Quyền yêu cầu cấp dƣỡng cho con

Một phần của tài liệu Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 27 - 38)

Cấp dưỡng theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật HN&GĐ năm 2014, là

việc “một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu

thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu”.

Khi vợ, chồng ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con (Điều 82 Luật HN&GĐ năm 2014), vì vậy người có quyền trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người này thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con (Điều 83 Luật HN&GĐ năm 2014). Tuy nhiên trong thực tiễn áp dụng pháp luật về cấp dưỡng cho con, tồn tại một số bất cập sau:

Thứ nhất, về căn cứ xác định mức cấp dưỡng nuôi con

Theo quy định tại Điều 116 Luật HN&GĐ năm 2014, thì mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Trong quá trình giải quyết vụ án, bên không trực tiếp nuôi con sẽ có ý kiến đồng ý, không đồng ý cấp dưỡng hoặc chỉ đồng ý mức cấp dưỡng thấp hơn yêu cầu của bên kia nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Hoặc, trong quá trình giải quyết vụ án do sự thỏa thuận của các đương sự nên một số vụ án ra quyết định công nhận hoặc tuyên giao con cho một bên và bên còn lại có nghĩa vụ cấp dưỡng theo đúng thỏa thuận. Việc công nhận hoặc tuyên như vậy đã bảo vệ được quyền lợi của con trong vụ án vì nghĩa vụ cấp dưỡng chủ yếu là để đảm bảo cho sự phát triển đầy đủ về mặt thể chất và tinh thần cho người con. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trong những trường hợp như vậy, Tòa án phải xem xét để quyết định mức cấp dưỡng. Khi quyết định mức cấp dưỡng nuôi con, Tòa án phải căn cứ vào hai yếu tố

đó là việc cấp dưỡng phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng và phải căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là “thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng” và “nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng”.

Trước đây, theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Nghị

định 70/2001/NĐ-CP ) thì “khả năng thực tế của người có nghĩa cấp dưỡng là người

có thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó”.

Còn theo khoản 2 Điều 16 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP thì: “Nhu cầu thiết yếu của

người được cấp dưỡng được xác định căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú, bao gồm các chi phí thông thường cần thiết về ăn, ở, mặc, học, khám chữa bệnh và các chi phí thông thường cần thiết khác để bảo đảm cuộc sống của người được cấp dưỡng”.

Tuy nhiên, với những quy định như vậy, rất khó để Tòa án có thể tính toán được thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng cũng như tính toán nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.

Từ vướng mắc trong thực tiễn như vậy, Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HN&GĐ năm 2000 được ban hành và có hướng dẫn như sau: “Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý”.

Thực tiễn giải quyết tại các Tòa án trước đây và hiện tại thường vận dụng quy định tại khoản 2, phần III của Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của TANDTC, cụ thể là “Toà án phải xem xét đến khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người phải đóng góp phí tổn cũng như khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người nuôi dưỡng con. Trong đó mức đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con tối thiểu không dưới 1/2 (một phần hai) mức lương tối thiểu do nhà nước quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm đối với một người con” để làm căn cứ giải quyết.

Do đó trong quá trình thụ lý giải quyết mức cấp dưỡng của các vụ án khác nhau, không thống nhất, theo sự thỏa thuận của các đương sự về mức cấp dưỡng để công nhận, tùy theo mức yêu cầu cấp dưỡng của đương sự, mức thu nhập của đương sự khác nhau, những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con ở mỗi địa phương khác nhau, nên vận dụng để xác định tiền cấp dưỡng ở mỗi Tòa án khác nhau, Thẩm phán khi giải quyết cũng khác nhau, không thống nhất, có trường hợp cấp sơ thẩm chấp nhận, nhưng khi có kháng cáo về yêu cầu cấp dưỡng thì Tòa cấp trên sửa lại tiền cấp dưỡng. Chẳng hạn:

Tình huống 1:

Bản án số 55/2020/HNGĐ-PT ngày 12/5/2020 của Tòa án nhân dân thành phố

Hà Nội xét xử phúc thẩm về việc “xác nhận cha cho con và yêu cầu cấp dưỡng”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 37 - 2019 - HNGĐ-ST ngày 11 - 7 - 2019, Toà án nhân dân quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội bị kháng cáo.

Chị H trình bày: Năm 2013, chị có quan hệ tình cảm với anh T và mang thai cháu M. Khi mang thai chị có thông báo cho anh T biết và anh T có nói sinh con ra anh sẽ có trách nhiệm với con. Sau khi sinh con, chị đã xét nghiệm ADN cho cháu M và kết quả cháu M và anh T có quan hệ huyết thống với anh T và yêu cầu anh T phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho con chung.

