Trong chương 2 học viên đã nghiên cứu tập trung thủ tục công nhận sự thỏa thuận của các đương sự ở giai đoạn chuẩn bị xét xử còn có bất cập khi áp dụng trong thực tiễn xét xử đồng thời có thể rút ra được một số kết luận sau:
Thứ nhất, cần tống đạt biên bản hòa giải thành cho người vắng mặt tại phiên hòa giải để đảm bảo quyền thay đổi ý kiến trước khi Tòa án ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Thứ hai, khi các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án, Thẩm phán lập biên bản hòa giải thành, biên bản ghi đầy đủ những thỏa thuận của các bên đương sự đồng thời nên ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự và Quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay.
Thứ ba, trường hợp đương sự ở nước ngoài và vắng mặt tại phiên hòa giải, thời hạn Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự kể từ ngày nhận được ý kiến đồng ý bằng văn bản của đương sự ở nước ngoài và vắng mặt tại phiên hòa giải trừ trường hợp không thể thực hiện theo thủ tục ủy thác tư pháp hoặc ủy thác tư pháp không có kết quả.
Thứ tư, hiệu lực của quyết định do còn nhiều cách hiểu khác nhau và chưa có sự hướng dẫn cụ thể nên học viên cho rằng cần phải ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về quy định Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có thể bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có căn cứ quy định tại Điều 352 BLTTDS năm 2015.
Tóm lại, trong phạm vi giới hạn nghiên cứu thì nội dung chương 2 học viên đã khái quát lên một bức tranh toàn cảnh về thực trạng pháp luật và áp dụng pháp luật về thủ tục công nhận sự thỏa thuận của các đương sự ở giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Từ đó, dựa trên kết quả nghiên cứu so sánh, đối chiếu pháp luật và kinh nghiệm nghề nghiệp, học viên đã nêu lên được những vướng mắc và rút ra được những kiến nghị có giá trị tham khảo cho việc hoàn thiện những quy định thủ tục công nhận sự thỏa thuận của các đương sự ở giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm.