ro yêu cầu doanh nghiệp phải có đăng ký kiểm dịch cho hàng hóa xuất khẩu theo mã hàng hóa, tuy nhiên, theo quy định thì chỉ thực hiện kiểm dịch đối với những nước có điều ước quy định phải kiểm dịch, những hợp đồng có điều khoản kiểm dịch hoặc nước nhập khẩu có yêu cầu kiểm dịch; Cảnh báo với các mặt hàng nhập khẩu có điều kiện cần giấy phép chuyên ngành nhưng hệ thống rủi ro vẫn thực hiện phân luồng xanh.
e) Các chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thuế chưa nghiêm minh, rõ ràng.
Các quy phạm pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thuế chưa bao quát hết các hành vi vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế phát sinh trong thực tiễn, nên việc xử lý còn kéo dài thời gian vì phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên; Chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chưa tương xứng với hành vi vi phạm của người nộp thuế như: mức xử phạt chậm nộp tiền thuế, số thuế nợ lớn nhưng không chịu nộp trong thời gian dài cũng không bị coi là hành vi trốn thuế... nên hiệu quả thu hồi nợ không cao. Các biện pháp như trích tiền gửi tại Ngân hàng kho bạc, kê biên tài sản... đều chưa hiệu quả do các doanh nghiệp nợ thuế đã tính toán trước tình huống và rút hết các khoản dư tài khoản và chuyển sang thành lập mới công ty khác để hoạt động.
CHƯƠNG 3: PHƯƠNG HƯỚNG VÀ BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU THUẾ NHẬP KHẨU TẠI CHI CỤC HẢI QUAN
CỬA KHẨU CẢNG HẢI PHÒNG KHU VỰC 1 - CỤC HẢI QUAN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
3.1. Phương hướng tăng cường công tác quản lý thu thuế nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Hải Phòng khu vực 1 - Cục Hải quan thành phố Hải Phòng
Phương hướng tăng cường công tác quản lý thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Hải Phòng Khu vực 1 là đi đầu trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục Hải quan để tạo sự hài hòa, thống nhất, đạt chuẩn mực quốc tế trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro; trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, sử dụng công nghệ cao; xây dựng lực lượng CBCC có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt…
- Một số chỉ tiêu lớn cụ thể và lộ trình thực hiện:
+ Thời gian thông quan hàng hóa đến năm 2020 gần tương đương với Hải quan các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN.
+ Tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa đến năm 2020 là dưới 10% và đến năm 2023 đạt dưới 6%. Hoàn thiện việc tập trung xử lý dữ liệu điện tử của hệ thống thông quan hàng hóa vào năm 2021 tại cấp Tổng cục.
+ Về công tác quản lý thu thuế nhập khẩu:
Tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hoá các thủ tục hành chính tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động XNK.
Tổ chức tốt công tác quản lý, đẩy mạnh thu NSNN, hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN bằng cách áp dụng các giải pháp thực hiện đúng chính sách thuế, đẩy mạnh kiểm tra sau thông quan theo trọng điểm, tăng cường quản lý nhằm giảm nợ đọng thuế.