Phương pháp thu thập số liệu sơ cấp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng thị xã hương trà, tỉnh thừa thiên huế (Trang 35 - 36)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

2.4.2. Phương pháp thu thập số liệu sơ cấp

Số liệu sơ cấp là những số liệu được quan sát hay thu thập lần đầu tiên bởi nhà nghiên cứu. Số liệu dạng này thường các nhà nghiên cứu tự thu thập từ: bảng câu hỏi, phỏng vấn, quan sát, nghiên cứu tình huống, ,…

Thu thập số liệu sơ cấp bằng phương pháp đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia của người dân PRA (Participatory Rural Appraisal) và phỏng vấn bán cấu trúc.

- Đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia của người dân là trực tiếp tiếp xúc với người dân trao đổi, phân tích những kinh nghiệm sản xuất, khó khăn gặp phải, nguyện vọng, kế hoạch và giải pháp để phát triển sản xuất gia đình cũng như cộng đồng. Thông tin thu thập được chủ yếu dùng cho việc phân tích hiện trạng, hiệu quả kinh tế sử dụng đất, mức độ đầu tư cho từng loại hình sử dụng đất nông nghiệp và đưa ra những định hướng sử dụng đất sản xuất nông nghiệp thích hợp.

- Phỏng vấn bán cấu trúc là phương pháp thu thập thông tin của các nông hộ hay nhóm nhỏ các nông hộ thông qua việc cấu trúc trước một số câu hỏi giúp tập trung vào vấn đề trọng tâm nhưng vẫn cho phép linh hoạt thảo luận với những người tham gia về các khía cạnh liên quan và phù hợp.

Sử dụng phiếu điều tra nông hộ để phỏng vấn ngẫu nhiên các nông hộ thuộc địa bàn các xã nghiên cứu.

Các điểm nghiên cứu phải đại diện được cho vùng sinh thái và các vùng kinh tế, trình độ sử dụng đất của nông hộ ở thị xã. Trên cơ sở kết quả điều tra thực địa và tham vấn ý kiến của các cơ quan chuyên môn, mỗi xã tiến hành điều tra phỏng vấn nông hộ theo phương pháp chọn mẫu 3 nhóm hộ nghèo, trung bình và khá.

Bên cạnh đó, diện tích đất trồng trọt khác nhau cũng là một tiêu chí quan trọng trong việc chọn mẫu để điều tra phỏng vấn. Những nông hộ có diện tích trồng trọt nhiều hay ít ảnh hưởng rất lớn đến khả năng đầu tư vốn để sản xuất nông nghiệp.

Trong đó hộ nghèo theo phân loại của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Còn hộ trung bình và khá sẽ qua tham vấn ý kiến của cán bộ địa phương để thống nhất đưa ra một số chỉ tiêu để chọn hộ khá và trung bình như: tình trạng nhà ở, bình quân diện tích đất canh tác, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiện nghi sinh hoạt gia đình như tivi, xe máy,...

Vùng đồng bằng thị xã Hương Trà gồm 9 xã/phường, mỗi xã/phường có các đặc trưng về cây trồng khác nhau. Sau khi tham vấn ý kiến của cán bộ Hợp tác xã và chính quyền địa phương thì thấy rằng toàn vùng gồm các cây hàng năm chính như sau: lúa, lạc, rau màu, ngô, sắn, đậu xanh. Cây ăn quả gồm cây thanh trà và quýt.

Đối với cây ăn quả đề tài tập trung nghiên cứu tại 2 địa điểm: phường Hương Vân (cây thanh trà) và xã Hương Toàn (cây quýt Hương Cần - Làng Giáp Kiền).

Tiến hành chọn mẫu như sau: Giữa các xã có cây trồng chính giống nhau thì chọn mẫu bằng cách chọn đại diện theo 3 nhóm tương ứng 3 xã: năng suất cao, năng suất trung bình và năng suất thấp.

Ví dụ: Cây lúa: Hương Toàn (năng suất cao), Hương Văn (năng suất trung bình), Hương An (năng suất thấp). Cây lạc: Hương Vân (năng suất cao), Hương An (năng suất trung bình), Hương Văn (năng suất thấp). Và tương tự cho các cây trồng khác.

Tóm lại, có 5 xã/phường cần điều tra nông hộ: Hương Vân, Hương Toàn, Hương Văn, Hương An, Tứ Hạ. Mỗi xã/phường chọn ra 3 thôn/tổ dân cư, mỗi thôn/tổ dân cư sẽ chọn đại diện 4 hộ khá, 4 hộ trung bình và 4 hộ nghèo. Vậy tổng số phiếu cần điều tra là:

12 hộ × 3 thôn/tổ dân cư × 5 xã/phường = 180 hộ

Trong quá trình tổng hợp, xử lý phiếu điều tra sau phỏng vấn, có thể loại bớt những phiếu chưa đạt yêu cầu về nội dung, thông tin hoặc thiếu các thông tin chính phục vụ cho đề tài.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng thị xã hương trà, tỉnh thừa thiên huế (Trang 35 - 36)