Trong quá trình giải quyết vụ án, anh T đồng ý nhận cháu M là con đẻ và đồng ý cấp dưỡng nuôi con chung với chị H theo quy định của pháp luật. Hiện nay thu nhập hàng tháng của anh T là 5.200.000 đồng.

Tại Bản án số 37 - 2019 - HNGĐ-ST ngày 11 - 07 - 2019, TAND quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội. Quyết định:

Buộc anh Trần Xuân T phải cấp dưỡng nuôi con chung là 2.000.000 đồng/tháng, cấp dưỡng theo tháng kể từ khi bản án có hiệu lực cho đến khi con chung đủ 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác.

Chị H làm Đơn kháng cáo một phần Bản án 37/2019/ HNGĐ-ST ngày 11 - 07 – 2019 của TAND quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội với nội dung: Chị không đồng ý với mức cấp dưỡng 2.000.000 đồng/tháng. Đề nghị Tòa án xem xét mức cấp dưỡng nuôi con chung phù hợp hơn.

Cháu M sinh năm 2015 và do chị H trực tiếp nuôi dưỡng từ lúc sinh cháu đến nay. Anh T trình bày mức thu nhập của anh là 5.200.000 đồng nhưng không cung cấp các tài liệu chứng minh thu nhập. Xét thấy, trách nhiệm nuôi dưỡng con cái là nghĩa vụ chung của cha mẹ, chị H một mình vừa nuôi con nhỏ, vừa buôn bán ở chợ, công việc không ổn định, kinh tế khó khăn, lại đang phải thuê nhà nên để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng là cháu M, Hội đồng xét xử xét thấy cần sửa án sơ thẩm, tăng mức cấp dưỡng nuôi con chung để đảm bảo quyền lợi về mọi mặt cho cháu M.

Quyết định: Sửa một phần bản án sơ thẩm về cấp dưỡng nuôi con chung: Buộc anh T phải cấp dưỡng nuôi con chung với chị H là 2.500.000 đồng/tháng. Hình thức cấp dưỡng hàng tháng kể từ khi bản án có hiệu lực cho đến khi con chung là cháu M đủ 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác.

Tình huống 2: Bản án số 10/2019/HNGĐ-ST ngày 02/4/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận về việc “Xin ly hôn”.

Bà Thuỷ và ông Tuấn quen biết, tìm hiểu và chung sống với nhau từ năm 2005 có đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật, trong quá trình chung sống thì giữa vợ chồng phát sinh mâu thuẩn. Từ tháng 05/2017 bà và ông Tuấn không còn sống chung với nhau nữa, tình cảm không còn nên xin ly hôn.

Về con chung: có 03 người con đang còn nhỏ, bà xin được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng 03 người con và yêu cầu ông Tuấn cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng mỗi con 2.000.000 đồng cho đến khi con đủ 18 tuổi và có khả năng lao động.

Phần quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Bà Thủy. Bà Thủy được ly hôn với Ông Tuấn.

Về con chung: Giao 03 cháu nhỏ cho Bà Thủy trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc. Ông Tuấn có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng mỗi con 2.000.000 đồng cho đến khi con đủ 18 tuổi và có khả năng lao động.

Tình huống 3: Bản án số 75/2020/HNGĐ-ST ngày 08/9/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận về việc “Xin ly hôn”.

Ông Tiến và bà Loan quen biết, tìm hiểu và chung sống với nhau từ năm 2011 có đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật, trong quá trình chung sống thì giữa vợ chồng phát sinh mâu thuẩn. Từ tháng 9/2018 đến nay ông và bà không còn sống chung với nhau nữa, tình cảm không còn nên xin ly hôn.

Về con chung: có 02 người con đang còn nhỏ, ông xin được nuôi 01 đứa, bà Loan nuôi 01 đứa và không ai cấp dưỡng cho ai. Bà Loan xin được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng 02 người con và yêu cầu ông Tiến cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng mỗi con 1.500.000 đồng.

Phần quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ông Tiến. Ông Tiến được ly hôn với Bà Loan.

Về con chung: Giao 02 cháu nhỏ cho Bà Loan trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc. Ông Tiến có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng mỗi con 1.500.000 đồng, kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật đến khi các cháu tròn 18 tuổi và có khả năng lao động.

Tình huống 4: Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đượng sự số 11/2021/QĐST-HNGĐ ngày 19/01/2021 của Tòa án nhân dân huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Phần quyết định: Công nhận sự thuận tình ly hôn giữa Ông Lộc và Bà Son. Về con chung: Bà Son được quyền trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục 01 người con. Ông Lộc có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 3.000.000 đồng kể từ ngày 01/02/2021 cho đến khi con đủ 18 tuổi và có khả năng lao động.

