Cơ sở của kiến nghị

Một phần của tài liệu Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo luật hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 60 - 61)

Trước yêu cầu cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa kinh tế, cũng như nhiệm vụ đấu tranh phòng chống và ngăn ngừa tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội thì một trong những biện pháp có ý nghĩa rất quan trọng là hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng. Do đó, việc hoàn thiện quy định về chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội cũng không nằm ngoài mục đích hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam, đồng thời sự cần thiết phải hoàn thiện chế định này còn thể hiện trên các cơ sở lập pháp, thực tiễn và lý luận.

Về cơ sở lập pháp, quy định tại Điều 16 BLHS năm 2015 về chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội vẫn tồn tại những hạn chế nhất định như cách quy định của BLHS hiện hành chỉ mới thể hiện được yếu tố “tự nguyện” không thể hiện được yếu tố “dứt khoát”. Ngoài ra, các quy định của BLHS hiện hành chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội cũng mới chỉ giải quyết vấn đề TNHS đối với hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của một loại người đồng phạm là người thực hành, mà vẫn chưa đề cập gì đến ba loại người đồng phạm còn lại (người tổ chức, người xúi giục và người giúp sức). Do đó, để đảm bảo sự nhất quán và chặt chẽ về mặt lập pháp thì các nhà lập pháp Việt Nam cần khắc phục những hạn chế này. Đồng thời, trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay cũng đòi hỏi pháp luật hình sự của nước ta nói chung và các quy định về chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của BLHS nói riêng cần có sự kế thừa và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp của các nước trên thế giới. Chẳng hạn, tiếp thu kinh nghiệm lập pháp của pháp luật hình sự Liên bang Nga trong việc xây dựng một khái niệm khoa học và hoàn chỉnh về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội hay học hỏi kinh nghiệm lập pháp của pháp luật hình sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Liên bang Đức trong việc mở rộng chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Về cơ sở thực tiễn, trong thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự vẫn còn tồn tại những bất cập nhất định như trong việc xác định thế nào là tự nguyện trong tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Ngoài ra, trong thực tiễn xét xử vẫn còn tồn tại những quan điểm khác nhau về trường hợp người phạm tội đã thực hiện hết tất cả những hành vi được cho là cần thiết nhưng hậu quả của tội phạm chưa xảy ra và người phạm tội đã áp dụng các biện pháp hữu hiệu ngăn chặn được hậu quả của tội phạm hay về vấn đề xác định TNHS đối với hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của các dạng người đồng phạm khác (người tổ chức, người xúi giục và người giúp sức). Những bất cập này xuất phát từ các quy định chưa toàn diện của BLHS hiện hành về chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Về cơ sở lý luận, hoàn thiện chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong pháp luật hình sự Việt Nam có ý nghĩa về mặt lý luận thể hiện ở chỗ giúp cho những người có thẩm quyền trong các cơ quan tiến hành tố tụng (Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán) nhận thức đầy đủ, đúng đắn và chính xác để từ đó đưa ra các quyết định áp dụng hay không áp dụng miễn TNHS cho người phạm tội theo chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội có căn cứ và đúng pháp luật, không để bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, tránh làm oan người vô tội. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh và phòng chống tội phạm, qua đó bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp không chỉ của công dân mà còn cả bị can, bị cáo. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong pháp luật hình sự Việt Nam còn giúp cho người đọc khi học tập, nghiên cứu hoặc đơn thuần là tìm hiểu về chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo Luật hình sự Việt Nam.

Một phần của tài liệu Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo luật hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 60 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(74 trang)