3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
1.3.3. Đặc điểm kháng nguyên – miễn dịch
Yếu tố ngưng kết hồng cầu (Haemagglutinin viết tắt là HA hoặc H) và enzym trung hoà (Neuraminidase, viết tắt là NA hoặc N) là những kháng nguyên có vai trò quan trọng trong miễn dịch bảo hộ. Có tất cả 16 biến thể HA (ký hiệu từ H1 đến H16) và 9 biến thể NA (ký hiệu từ N1 đến N9). Hemagglutinin được coi là yếu tố vừa quyết định tính kháng nguyên, vừa quyết định độc lực của virus cúm A (Trần Xuân Hạnh, 2004).
Mỗi một hợp thể kháng nguyên HA và NA tạo nên một subtyp. Về huyết thanh học, giữa các subtyp không hoặc rất ít có phản ứng chéo. Đây là trở ngại cho việc nghiên cứu vacxin phòng bệnh.
Kháng nguyên của virus cúm diễn biến hết sức phức tạp do hiện tượng tái tổ hợp các thành phần cấu trúc của chủng này với chủng khác hoặc biến đổi từ chủng vô độc thành chủng có độc lực cao hơn và gây bệnh. Sự đột biến của từng thành phần và loại hình kháng nguyên trong từng chủng virus cúm cũng góp phần tạo nên cấu trúc kháng nguyên mới, tạo các loại biến chủng mới với các đặc tính gây bệnh mới.
Các loại protein kháng nguyên: protein nhân (NP), protein đệm (matrix protein - M1), protein HA, protein enzyme cắt thụ thể (NA) là những protein kháng nguyên được nghiên cứu nhiều nhất.
Một trong đặc tính kháng nguyên quan trọng của virus cúm là khả năng gây ngưng kết hồng cầu của nhiều loài động vật mà thực chất là sự kết hợp giữa mấu lồi kháng nguyên HA trên bề mặt của virus với thụ thể có trên bền mặt hồng cầu làm cho hồng cầu ngưng kết với nhau tạo mạng ngưng kết qua các cầu nối virus. Từ đặc tính kháng nguyên này có thể sử dụng các phản ứng ngưng kết hồng cầu HA và ngăn trở ngưng kết hồng cầu HI trong chẩn đoán cúm gia cầm.
Sự phức tạp trong diến biến kháng nguyên mà virus cúm có được là do sự biến đổi và trao đổi kháng nguyên trong nội bộ gen và giữa gen hemagglutinin (HA) và gen
neutraminidase (NA) (Ito.T et al., 1998).
Sự biến đổi chính nội bộ gen hay đột biến ngẫu nhiên (Drift) mà bản chất là sự thay đổi nucleotid trong đoạn gen là biến dị xảy ra liên tục thường xuyên trong quá trình tồn tại của virus cúm. Chính nhờ sự biến đổi này cho phép virus cúm A tạo nên 15 biến thể gen HA (H1 đến H15) và 9 biến thể gen NA (N1 đến N9).
Cũng nhờ hiện tượng Drift của virus cúm có thể lý giải được không phải các H1, H5... hoặc N1, N2... đều giống nhau. Sự khác nhau trong chính các H hay N do biến dị ngẫu nhiên tạo nên tính thích ứng với từng loài vật chủ khác nhau và mức độ độc lực gây bệnh khác nhau ở chính mỗi loại hình tái tổ hợp HA và NA (Very. M, et al., 1992).
Bên cạnh hiện tượng Drift, sự biến đổi hệ gen của virus cúm A còn được diễn ra nhờ hiện tượng tái tổ hợp gen - Shift ít xảy ra hơn, hiện tượng này chỉ xảy ra khi hai hay nhiều virus cúm cùng nhiễm vào tế bào. Tuy nhiên chỉ xuất hiện với tần suất rất thấp nhưng khi hiện tượng tái tổ hợp gen xảy ra sẽ gây ra dịch lớn cho người và động vật, với mức độ nguy hiểm không thể lường trước được. Hiện tượng Shift ở virus cúm A cho thấy nguy cơ của sự lưu hành đồng thời nhiều loại virus cúm với số lượng lớn trong cùng một không gian và thời gian kéo dài.
Một điều không thể không nói đến trong nghiên cứu về đặc tính kháng nguyên của virus cúm là giữa các biến thể tái tổ hợp và biến chủng subtype về huyết thanh học không hoặc rất ít có phản ứng chéo. Vì thế đặc điểm này sẽ gây một trở ngại lớn cho các nghiên cứu nhằm tạo ra vắc xin cúm cho người và động vật (Kawaoka. Y, 1991; Lu. X, et al., 1999).
Về mặt lý thuyết, khi xâm nhập vào cơ thể động vật, virus cúm A sẽ tạo nên sự hình thành của các kháng thể đặc hiệu, trong đó quan trọng hơn cả là kháng thể kháng HA, chỉ có loại kháng thể này mới có thể trung hòa virus cho bảo hộ miễn dịch. Một số kháng thể khác có tác dụng kìm hãm sự nhân lên của virus: kháng thể kháng NA có tác dụng ngăn cản giải phóng virus, kháng thể kháng M2 có tác dụng ngăn cản chức năng protein M2 không cho quá trình bao gói virus xảy ra (Luong. G and Palese. P, 1992; Suares. D. L, et al., 1998).