BỆNH LIỆT NỬA NGƯỜI
6.1 Chăm sóc chống loét:
Người bệnh bị liệt nửa người, thường phải nằm lâu một chỗ, không đi lại được, nhất là những người bệnh hôn mê, thì biến chứng rát hay gặp là loét. Thường loét ở những chỗ bị tỳ đè nhiều như vùng cùng cụt, hai gót chân, hai bả vai, lưng, mông. Để chống loét cần cho người bệnh nằm trên đệm hơi hoặc đệm nước, lăn trở thay đổi điểm tỳ cho người bệnh: cứ 2 giờ thay đổi tư thế cho người bệnh 1 lần (từ nằm ngửa sang nằm nghiêng phải hoặc nghiêng trái). Hằng ngày xoa bóp vùng tỳ đè nhiều, tuy nhiên không nên xoa bóp mạnh gây trợt da. Vận động thụ động bên liệt để tránh co cứng cơ và giúp lưu thông tuần hoàn.
Giữ gìn vệ sinh các vùng da tỳ đè nhiều: hằng ngày 1-2 lần lau bằng khăn mềm, ấm, sau đó lau khô bằng khăn mềm sạch, nhất là sau khi đi đại tiện, tiểu tiện. Khi lau tránh làm xây xát da, không nên bôi mỡ hay rắc bột kháng sinh vì gây hạn chế hô hấp của da và gây ẩm càng dễ loét. Mỗi ngày phải kiểm tra phát hiện sớm các dấu hiệu chớm loét như ngứa, đau, thay đổi màu da như đỏ, tím để kịp thời điều trị. Khi phát hiện ra các dấu hiệu chớm loét thì phải kê gối, đệm mềm tại các nơi đó để tránh bị tỳ đè thêm.
6.2 Cách phòng ngừa liệt nửa người do đột quỵ não: - Cần đo huyết áp đều đặn hàng ngày
- Tránh ăn quá nhiều mỡ, nhất là chất béo bão hòa và cholesterol, tránh ăn muối nhiều quá, đồ hộp, bột ngọt chứa nhiều muối.
- Tập thể dục: đi bộ 20-30 phút mỗi ngày hay bơi lội 3-4 lần mỗi tuần. - Điều trị tốt các bệnh tim mạch và tình trạng căng thẳng thần kinh. Tránh mất ngủ, bỏ thuốc lá.
- Cẩn thận giữ mình khi thời tiết chuyển lạnh vào mùa đông và khi áp suất không khí lên cao vào mùa hè, tránh tắm khuya và ở nơi gió lùa, nhất là với người bị tăng HA.
- Điều trị các nguyên nhân gây tai biến mạch máu não như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường, rối loạn nhịp tim.
- Tránh vận động thể lực quá mức như mang vác nặng, chạy nhanh, tránh táo bón, kiêng rượu bia, các chất kích thích...
6.3 Phục hồi chức năng cho người bệnh liệt nửa người:
- Mục tiêu của phục hồi chức năng là chống teo cơ, cứng khớp có ý nghĩa rất lớn với người bệnh liệt nửa người, kéo dài sự sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
- Can thiệp phục hồi chức năng càng sớm càng tốt ngay từ giai đoạn đầu sau khi cấp cứu, khi tình trạng toàn thân người bệnh cho phép đó được gọi là thời gian vàng của phục hồi chức năng đối với người bệnh liệt nửa người sau đột quỵ não/ chấn thương não, có tác dụng rút ngắn được thời gian điều trị và hiệu quả tốt hơn.
- Với xu thế chung của xã hội ngày nay là các bệnh chuyển dần từ những bệnh nhiễm khuẩn sang những bệnh không nhiễm khuẩn như: đột quỵ não, bệnh lý tim mạch, đái tháo đường... Đặc biệt người bệnh liệt nửa người sau đột quỵ não tỷ lệ mắc ngày càng cao. Chính vì vậy việc nâng cao ý thức phòng bệnh của bản thân, gia đình và xã hội là một việc làm rất cần thiết trong đó vai trò tư vấn của các cán bộ y tế đặc biết là đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng là khâu then chốt.