Trong các vụ án đã nêu trên, tác giả nhận thấy:

Bản án số 55/2020/HNGĐ-PT ngày 12/5/2020 của TAND Thành phố Hà Nội

xét xử phúc thẩm về việc “xác nhận cha cho con và yêu cầu cấp dưỡng” đã sửa bản

án dân sự sơ thẩm số 37 - 2019 - HNGĐ-ST ngày 11 - 7 – 2019 của TAND quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội về phần cấp dưỡng. Với lý do: Cháu M do chị H trực tiếp nuôi dưỡng từ lúc sinh cháu đến nay. Anh T trình bày mức thu nhập của anh là 5.200.000 đồng nhưng không cung cấp các tài liệu chứng minh thu nhập. Xét thấy, trách nhiệm nuôi dưỡng con cái là nghĩa vụ chung của cha mẹ, chị H một mình vừa nuôi con nhỏ, vừa buôn bán ở chợ, công việc không ổn định, kinh tế khó khăn, lại đang phải thuê nhà nên để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng là cháu M, nên Hội đồng xét xử sửa án sơ thẩm, tăng mức cấp dưỡng nuôi con chung từ 2.000.000 đồng lên 2.500.000 đồng để đảm bảo quyền lợi về mọi mặt cho cháu M.

Với lý do trên tác giả thấy chưa đảm bảo quyền lợi của các bên, lẽ ra phải thu thập chứng cứ, xác minh hoàn cảnh kinh tế của anh T, làm rõ được những nhu cầu

và đủ cho lứa tuổi của con và ở mức tối thiểu. Như ăn, học… để làm cơ sở đánh giá đưa ra quyết định mức cấp dưỡng thì mới đảm bảo được quyền lợi.

Bản án số 75/2020/HNGĐ-ST ngày 08/9/2020 của TAND thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận về việc “Xin ly hôn”. Phần quyết định: Ông Tiến có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng mỗi con 1.500.000 đồng. Lý do chấp nhận cũng dựa trên số tiền yêu cầu cấp dưỡng, cho rằng số tiền cấp dưỡng này phù hợp thu nhập, khả năng thực tế của ông Tiến và nhu cầu thiết yếu của 02 con trong giai đoạn hiện nay. Nhưng chưa làm rõ khả năng thu nhập thực tế của ông Tiến và nhu cầu thiết yếu của 02 người con là bao nhiêu.

Bản án số 10/2019/HNGĐ-ST ngày 02/4/2019 của TAND thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận về việc “Xin ly hôn”. Phần quyết định: Ông Tuấn có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng mỗi con 2.000.000 đồng. Lý do chấp nhận cũng dựa trên số tiền yêu cầu cấp dưỡng, cho rằng số tiền cấp dưỡng này phù hợp thu nhập, khả năng thực tế của ông Tuấn và nhu cầu thiết yếu của 02 con trong giai đoạn hiện nay. Nhưng chưa làm rõ khả năng thu nhập thực tế của ông Tuấn và nhu cầu thiết yếu của 02 người con là bao nhiêu.

Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đượng sự số 11/2021/QĐST-HNGĐ ngày 19/01/2021 của TAND huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Phần quyết định: Ông Lộc có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 1.500.000 đồng kể từ ngày 01/02/2021 cho đến khi con đủ 18 tuổi và có khả năng lao động. Lý do chấp nhận cũng dựa trên số tiền yêu cầu cấp dưỡng và sự thỏa thuận của các bên.

Về cách xác định mức cấp dưỡng hiện nay có quan điểm khác nhau:

Các hướng dẫn tại Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của TANDTC và Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của HĐTP TANDTC không còn hiệu lực thi hành và không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Cho nên Tòa án căn cứ vào hướng dẫn của các văn bản này để quyết định mức cấp dưỡng thông thường là bằng ½ tháng lương cơ sở là chưa phù hợp. Điều này dẫn đến thực tế là mức cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án không đáp ứng được chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng con chưa thành niên.

Có quan điểm cho rằng do hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của TANDTC. Nhưng Nghị quyết số 02/2000 mặc dù hướng dẫn các quy định của Luật HN&GĐ

năm 2000 nhưng quy định này của Luật HN&GĐ năm 2000 không xung đột với quy định của Luật HN&GĐ năm 2014. Hơn nữa, HĐTP cũng chưa ban hành văn bản hướng dẫn Luật HN&GĐ năm 2014 để thay thế. Do đó, tinh thần của Nghị quyết số 02/2000 vẫn được vận dụng để áp dụng tương tự pháp luật. Tòa án cần vận dụng tinh thần của các văn bản trước đây để xem xét giải quyết về mức cấp dưỡng nuôi con. Tác giả cùng với quan điểm này.

Một phần của tài liệu Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 27 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)